Xóa bỏ kỳ thị với người có 'H'

24-10-2024 16:35 | Y tế
google news

Người nhiễm HIV ở Khánh Hòa luôn được tư vấn điều trị hiệu quả. Đồng thời, trên địa bàn, sự xóa bỏ kỳ thị với người có 'H' được đẩy mạnh, giúp bệnh nhân HIV tự tin điều trị.

Theo một số chuyên gia phòng, chống HIV, hiện nay, việc khám và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS đang được các bệnh viện, cơ sở y tế công lập thực hiện tốt và bệnh nhân được thanh toán chi phí xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS thông qua quỹ bảo hiểm y tế. Do vậy, đẩy mạnh hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV bên ngoài xã hội cũng như tại các cơ sở y tế là điều cần thiết. Xóa bỏ kỳ thị, giúp người có 'H' tự tin điều trị hơn, không còn lo lắng, mặc cảm, không bỏ dở việc điều trị.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, số người bị nhiễm HIV/AIDS đang được quản lý, chăm sóc, điều trị ở Khánh Hòa là trên 1.500 người. Hầu hết bệnh nhân đã được tiếp cận với thuốc điều trị cũng như các kiến thức cần thiết để phòng, chống lây nhiễm cho người thân, bạn bè.

Xóa bỏ kỳ thị với người có 'H'- Ảnh 1.

Truyền thông về điều trị dự phòng HIV ở Khánh Hòa

Hiện nay, cùng với nhân viên y tế dự phòng, các đồng đẳng viên trên địa bàn Khánh Hòa rất tích cực trong việc truyền thông giảm kỳ thị với người có 'H'. Thông qua truyền thông, nhiều người đã hiểu rõ 'ai cũng có thể bị nhiễm HIV/AIDS nếu thiếu hiểu biết và hành vi không an toàn; 'HIV/AIDS nguy hiểm nhưng dễ ngừa', việc kỳ thị và phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV càng làm tình trạng bệnh xấu hơn. Vì, nếu bị kỳ thị, người nhiễm HIV sẽ không dám tiết lộ tình trạng nhiễm của bản thân với vợ, chồng hay gia đình và bạn bè thân thiết. Đồng thời, họ cũng sẽ dễ trì hoãn hay thậm chí từ chối được đưa vào chăm sóc và điều trị HIV. Từ đó, có thể dẫn đến người bệnh phó mặc cho số phận, không vươn lên "chiến đấu" với bệnh tật.

Bà Q., một người có 'H' ở Cam Ranh (Khánh Hòa) chia sẻ, xóa bỏ kỳ thị, không phân biệt đối xử giúp những người có 'H' như bà vui vẻ tham gia các hoạt động lành mạnh trong cộng đồng. Đồng thời, an tâm điều trị bệnh một cách hiệu quả, cùng với đó sẵn sàng chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ trong các buổi sinh hoạt, gặp gỡ do các đồng đẳng viên hoặc nhân viên y tế tổ chức. Từ đó, người có 'H' tự tin vươn lên trong lao động, làm ăn, sản xuất.

Nhiều đồng đẳng viên ở Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng chia sẻ, bệnh nhân HIV rất cần nhận được sự chia sẻ, cảm thông từ những người thân, cộng đồng. Họ là những bệnh nhân đặc biệt. Vậy nên, các đồng đẳng viên luôn linh hoạt các biện pháp tiếp cận giúp người có 'H' vui vẻ mở lòng thu nhận đầy đủ các kiến thức về điều trị, phòng lây nhiễm HIV cho người khác.

Xóa bỏ kỳ thị với người có 'H'- Ảnh 2.

Sử dụng bao cao su luôn được khuyến cáo để phòng lây nhiễm HIV và một số bệnh khác.

Với sự tiến bộ của y học hiện nay, bệnh nhân HIV hoàn toàn có thể có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc như những người không có HIV khác trong xã hội nếu được phát hiện kịp thời và tuân thủ điều trị HIV bằng thuốc kháng vius (ARV). Bên cạnh việc chăm lo cho sức khỏe bản thân, người có HIV có thể chủ động dự phòng lây truyền HIV cho người khác khi tình trạng nhiễm HIV của họ được kiểm soát dưới ngưỡng phát hiện (K=K hay Không lây phát hiện = Không lây truyền, nghĩa là người có 'H' khi tuân thủ điều trị ARV có thể giảm tải lượng virus xuống dưới mức 200 bản sao/ml máu thì không còn khả năng lây truyền cho người khác).

Đồng thời, những người có nguy cơ cao thì điều trị dự phòng giúp ngăn chặn việc lây nhiễm HIV. Bác sĩ Tôn Thất Toàn- Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương luôn chú trọng nâng cao kiến thức truyền thông về HIV cho các đồng đẳng viên. Nhất là các kiến thức về điều trị dự phòng. Điều này có vai trò quan trọng trong việc phát triển và mở rộng chương trình PrEP (điều trị dự phòng HIV) tại Khánh Hòa.

Khi các đồng đẳng viên, tiếp cận viên hiểu sâu về PrEP và nắm vững các phương pháp tiếp cận, tư vấn họ có thể thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả hơn, từ đó giúp tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ này cho những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Nhiều buổi tập huấn, các đồng đẳng viên, tư vấn viên còn được truyền đạt các kỹ năng mềm có thể áp dụng trong quá trình tiếp cận với bệnh nhân HIV. Điển hình như, nhiều đồng đẳng viên đã giúp các nhóm có nguy cơ cao với HIV nghiêm túc sử dụng bao cao su để phòng bệnh. Bao cao su luôn là phương pháp quan trọng và hiệu quả cao để ngăn ngừa nhiễm HIV. Ngoài bệnh HIV, bao cao su còn phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như giang mai, lậu, nhiễm chlamydia và một số bệnh khác.

Một số người có nguy cơ cao với HIV ở Khánh Hòa cho biết, trong các đợt cấp phát bao cao su miễn phí ở địa phương luôn xung phong đến nhận và sử dụng đúng cách. Từ đó, hình thành thói quen quan hệ an toàn với bạn tình, nhất là bạn mới quen để bảo vệ cho bản thân cũng như bạn của mình.

Đ.Hưng


Ý kiến của bạn