Xóa bỏ hạn ngạch nhập phim: Sống bằng phim ngoại

29-05-2009 06:06 | Văn hóa – Giải trí
google news

Xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu phim nước ngoài trong khi hệ thống rạp hiện vẫn đang tồn tại chủ yếu bằng kinh doanh phim ngoại nhập. Và điện ảnh nội địa, bất chấp những nỗ lực bảo hộ từ phía Nhà nước, vẫn chưa có một thị trường phim đúng nghĩa.

Xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu phim nước ngoài trong khi hệ thống rạp hiện vẫn đang tồn tại chủ yếu bằng kinh doanh phim ngoại nhập. Và điện ảnh nội địa, bất chấp những nỗ lực bảo hộ từ phía Nhà nước, vẫn chưa có một thị trường phim đúng nghĩa. Không còn hạn ngạch, nguồn phim - nguồn “dưỡng chất”, rạp chiếu sẽ thay đổi theo chiều hướng nào?

Xóa bỏ hạn ngạch phim là điều bắt buộc

Theo đúng lộ trình cam kết khi góp mặt trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tại Hội nghị thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh đã khẳng định, “việc xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu phim trong thời điểm hiện nay là cần thiết”.

Cảnh trong phim Chuyện tình nước Úc

Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh đã xóa bỏ quy định về hạn ngạch nhập khẩu phim, nhưng quy định điều kiện đối với doanh nghiệp nhập khẩu phim chặt hơn: “Doanh nghiệp điện ảnh có rạp chiếu phim được quyền nhập khẩu phim theo quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu”, có nghĩa là kể cả những doanh nghiệp sản xuất phim mà không có rạp chiếu phim thì không được nhập khẩu phim như luật hiện hành cho phép. Thêm vào đó, dự thảo luật lần này được sửa theo hướng cho phép thành lập liên doanh với nước ngoài trong cả 3 lĩnh vực: Sản xuất phim, phát hành phim và phổ biến phim, với phần góp vốn của phía nước ngoài không quá 51% vốn pháp định, đúng như cam kết WTO.

Như vậy, đối với lĩnh vực sản xuất phim, quy định của dự thảo cởi mở hơn so với luật hiện hành. Còn trong lĩnh vực phát hành phim và phổ biến phim, từ chỗ cho thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, nay dự thảo luật chỉ cho thành lập liên doanh với vốn góp của phía nước ngoài không quá 51% vốn pháp định.

Nguồn phim là yếu tố quyết định sự thành bại – sống còn của một rạp chiếu bóng. Theo Luật Điện ảnh, tỷ lệ phim nội chiếu rạp trong năm phải bảo đảm tối thiểu là 20%. Cứ lạc quan mà cho rằng con số đó khả thi thì các nhà nhập khẩu phim vẫn phải đôn đáo “chạy” cho ra 80% phim ngoại còn lại.

Phim nội thua trắng trên sân nhà

Theo con số thống kê sơ bộ của cơ quan quản lý điện ảnh, “ngoài các hãng phim Nhà nước, hiện có gần 20 cơ sở sản xuất phim tư nhân. Việc sản xuất phim trong nước được đẩy mạnh. Cụ thể, trong 2 năm gần đây đã sản xuất 19 phim truyện nhựa, 15 phim truyện video, 16 phim hoạt hình, 17 phim tài liệu và hàng ngàn thước phim tư liệu”.

Để bảo hộ nền điện ảnh Việt, vốn èo uột cả về số lượng lẫn chất lượng phim, Luật Điện ảnh đã quy định rạp chiếu phải dành thị phần 20% cho phim nhà. Nhưng ai cũng biết con số đó, cho dù xuất phát từ lòng hảo tâm của Nhà nước, là một giấc mơ đẹp nhưng rất đỗi xa vời.

Cho dù hệ thống rạp chiếu trên cả nước (tính cả những cụm rạp hoành tráng theo mô hình multiplex liên doanh với nước ngoài lẫn những rạp trang thiết bị xập xệ đến mức báo động đang thuộc quyền quản lý của các công ty điện ảnh thành phố) dám dũng cảm ném bài toán lỗ lãi kinh doanh vào ngăn kéo khi ủng hộ hết mình cho những suất chiếu phim Việt thì tỷ lệ 6 phim nội ra lò năm 2008/120 phim ngoại nhập về mới đạt tới con số nhỏ xíu: 5%.

Lộ trình đã được tính toán từng bước để giúp các đơn vị sản xuất phim dần làm quen và chuẩn bị nội lực cho một sân chơi bình đẳng, khi phải so găng với những sản phẩm ngoại nhập ngay trên chính sân nhà. Rất tiếc, chúng ta đã bỏ phí quãng thời gian quý giá đó, để tới khi phải đứng trước những võ sĩ khổng lồ trong trận chiến một mất một còn mới phát hiện ra mình vẫn mãi là chú chim chích không cân sức.

Phim nội chưa có được một thị trường đúng nghĩa. Cả năm chẳng có nổi một đầu phim gây dư luận, chỉ riêng dịp Tết là dốc toàn lực cạnh tranh quyết liệt với nhau. Cuộc chiến PR, cuộc chạy đua giành rạp chiếu... không khoan nhượng khiến ngành nghệ thuật thứ bảy chỉ thực sự hồi sinh vào hai tuần ngắn ngủi trước và sau Tết Nguyên đán. Những con số doanh thu mười mấy tỷ do nhà sản xuất công bố cũng chỉ làm lóe lên tia hy vọng trong chốc lát. Rạp chiếu vẫn không thể trông chờ vào việc kinh doanh phim nội. Và thị trường đầy tiềm năng hơn tám chục triệu dân vẫn là mảnh đất hoang vu đang chờ các đơn vị phát hành phim nước ngoài khai phá.

Không còn hạn ngạch, phim ngoại sẽ ngày càng làm mưa làm gió?

Người lạc quan đến mấy cũng chẳng dám trả lời không. Hiện tại, nếu là một cây bút theo dõi mảng giải trí, tính trung bình một tuần, bạn sẽ nhận được lời mời xem phim ra mắt hoặc được các chuyên viên PR gửi cho vài ba thông cáo báo chí về những đầu phim ngoại mới nhập về. Đa phần là từ mấy đại gia: Megastar, Galaxy, BHD.

Cảnh trong phim Cuộc đua tử thần

Khán giả giờ đúng là thượng đế, khi được xem những siêu phẩm Chuyện tình nước Úc, Cuộc đua tử thần, High School Musical 3, Người sói... cùng lúc với thị trường Bắc Mỹ. Phim ôm nhiều đề cử, phim đoạt giải OSCAR như Dị nhân Benjamin, Triệu phú ổ chuột... cũng có mặt ngay tắp tự. Con số trung bình 120 phim nhập hàng năm, ngay khi còn bị “trói” bởi hạn ngạch (Doanh nghiệp sản xuất phim được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim và mỗi năm số lượng phim nhập khẩu không được vượt quá hai lần số lượng phim do doanh nghiệp sản xuất – trích Luật Điện ảnh, theo Điều 30 chương IV về Phát hành phim) sẽ còn tăng vọt tới đâu khi cái barie cuối cùng bị gỡ bỏ? Rất khó để tiên liệu chính xác! 

 Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ông Đào Trọng Thi: “Việc hạn chế tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài trong doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim là cần thiết vì trong điều kiện không hạn chế hạn ngạch nhập khẩu, nếu cho phép thành lập doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim với tỷ lệ vốn góp không hạn chế của phía nước ngoài (như Luật quy định trước đây), thì rất khó kiểm soát được việc nhập khẩu, phổ biến phim nước ngoài của những doanh nghiệp này”.

Một số người e ngại rằng, việc xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu phim sẽ dẫn tới nguy cơ khó kiểm soát và ảnh hưởng tới điện ảnh trong nước. Do vậy, cần phải lập “hàng rào”, đề nghị Nhà nước vẫn cần tiếp tục có những biện pháp hiệu quả bảo trợ phim nội, kiểu như giảm hoặc miễn thuế với sản phẩm “made in VN”, dành những suất chiếu đẹp nhất trong ngày cho phim Việt,  tăng thuế xuất nhập khẩu với phim nước ngoài - đặc biệt là phim Mỹ để chống lại ảnh hưởng và sự xâm lăng toàn cầu của Hollywood...

Nhưng tất cả những biện pháp đó, nếu có, cũng chỉ phát huy tác dụng nếu điện ảnh nước nhà đủ khả năng đứng vững và bước đi bằng chính nội lực của mình. Cứ èo uột, thiếu sinh khí như hiện nay (phim tư nhân nhăm nhăm giải trí đơn thuần, phim nhà nước đặt hàng lo việc kỷ niệm và tham dự LHPQT nhỏ lẻ ở nước ngoài) thì mọi sự trợ giúp đều chỉ như muối bỏ bể. Khi các cầu thủ nội chỉ đủ sức mang bóng ra sân chuyền vài hiệp trong mỗi dịp Tết. Năm mươi tuần lễ còn lại, xin mời các cầu thủ ngoại cao to khỏe mạnh mặc sức tung hoành thì e rằng, các chủ rạp cứ đành quanh năm an phận sống bằng... hàng nhập khẩu!

Huyền Nga


Ý kiến của bạn