Xóa bỏ định kiến giới góp phần giảm mất cân bằng giới tính khi sinh

01-12-2021 11:23 | Xã hội
google news

SKĐS - Có thể nói do những quan niệm sai lầm về định kiến giới đã kéo theo rất nhiều hệ lụy cho xã hội, trong đó có những hệ lụy từ mất cân bằng giới tính khi sinh...

Định kiến giới là gì?

Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ.

Các định kiến giới thường là không đúng, không phản ánh đúng khả năng thực tế của từng người và thường giới hạn những gì mà xã hội cho phép hoặc mong đợi các cá nhân thực hiện.

Các định kiến giới có thể khác nhau ở các vùng khác nhau, các nước khác nhau phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán…

Một số định kiến giới thường gặp ở nước ta

Ở nước ta một số định kiến giới cho rằng:

  • Phụ nữ là phụ thuộc, yếu đuối, thụ động; nam giới là độc lập, mạnh mẽ, có năng lực và là người ra quyết định;
  • Nội trợ là công việc của phụ nữ, không phải là việc của đàn ông;
  • Chồng có quyền dạy vợ, vợ phải nghe lời chồng;
  • Nam là trụ cột trong gia đình, quyết định các việc lớn trong gia đình; nữ nuôi dạy con cái, nội trợ, quản lý chi tiêu;
  • Nam giỏi việc xã hội; nữ giỏi việc nhà...

Định kiến giới chủ yếu tác động tiêu cực tới cơ hội phát triển, thăng tiến của nữ vì các đa phần các định kiến này là các định kiến tiêu cực đối với nữ. Những định kiến này cũng gây ra không ít thiệt thòi cho phụ nữ về tinh thần, vật chất và còn là nguyên nhân tác động tới tình trạng bạo lực gia đình.

photo-1638177005268

Nhiều vùng dân tộc thiểu số vẫn còn định kiến giới nặng nề.

Theo Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố tháng 7/2020 cho thấy: Cứ 3 phụ nữ, thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất 1 hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra. Tỉ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục năm 2019 là 13,3%, cao hơn so với năm 2010 là 9,9%; 4,4% phụ nữ cho biết họ đã bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15 tuổi.

Định kiến giới là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh

Các quan niệm cho rằng, chỉ có con trai mới được thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường; nam giới được coi là trụ cột và là người kiếm tiền chính trong gia đình; nội trợ, việc nhà là việc của phụ nữ… đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình và trong xã hội, tạo ra sự bất bình đẳng giới.

Định kiến giới nằm ngay trong sự bất bình đẳng giới trong các hoạt động dân số kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) và sức khỏe sinh sản (SKSS): Vai trò của nam giới tham gia KHHGĐ còn hạn chế, mà người phụ nữ được coi là phải chịu trách nhiệm thực hiện KHHGĐ. Thêm nữa, việc mang thai khi nào và sinh bao nhiêu con lại thường do người chồng hoặc gia đình chồng quyết định, có hay không sử dụng biện pháp tránh thai để giãn khoảng cách sinh. Hoặc ngay cả việc không sinh con cũng thường do người chồng, gia đình chồng quyết định, thậm chí nếu biết là giới tính thai nhi không mong muốn thì có khi chính người chồng và gia đình chồng ép buộc phá bỏ…

Cũng từ định kiến giới nói trên, một bộ phận người dân đã tìm mọi cách để sinh bằng được con trai, thậm chí tìm mọi phương pháp để biết được giới tính thai nhi ngay từ khi còn trong bụng mẹ…

Tất cả những điều này chính là nguyên nhân dẫn tới mất cân bằng giới tính khi sinh.

Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ. Về lâu dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực kết hôn sớm đối với trẻ gái, phải bỏ học để lập gia đình, có thể gia tăng về nhu cầu mại dâm dẫn đến nạn buôn bán phụ nữ gia tăng...

Cách nào đề xóa bỏ định kiến giới?

Để xóa bỏ định kiến về giới, việc nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới cho cả đối tượng nam giới và nữ giới là rất quan trọng.

Theo đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa 3 môi trường: Giáo dục, nhà trường, gia đình và xã hội, những nơi mà định kiến giới đang tồn tại; lồng ghép nội dung về bình đẳng giới trong chương trình của các cấp học, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học…

photo-1638177007592

CTV dân số tuyên truyền cho người dân về hậu quả việc mất cân bằng giới tính khi sinh

Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, truyền thông và các giải pháp về chính sách pháp luật… việc đánh thức tiềm năng sống cùng với những đam mê, khát vọng, ý chí và bản lĩnh của người phụ nữ, phát huy ý thức trách nhiệm, sự thấu cảm, sẻ chia và những kỹ năng còn tiềm ẩn ở người đàn ông, cũng là một cách tích cực nhằm từng bước xóa mờ những định kiến giới, thay đổi diện mạo xã hội, tiến tới bình đẳng giới.

Theo các chuyên gia, để điều chỉnh, giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ định kiến giới là một quá trình khó khăn đòi hỏi phải tiến hành liên tục, đồng bộ, kiên trì và sáng tạo. Đặc biệt, công tác này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của phụ nữ mà quan trọng hơn là cần sự tham gia trực tiếp của đàn ông cũng như các các tổ chức chính trị xã hội...

Mời độc giả xem thêm video:

Việt Nam tăng cường kiểm soát dịch tễ, nhiều quốc gia nỗ lực tìm cách ứng phó với biến thể Omicron


Xuân Thủy
Ý kiến của bạn