Thực hiện bình đẳng giới để giải quyết tận gốc mất cân bằng giới tính khi sinh
Theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, thực tế phụ nữ luôn bị coi là thứ hai, đứng sau nam giới. Chỉ khi người phụ nữ được bình đẳng với nam giới và người dân nhận thức được rằng, đẻ con gái cũng tốt như đẻ con trai, lúc ấy có lẽ tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) mới được giải quyết".
Bất bình đẳng giới đã dẫn đến tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Theo Liên Hợp Quốc, bình đẳng giới nghĩa là phụ nữ và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người. Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình là vợ chồng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong các hoạt động của gia đình, có ý thức trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách công bằng như quyền quyết định số con, khoảng cách sinh, việc chăm sóc và nuôi dạy con cái… Tuy nhiên, hiện nay, bất bình đẳng giới vẫn đang diễn ra từ gia đình đến cộng đồng và được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng MCBGTKS.
Bất bình đẳng giới đã dẫn đến tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Những vụ bạo lực trong mỗi gia đình liên quan đến việc phải đẻ con trai vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại nhiều nơi trên khắp cả nước. Theo đó, nhiều ông chồng suốt ngày chửi bới, mỉa mai, đánh đập vợ về việc không sinh được con trai. Người vợ phải chịu nhiều áp lực từ phía chồng cũng như gia đình nhà chồng như: Phải chấp nhận cho chồng đi "tìm kiếm" con trai; chấp nhận bỏ đi để cho chồng đi lấy vợ khác; hoặc chịu đựng để chồng ngang nhiên đi cặp bồ để có con trai.
Trong đó, việc gây sức ép để người vợ phải mang thai rồi phá thai hết lần này đến lần khác cho đến khi nào đẻ được con trai thì thôi là một trong những dạng bạo lực gia đình khủng khiếp nhất. Điều này làm tổn hại rất lớn đến sức khỏe cả về thể chất, tinh thần lẫn tâm lý, tình cảm của người phụ nữ ở thực tại cũng như cuộc sống sau này.
Tuy nhiên, những điều này lại chưa được đề cập nhiều, vì vậy cần nâng cao nhân thức hơn nữa về vấn đề MCBGTKS, và đề cập sâu hơn về những hệ lụy mà người phụ nữ phải gánh chịu ở thực tại cũng như ở tương lai sắp tới.
Thắp sáng màu cam xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, góp phần giảm mất cân bằng giới tính khi sinh
Ngày 25 tháng 11 năm 2021 là Ngày Quốc tế Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ đã được tổ chức khắp nơi trên thế giới, là dịp để các Chính phủ, các tổ chức xã hội và từng cá nhân tái khẳng định cam kết xây dựng một thế giới an toàn, không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Ngày này cũng khởi động Chiến dịch toàn cầu 16 Ngày hành động xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới với rất nhiều hoạt động diễn ra trên khắp thế giới diễn ra từ ngày 25/11 đến ngày 10/12 (Ngày quốc tế về quyền con người) hàng năm.
Cầu Rồng tại Đà Nẵng
Để hưởng ứng chiến dịch này, nhiều tòa nhà và địa danh nổi tiếng tại các quốc gia sẽ được thắp sáng màu cam, màu tượng trưng cho tương lai tươi sáng, không bạo lực của phụ nữ và trẻ em gái.
Tại Việt Nam, Tòa nhà Xanh Một Liên Hợp Quốc ở Hà Nội và bốn cây cầu nổi tiếng của Đà Nẵng gồm Cầu Rồng, Cầu sông Hàn, cầu Trần Thị Lý và cầu Tình yêu cũng tham gia sáng kiến này. Những tòa nhà và địa danh này sẽ được thắp sáng cam trong suốt Chiến dịch 16 Ngày hành động nhằm thể hiện cam kết chấm dứt bạo lực với phụ nữ của các cơ quan chủ quản.
Tòa nhà Xanh Một Liên Hợp Quốc tại Hà Nội
"Tô cam thế giới" trong suốt Chiến dịch 16 Ngày hành động chấm dứt bạo lực giới là một sáng kiến toàn cầu của Liên Hợp Quốc. Trong những năm qua, hàng trăm địa danh nổi tiếng tại nhiều quốc gia bao gồm Trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Kim tự tháp Giza tại Ai Cập, Tòa nhà Empire State ở New York, Mỹ, Trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York, Nhà ga Chatrapati Shivaji Terminus tại Mumbai, Trụ sở Liên Minh Châu Âu, cầu Rồng và Cầu Sông Hàn… đã được thắp sáng màu cam để truyền tải thông điệp chấm dứt bạo lực với phụ nữ.
Chỉ khi chấm dứt được tình trạng này, thực hiện bình đẳng giới sẽ giảm được mất cân bằng giới tính khi sinh.
Mời độc giả xem thêm video:
Lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi.