Xỏa bỏ bạo lực với phụ nữ, được không?

24-11-2013 09:00 | Thời sự
google news

Hàng năm, cứ gần đến ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (25/11), người ta nhắc nhiều đến việc phòng chống bạo lực cho phụ nữ và trẻ em gái. Còn 364 ngày khác thì sao? Dư luận vẫn giật mình hoảng hốt vì những vụ đánh đập phụ nữ, tra tấn trẻ dã man như thời trung cổ; giày xéo nỗi đau thể xác và tinh thần.

Hàng năm, cứ gần đến ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (25/11), người ta nhắc nhiều đến việc phòng chống bạo lực cho phụ nữ và trẻ em gái. Còn 364 ngày khác thì sao? Dư luận vẫn giật mình hoảng hốt vì những vụ đánh đập phụ nữ, tra tấn trẻ dã man như thời trung cổ; giày xéo nỗi đau thể xác và tinh thần.

Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái liệu có xóa bỏ được không một khi nam giới vẫn chưa thay đổi nhận thức về vai trò của phụ nữ trong xã hội? Và thậm chí, ngay cả chính chị em - vì một rào cản nào đó mà im lặng không chịu lên tiếng?

58% phụ nữ cho biết họ đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Đây mới chỉ đơn thuần là những con số thống kê của Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình (BLGĐ) đối với phụ nữ ở VN nhưng cũng đủ minh chứng cho thấy nhiều chị em đang sống trong môi trường đầy tính bạo lực. Đau đớn hơn, môi trường ấy lại ở ngay trong chính gia đình – nơi được coi là tổ ấm của mỗi người. Trên thực tế, số chị em bị bạo hành có thể còn lớn hơn gấp nhiều lần, nhưng cũng theo nghiên cứu, có đến khoảng 50% nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng. 87% nạn nhân BLGĐ chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công…

Nguyên nhân vì đâu mà chị em phải nhẫn nhịn chịu đựng đến vậy? Các chuyên gia chỉ ra rằng, một phần do đức hi sinh của phụ nữ nên họ cố gắng cam chịu; phần khác là nỗi ám ảnh sợ hãi, liệu nói ra họ có được bảo vệ hay lại bị đánh đập nhiều hơn?. Thêm vào đó, những quan niệm như đóng cửa bảo nhau, chuyện vợ chồng có cãi cọ (hoặc đi quá giới hạn là xảy ra xung đột) cũng là chuyện riêng tư chẳng có gì hay ho mà đi trình báo, “vạch áo cho người xem lưng”… Kết quả cuối cùng là đằng sau mỗi cánh cửa của không ít gia đình là biết bao nỗi ám ảnh, chua xót – không chỉ với người lớn mà cả con trẻ. Các chuyên gia cũng cảnh báo, trẻ nhỏ nếu sống trong gia đình bạo lực, thường xuyên chứng kiến cảnh người lớn bạo lực thì xu hướng lớn lên cũng sẽ gây bạo lực hoặc là người trực tiếp chịu bạo lực. 

Xỏa bỏ bạo lực với phụ nữ, được không? 1
Vật dụng trong gia đình đã bị các ông chồng biến thành “hung khí” hành hạ vợ. Ảnh chụp tại triển lãm “Sẻ chia”. Ảnh: D.Hải.

Không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhân, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội. Ước tính thiệt hại kinh tế do BLGĐ gây ra với phụ nữ VN do LHQ công bố năm 2012 cho thấy, tổng thiệt hại về năng suất lao động chiếm tới 1,78% GDP năm 2010 của VN. Tuy nhiên, chi phí xã hội còn cao hơn do bạo lực với phụ nữ ảnh hưởng đáng kể đối với sự gắn kết xã hội và khả năng phục hồi của cộng đồng; kìm hãm tăng trưởng kinh tế và gia tăng đói nghèo của quốc gia.

Mặc dù VN đã có Luật Bình đẳng giới; Luật phòng, chống BLGĐ và có “thâm niên” trên 30 năm tham gia Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), song theo nhận định của bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thì vẫn chưa thực sự có được sự hài lòng trong quá trình thực thi pháp luật. Trên thực tế, vấn đề bạo lực với phụ nữ và bạo hành với trẻ em gái đang tồn tại và cứ vài tháng lại rộ lên những vụ việc gây nhức nhối hết sức đau lòng. Điều này trở thành nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và trật tự toàn xã hội.

Theo bà Mai, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội là cơ quan soạn thảo và trình Quốc hội thông qua dự án Luật phòng, chống BLGĐ. Đến nay, Luật đã được thực thi 5 năm, tạo khung pháp luật chặt chẽ giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và BLGĐ tại Việt Nam. Có Luật đã là tiến bộ nhưng đồng thời cũng phải nâng cao nhận thức, quá trình truyền thông, sự phối hợp các tổ chức, cơ quan trong xã hội thì phòng chống BLGĐ mới đạt được những bước tiến mới. Và chỉ như vậy thì phụ nữ, trẻ em gái mới được sống trong môi trường bình đẳng, tiến bộ.

Xỏa bỏ bạo lực với phụ nữ, được không? 2
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội ký cam kết Chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ. Ảnh: D.Hải.

Hội Liên hiệp Phụ nữ VN hiện là cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em gái. Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội cho hay, Hội cam kết sẽ thực hiện các chương trình phòng chống BLGĐ bền bỉ, hiệu quả thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ nâng cao trình độ và nhận thức về vị thế, vai trò trong gia đình và xã hội; tăng cường công tác truyền thông để cộng đồng, đặc biệt là nam giới nhận thức được vai trò của người phụ nữ trong cuộc sống; tổ chức các câu lạc bộ; nhân rộng các mô hình gia đình không bạo lực, mô hình 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt nâng cao nhận thức phụ nữ trong phòng chống BLGĐ…

Tuy nhiên, nhấn mạnh đến việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của LHQ tại VN cho rằng, việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em không thể thành công nếu không có sự tham gia của nam giới, bao gồm cả người lớn và trẻ em. Và nếu chỉ có phụ nữ thì không thể chấm dứt bạo lực, mà cần phải có sự chung tay của tất cả mọi người trong xã hội...

Ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Tiến sĩ Denis Mukwege đã sáng lập ra BV Bệnh viện Panzi - nơi những phụ nữ tìm đến sau khi trải qua bạo hành khủng khiếp. Ông từng chia sẻ: "Rất nhiều lần chúng tôi phải kìm nước mắt. Mọi thứ đều bị hủy hoại. Nhưng chúng tôi phải làm việc, chúng tôi chữa trị, chúng tôi sửa chữa những gì có thể, và đó là rất nhiều”. Ông được truyền sức mạnh từ sự can đảm của những người phụ nữ mà ông chữa trị, trong đó có nhiều người tiếp tục giúp đỡ những người khác.

Mặc dù bác sĩ Mukwege đang phải đối phó với bạo lực đối với phụ nữ trong bối cảnh xung đột vũ trang nhưng tinh thần đương đầu và khắc phục vấn đề này của ông đã minh chứng cho những nỗ lực giúp phụ nữ đối mặt với bạo lực trong gia đình, tại trường học ở mọi quốc gia, mọi xã hội. Vị bác sĩ này được coi là anh hùng trong cuộc chiến chống lại bạo lực, chữa lành vết thương cho những nạn nhân khốn khó.


 Dương Hải


Ý kiến của bạn