Hà Nội

Xóa biển quảng cáo vi phạm - Khó đến vậy sao?

08-09-2017 14:36 | Xã hội
google news

SKĐS - Tình trạng vi phạm quảng cáo ngoài trời (gọi chung là quảng cáo) tại các thành phố đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự, an toàn giao thông và văn minh đô thị.

Một trong những nguyên nhân khiến cho các vi phạm này ngày càng gia tăng là do việc quy hoạch quảng cáo chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, dù Luật Quảng cáo đã có hiệu lực thi hành từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, theo ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội, việc chấn chỉnh để theo quy hoạch nói thì dễ, làm mới khó.

Chưa có sự đồng thuận, hiệu quả xử lý vi phạm chưa cao

Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết, cùng với các đô thị lớn trên cả nước, TP. Hà Nội là địa phương điển hình về sự sôi động của hoạt động quảng cáo, trong đó có cả tình trạng vi phạm quảng cáo.

Hàng loạt quán karaoke tại Hà Nội dỡ biển quảng cáo.

Hàng loạt quán karaoke tại Hà Nội dỡ biển quảng cáo.

Hiện nay, TP. Hà Nội đang xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2050 bao gồm điều chỉnh quy hoạch tại 7 tuyến cũ để phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương; đồng thời quy hoạch mới 15 tuyến đường, quốc lộ mới mở, dự kiến hơn 900 vị trí. Đến nay, quy hoạch đã được Thường trực Thành ủy cho ý kiến chỉ đạo, đã công khai trên Cổng giao tiếp điện tử TP và Cổng thông tin điện tử Sở VH&TT lấy ý kiến của tổ chức, doanh nghiệp và người dân đóng góp vào quy hoạch. “Chúng tôi ủng hộ những doanh nghiệp quảng cáo làm đúng, có đóng góp cho Thủ đô, kiên quyết đấu tranh với những doanh nghiệp làm sai”, ông Tiến nói.

Về vấn đề xử lý các đơn vị vi phạm hoạt động quảng cáo, ông Tiến cho biết, lĩnh vực quảng cáo liên quan đến nhiều đối tượng nên việc xử lý cũng phải có sự phối hợp đồng bộ giữa thanh tra văn hóa với chính quyền địa phương thì mới giải quyết triệt để tình trạng vi phạm. Biển quảng cáo ở địa bàn nào thì địa bàn đó phải chịu trách nhiệm nếu để sai phạm. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt giữa ý kiến của các quận huyện với các cơ quan liên ngành cũng khác nhau. Chính vì có nhiều ý kiến trái chiều nên trong quá trình triển khai không có sự đồng thuận, đã dẫn đến hiệu quả của việc xử lý vi phạm chưa cao. Tuy vậy, việc cưỡng chế xử lý các vi phạm trong quảng cáo của Hà Nội bước đầu đã nhận được sự đồng thuận của đa số người dân.

Sai phạm về quảng cáo trên địa bàn của địa phương nào, địa phương đó phải tự xử lý.

Sai phạm về quảng cáo trên địa bàn của địa phương nào, địa phương đó phải tự xử lý.

Xử lý kiên quyết, không có vùng cấm

Ông Tiến chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội về việc thành lập Đoàn liên ngành thanh tra, kiểm tra bảng quảng cáo vi phạm, đến nay, TP đã xử lý, tháo dỡ 183/190 bảng quảng cáo, 1 cột trụ vi phạm (còn một số bảng chưa xử lý được, tồn tại chủ yếu ở khu vực sân bay Nội Bài); 149/149 bảng hộp đèn trên dải phân cách. Sau khi Đoàn liên ngành TP kiểm tra, xử lý, các đơn vị vi phạm đã tiến hành tự chỉnh sửa, tháo dỡ. Thống kê đến tháng 8/2017 có 70/118 cửa hàng Thế giới di động, 22/45 cửa hàng FPT Shops, 10/30 cửa hàng Điện máy xanh thực hiện tự điều chỉnh kích thước bảng quảng cáo, biển hiệu phù hợp quy định của pháp luật, hoàn thiện hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo gửi Sở VH&TT. Ngoài ra, các công ty có thương hiệu như: Trần Anh, Kangaroo, Viettel đang tiếp tục chỉnh sửa các bảng, biển tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Đối với quảng cáo rao vặt, Sở đã phối hợp với Sở TT&TT đề nghị cắt 170 số điện thoại vi phạm về quảng cáo rao vặt.

Xử lý biển vi phạm về quảng cáo trên đường vành đai 3.

Xử lý biển vi phạm về quảng cáo trên đường vành đai 3.

Để việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo đạt kết quả cao, thời gian tới vẫn duy trì hoạt động thường xuyên của Đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục thực hiện kiểm tra hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP, tập trung vào các cơ sở có bảng quảng cáo, biển hiệu có kích thước lớn che kín toàn bộ mặt tiền nhà, không đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ; cản trở công tác cứu hộ, cứu nạn, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, bao gồm cả các cơ sở karaoke. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, công dân hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo chấp hành quy định của pháp luật về quảng cáo, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vào sự phát triển của TP bằng các sản phẩm, quảng cáo theo hướng văn minh, hiện đại, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa của Thủ đô.

Theo ông Tiến, cho dù là đơn vị thuộc cấp nào quản lý, khi đã đứng chân trên địa bàn TP thì phải chấp hành nghiêm túc các quy định, không có ngoại lệ. Theo đó, Sở VH&TT sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan, kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tiến hành giải toả các biển quảng cáo vi phạm, nhất là khu vực gần sân bay Nội Bài.


Bài, ảnh: Trần Lâm
Ý kiến của bạn