Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ cho biết ghi nhận ngày càng nhiều số ca nhập viện vì tai nạn giao thông, chấn thương do mất kiểm soát hành vi sau khi uống rượu. Đó là gánh nặng không nhỏ cho bản thân, gia đình và xã hội.
Điển hình là ca bệnh vào khoảng 21h ngày 24/02/2019, bệnh nhân (BN) nam 47 tuổi, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tình trạng hôn mê sâu. Qua tìm hiểu, được biết BN làm nghề xe ôm, sau uống rượu bia không làm chủ được hành vi, có va chạm dẫn tới xô xát với một người khác. BN bị đánh bằng búa và típ sắt dẫn đến vỡ hộp sọ, hôn mê sâu, đe dọa tính mạng.
Sau khi được thăm khám, đặt ống nội khí quản, bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính sọ não. Trên phim cắt lớp có hình ảnh tụ máu dưới màng cứng cấp tính lan tỏa bán cầu phải gây phù não lan tỏa đè ép cấu trúc xung quanh, tụ máu dưới màng cứng hố thái dương chẩm trái kèm vài ổ máu tụ trong nhu mô não, lún sọ vùng thái dương bên phải, nốt tăng tỷ trọng vị trí mặt sau thân não, kèm theo phù não, chảy máu nhu mô não, xuất huyết dưới nhện, tụt kẹt não.
Ngay sau đó, bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu để giữ tính mạng. Sau mổ, tình trạng bệnh nhân vẫn còn rất nặng, tiên lượng xấu.
Rượu bia gây nhiều nguy hại cho sức khoẻ. Ảnh minh hoạ.
"Cường quốc" về rượu bia tạo nên gánh nặng về bệnh tật
Bà Trần Xuân Hằng – Ban Soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam trong nhóm tăng nhanh nhất thế giới. Trong 7 năm (2010-2017), tốc độ tăng tiêu thụ rượu tại Việt Nam tăng tới 90%, trong khi đây là loại đồ uống gây ra 200 loại bệnh tật và nhiều hệ lụy xã hội khác.
Có thể nói, gánh nặng về sức khoẻ do rượu bia gây nên là rất nghiêm trọng, trong khi đó mức độ tiêu thụ ở Việt Nam ngày càng tăng khiến thế giới phải kinh ngạc. Năm 2018, sản lượng bia rượu sản xuất đã vượt cả dự báo với 4,67 tỉ lít bia và 350 triệu lít rượu.
Tại khoa Cấp cứu, BV Việt Đức và BV Bạch Mai, các bác sĩ cho biết, thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu chấn thương nặng do tai nạn giao thông sau khi uống rượu bia. Nghiên cứu trên 100 người tử vong do TNGT có liên quan đến rượu, bia được thực hiện tại 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội cho thấy, 82% bệnh nhân TNGT có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. Hơn một nửa nạn nhân trong độ tuổi 15-29, hầu hết là nam giới.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng minh sử dụng rượu, bia có mối quan hệ nhân quả với 7 loại ung thư như vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng... Rượu, bia cũng có mối liên hệ với khoảng 30 loại ung thư khác nhau như tụy, máu, tế bạch hầu; gây rối loạn chuyển hóa dẫn đến bệnh tiểu đường, mỡ máu, huyết áp...
Các chuyên gia nhấn mạnh, cần thiết phải ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu bia với những điều khoản đủ mạnh để kiểm soát và giảm tác hại của loại đồ uống có cồn có tính chất gây nghiện này.
Lời khuyên của bác sĩ là để hạn chế tối đa nguy cơ tai nạn giao thông, xung đột dẫn đến xô xát, đoạt mạng sống của nhau thì mỗi người cần phải kiểm soát bản thân và cộng đồng hãy chung tay thay đổi cách sử dụng rượu bia, không nên ép nhau uống chỉ vì thể hiện bản thân...