Xơ vữa động mạch - diễn biến âm thầm và nguy hiểm

16-10-2019 14:57 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Xơ vữa động mạch (XVĐM) là một bệnh, trong đó mảng bám tích tụ bên trong các động mạch.

Mảng bám được tạo thành từ chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác có trong máu. Theo thời gian, mảng bám cứng lại và làm hẹp dần các động mạch. Điều này hạn chế dòng chảy của máu giàu oxy đến các cơ quan của cơ thể. XVĐM có thể ảnh hưởng đến bất kỳ động mạch nào trong cơ thể, bao gồm các động mạch ở tim, não, thận, tay, chân... Khi động mạch của cơ quan nào bị xơ vữa sẽ phát triển bệnh ở cơ quan đó.

Bị xơ vữa động mạch, do đâu?

XVĐM ngày càng trở thành 1 trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới, là một bệnh hệ thống gây tổn thương các động mạch ở nhiều cơ quan khác nhau. Mảng xơ vữa thường có 3 biểu hiện chính liên quan động mạch vành, động mạch não và động mạch ngoại biên.

XVĐM là sự thu hẹp của động mạch do các mảng bám được tạo thành trong lòng mạch máu, có thể xảy ra, ảnh hưởng đến bất kỳ động mạch nào trong cơ thể, bao gồm cả động mạch ở tim, não, cánh tay, chân, xương chậu và thận.

Đến nay, khoa học vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây XVĐM. Các nghiên cứu cho thấy rằng, XVĐM là một bệnh tiến triển chậm và phức tạp, có thể bắt đầu trong thời thơ ấu, phát triển nhanh hơn khi cao tuổi. XVĐM có thể bắt đầu xảy ra khi các lớp bên trong của động mạch bị tổn thương bởi các yếu tố: hút thuốc lá, thuốc lào; số lượng một số chất béo và cholesterol trong máu tăng hơn bình thường; bị bệnh tăng huyết áp; mức đường trong máu cao hơn bình thường; hít phải khói thuốc lá nhiều sẽ làm trầm trọng thêm và đẩy nhanh sự phát triển của XVĐM trong động mạch vành, động mạch chủ và động mạch ở chân. Người ít hoạt động thể chất; người có thói quen ăn ít rau, ăn nhiều chất béo bão hòa, ăn mặn, ăn quá ngọt; người có cha mẹ hoặc anh chị em bị XVĐM; bệnh nhân bị bệnh tim mạch; ô nhiễm không khí... cũng là nguyên nhân gây XVĐM.

Khi động mạch của cơ quan nào bị xơ vữa sẽ phát triển bệnh ở cơ quan đó.

Khi động mạch của cơ quan nào bị xơ vữa sẽ phát triển bệnh ở cơ quan đó.

Diễn biến âm thầm

XVĐM là một bệnh diễn tiến chậm, âm thầm và thường không có dấu hiệu ban đầu nên hầu hết người bệnh đều không biết mình có bệnh cho đến khi động mạch bị hẹp một cách trầm trọng hoặc bị tắc hoàn toàn một động mạch. Nguy hiểm hơn, đến khi phải đi cấp cứu khẩn cấp như đau tim hay đột quỵ bệnh nhân mới biết mình bị bệnh. Một số người chú ý đến sức khỏe có thể phát hiện được các triệu chứng như đau ngực hoặc phát ban. Nhìn chung, các triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào động mạch bị tổn thương. XVĐM cảnh là động mạch cung cấp máu lên não, khi bị hẹp có thể bị đột quỵ với triệu chứng: đột ngột suy yếu, khó thở, nhức đầu, nói khó, tê liệt, nhìn khó một mắt hoặc cả hai mắt.

XVĐM vành là động mạch cung cấp máu nuôi tim, nếu sự cung cấp máu đến tim bị thiếu, có thể gây đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim, với các triệu chứng: nôn mửa, hốt hoảng, đau ngực, ho...

XVĐM thận là động mạch cung cấp máu đến thận, nếu việc cung cấp máu bị hạn chế sẽ gây tổn thương thận mạn tính. Bệnh nhân có các triệu chứng: mất cảm giác ngon miệng, phù bàn tay và bàn chân, khó tập trung...

XVĐM ngoại biên là các động mạch chân tay, hay gặp ở động mạch chân bị xơ vữa. Các triệu chứng phổ biến nhất là đau chân ở một hoặc cả hai chân, vị trí ở bắp chân, đùi và mông. Tính chất đau: nặng nề ở chi dưới, chuột rút, các cơ bắp chân. Các triệu chứng khác có thể là: rụng lông chân, ở nam có rối loạn cương dương, tê ở chân, màu sắc của da chân thay đổi, chân yếu...

Điều trị và phòng bệnh

Mục đích điều trị nhằm làm giảm triệu chứng, giảm các yếu tố nguy cơ gây XVĐM; giảm nguy cơ hình thành cục máu đông; phòng ngừa XVĐM... Bệnh nhân cần thực hiện ăn uống lành mạnh, năng hoạt động thể chất, phòng tránh thừa cân. Điều trị nội khoa: dùng thuốc để ngăn chặn sự hình thành mảng xơ vữa, dùng các thuốc để giảm cholesterol, thuốc hạ huyết áp... Phẫu thuật để điều trị các trường hợp XVĐM nặng, nong mạch vành hoặc bắc cầu động mạch vành...

Phòng tránh XVĐM bằng cách, hằng ngày cần chú trọng giữ chế độ ẩm thực hợp lý với mức calo vừa đủ; tăng cường ăn rau xanh, quả chín; không ăn hoặc hạn chế dùng các loại thức ăn như thịt mỡ, lòng đỏ trứng, kem, bơ, pho-mát, chocolat, cacao, dầu dừa, dầu lạc; điều hòa hoạt động thể lực vừa sức với độ tuổi và bệnh tật vốn có; tránh các chấn động thần kinh (stress), giữ đời sống tinh thần vui tươi lành mạnh. Bỏ hẳn hút thuốc; điều trị tích cực và kiên nhẫn những bệnh sẵn mắc, nhất là đối với bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, đã bị cơn thiếu máu não cục bộ tạm thời theo chuyên khoa.


ThS. Nguyễn Quang Hà
Ý kiến của bạn