Xơ vữa động mạch ai dễ mắc?

03-10-2022 10:38 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Xơ vữa động mạch là một bệnh trong đó mảng bám tích tụ bên trong các động mạch. Điều này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ động mạch nào trong cơ thể, bao gồm các động mạch ở tim, não, thận, tay, chân...

Khi động mạch của cơ quan nào bị xơ vữa sẽ phát triển bệnh ở cơ quan đó. Vậy, ai dễ mắc xơ vữa động mạch và người trẻ có nguy cơ mắc không?

1. Vì sao lại bị xơ vữa động mạch?

Động mạch là mạch máu mang máu giàu oxy đến tim và các bộ phận khác của cơ thể. Mảng bám được tạo thành từ chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác có trong máu. Theo thời gian, mảng bám cứng lại và làm hẹp dần các động mạch. Điều này hạn chế dòng chảy của máu giàu oxy đến các cơ quan của cơ thể.

Xơ vữa động mạch có thể ảnh hưởng đến bất kỳ động mạch nào trong cơ thể, bao gồm các động mạch ở tim, não, thận, tay, chân... Khi động mạch của cơ quan nào bị xơ vữa sẽ phát triển bệnh ở cơ quan đó.

2. Các triệu chứng của xơ vữa động mạch

Bệnh xơ vữa động mạch không xuất hiện đột ngột mà tiến triển tăng dần. Ban đầu thường không có triệu chứng, khi động mạch bị hẹp lại đáng kể hoặc bị tắc dẫn đến không thể cung cấp đủ máu đến các cơ quan sẽ biểu hiện triệu chứng. Tùy theo cơ quan bị ảnh hưởng sẽ có triệu chứng khác nhau.

- Ở bệnh động mạch vành: Động mạch vành bị xơ vữa có thể bị hình thành cục máu đông dẫn đến ngăn chặn một phần hoặc tắc hoàn toàn dòng máu nuôi tim do mạch vành đó cung cấp. Khi đó, người bệnh sẽ có triệu chứng cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim. Vì động mạch vành là những động mạch cung cấp máu giàu oxy nuôi trái tim. Xơ vữa gây hẹp động mạch vành làm giảm lưu lượng máu đến cơ tim.

Yếu tố nào làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và người trẻ có dễ mắc? - Ảnh 1.

‎- Ở bệnh động mạch cảnh: Xơ vữa gây hẹp động mạch cảnh làm giảm lưu lượng máu đến não, khi đó người bệnh có thể bị đột quỵ, biểu hiện các triệu chứng như tê hoặc yếu nửa người, nói khó hoặc mất ngôn ngữ,… Vì đây là động mạch cảnh là những động mạch cung cấp máu giàu oxy cho não.

- Ở bệnh động mạch ngoại vi: Xơ vữa gây hẹp động mạch ngoại biên dẫn đến các bộ phận này của cơ thể bị thiếu máu nuôi, khi đó người bệnh có thể bị tê, đau, và đôi khi viêm, loét hoặc nhiễm trùng kéo dài, hoại tử chi. Vì các động mạch cung cấp máu giàu oxy cho chân, tay và vùng chậu.

3. Những ai là đối tượng mắc xơ vữa động mạch?

Ai cũng có thể mắc xơ vữa động mạch, tuy nhiên các nhà nghiên cứu cũng chưa thống nhất được các nguyên nhân gây tình trạng này. Và người ta thấy rằng có một số đặc điểm hoặc thói quen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, cụ thể.

- Tăng cholesterol máu. Là nguy cơ chính của xơ vữa động mạch và là nguyên nhân bệnh tim mạch thiếu máu. LDL Cholesterol có vai trò quan trọng đối với bệnh sinh xơ vữa động mạch. Có thể nói rằng bất kỳ sự gia tăng LDL cholesterol mức độ nào trong máu đều có nguy cơ gây xơ vữa động mạch. LDL Cholesterol cao (LDL cholesterol được gọi là cholesterol "xấu") và cholesterol HDL thấp (HDL cholesterol được gọi là cholesterol "tốt").

- Người tăng huyết áp. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ rất cao, nhất là đối với các mạch máu não. Huyết áp cao làm tăng sinh tế bào cơ trơn làm dày trung mạc động mạch và làm gia tăng chất elastin, chất keo và glycosaminoglycans. Áp lực do huyết áp cao tạo ra cũng làm dễ vỡ mảng xơ vữa cũng như làm gia tăng tính thấm nội mạc đối với cholesterol.

- Người hút thuốc. Nếu hút thuốc lá thường xuyên cũng là yếu tố nguy cơ chính, nguy cơ mạch vành tăng gấp đôi ở người hút thuốc.

- Người mắc đái tháo đường. Khi mắc bệnh đái tháo đường là nguyên nhân gây rối loạn lipid, nên dễ gây xơ vữa động mạch.

- Người béo phì, ít hoạt động, thường xuyên stress… cũng dễ xơ vữa động mạch.

- Chế độ ăn uống không lành mạnh. Một chế độ ăn uống không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch. Các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa, cholesterol, đường có thể làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch khác.

- Người lớn tuổi. Khi già đi, nguy cơ xơ vữa động mạch tăng lên. Ở nam giới, nguy cơ gia tăng sau tuổi 45. Ở phụ nữ, nguy cơ gia tăng sau tuổi 55.

4. Người trẻ có dễ mắc xơ vữa động mạch không?

Nhiều người thường hỏi, liệu người trẻ có mắc xơ vữa động mạch không? Các nghiên cứu cho thấy rằng ngày càng nhiều người trẻ có nguy cơ bị xơ vữa động mạch. Điều này là do một số nguyên nhân, bao gồm tỷ lệ béo phì đang gia tăng, lối sống ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạch, hút thuốc lá...

Trên thực tế lâm sàng tại các phòng khám tim mạch, các bác sĩ thường gặp bệnh nhân đến với tình trạng xơ vữa động mạch biểu hiện hiện ở bệnh lý động mạch vành như bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn, nhồi máu cơ tim; bệnh động mạch cảnh như nhồi máu não…

5. Lời khuyên thầy thuốc

Xơ vữa động mạch là nguyên nhân nền tảng quan trọng của đột quỵ, cơn đau tim, các loại bệnh tim gồm suy tim ứ huyết và hầu hết các bệnh tim mạch nói chung. Mảng xơ vữa ở các động mạch cánh tay hoặc, thường gặp hơn, các động mạch chân có thể gây bệnh thuyên tắc động mạch ngoại biên.

Ở giai đoạn sớm của bệnh thường không thấy có triệu chứng rõ. Dần dần về sau, các triệu chứng được phát sinh rõ hơn do dòng máu cung cấp cho các tạng trong cơ thể bị giảm dần do động mạch bị hẹp dần gây tắc dần dòng máu.

Nếu động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim bị tắc dần thì sẽ xuất hiện những triệu chứng như đau tức ngực. Nếu động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn thì sẽ xảy ra cơn đau tim đột ngột gây tử vong.

Vì vậy, điều trị xơ vữa động mạch có thể bao gồm những thay đổi lối sống, kết hợp với việc dùng thuốc, can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật. Điều quan trọng người bệnh phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ đồng thời vẫn theo một lối sống lành mạnh cho tim, ngay cả khi dùng thuốc để điều trị xơ vữa động mạch.

Để phòng bệnh cũng như hạn chế diễn tiến của bệnh xơ vữa động mạch người bệnh cần có những thói quen sinh hoạt khoa học như:

  • Tránh khói thuốc lá, hạn chế bia rượu;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì.
  • Ngoài ra, cần khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện các yếu tố nguy cơ và điều trị để phòng bệnh cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa các biến chứng của xơ vữa động mạch.

Mời độc giả xem thêm video:

Món ăn, thực phẩm tốt cho người bệnh dạ dày


ThS.BS Bùi Thị Xuân
Ý kiến của bạn