Hà Nội

Xơ nang tuyến vú có đáng lo?

18-07-2018 07:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Ngày nay, do tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư vú cao nên nhiều người khi có các biểu hiện bất thường ở vú thì rất lo lắng.

Nhiều người có cảm giác đau căng cứng cả 2 vú, tự sờ thấy u vú hoặc các đám lổn nhổn không đều trong vú thì nghĩ mình bị ung thư, đi khám các bác sĩ kết luận bị xơ nang tuyến vú vẫn lo lắng, hoang mang. Vậy thực sự xơ nang tuyến vú có đáng lo?

Xơ nang tuyến vú do đâu?

Bệnh xơ nang tuyến vú là bệnh lành tính. Bệnh biểu hiện ở hệ thống ống tuyến của thùy và tiểu thùy tuyến vú. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 35 - 45. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do tổ chức tuyến vú bị tác động kéo dài của tình trạng rối loạn cân bằng giữa estrogen và progestegrone của cơ thể, trong đó estrogen tăng hơn so với progestegrone (tăng nồng độ estrogen nội sinh hoặc tăng sự nhạy cảm của tuyến vú đối với nồng độ bình thường của estrogen nội sinh). Vào thời điểm tăng tiết estrogen, các tế bào biểu mô tăng sinh trong các ống và các phân thùy, khi nồng độ estrogen giảm xuống, biểu mô cuộn xoắn, các ống trở thành nang, các nang có kích thước to nhỏ khác nhau (0,2 - 1,5cm).

Trong lòng nang chứa dịch tiết và các tế bào biểu mô bị bong ra. Dịch trong lòng ống tiết ra càng nhiều, kích thước nang càng lớn. Xung quanh nang hoặc giữa các nang tổ chức liên kết tăng sinh tế bào xơ làm cho nang vú xơ cứng, tổn thương lúc này được gọi là xơ nang vú.

U xơ tuyến vú là một bệnh lành tính.

U xơ tuyến vú là một bệnh lành tính.

Một số dạng xơ nang thường gặp

Bệnh nang vú: Nang vú là tình trạng ống tuyến sữa hay ống dẫn sữa giãn ra thành nang (túi) chứa dịch, dịch tiết ra càng nhiều nang càng phình to lên. Đây là dạng thường gặp nhất, u nang vú có hình tròn hay bầu dục, kích thước thay đổi từ vài mm đến vài cm, bên trong chứa dịch (màu vàng trong, đôi khi màu vàng đục, trắng đục, xanh, hiếm khi màu đỏ), bọc bên ngoài là vỏ nang có thể mỏng hoặc dày. Khi có u nang, bệnh nhân thường tức, căng và đau ngực, đặc biệt là ở vùng có u. Vú đột nhiên lớn và căng hơn sau khi sinh. Vú đột nhiên xẹp sau kỳ kinh. Sờ hoặc cảm nhận thấy u cục dễ di chuyển trong vú.

Bệnh thay đổi sợi bọc tuyến vú: Bệnh thay đổi sợi bọc tuyến vú thường gặp ở phụ nữ từ 30 - 50 tuổi. Triệu chứng thường gặp nhất là đau, thường có tính chất thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt, làm người phụ nữ sợ hãi, đi khám bệnh. Đau thường xảy ra ở phụ nữ còn trong thời kỳ kinh nguyệt, nhất là độ tuổi tiền mãn kinh, ở những bệnh nhân có bộ ngực dày. Có thể đau ở 1 hoặc cả 2 vú, vị trí thường đau nhiều là 1/4 trên, ngoài hoặc 1/2 dưới của vú và đau có thể lan ra cánh tay cùng bên. Cùng với triệu chứng đau vú, nhiều bệnh nhân có cảm giác căng ở 2 vú. Ở phụ nữ tiền mãn kinh, các nang bị xơ có thể to lên và gây cảm giác khó chịu như bị căng tức, rất nhạy cảm khi sờ vào, có cảm giác nóng bỏng và đau lăn tăn.

Sau khi mãn kinh, hiện tượng này giảm dần và mất đi. Tổn thương có thể có các dạng: dạng mảng, dạng cục ở vú, chảy dịch ở đầu núm vú. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị rối loạn kinh nguyệt, đau bụng hoặc đau lưng, nhiều khi có kinh nguyệt.

Mối liên hệ giữa thay đổi sợi bọc với ung thư vú chưa được chứng minh rõ ràng, rất khó xác định sự gia tăng thực sự nguy cơ ung thư vú ở những người có thay đổi sợi bọc, nguy cơ này tập trung chủ yếu ở những bệnh nhân có sẵn những yếu tố nguy cơ, đặc biệt là những người có tiền căn gia đình có người bị ung thư vú. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ những bệnh nhân thay đổi sợi bọc là có nguy cơ ung thư vú, trong đó đáng kể nhất là dạng tăng sản không điển hình.

Thay đổi sợi bọc tuy là căn bệnh gây nhiều lo lắng cho phụ nữ nhưng hoàn toàn lành tính, nguy cơ ung thư vú ít, điều trị triệu chứng và theo dõi là chủ yếu. Tuy nhiên, cần theo dõi và thăm khám kỹ lưỡng ở những bệnh nhân có tiền căn gia đình có người bị ung thư vú.

Tăng sản ống tuyến vú: Dấu hiệu điển hình của việc tăng sản ống tuyến vú là mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt, bệnh nhân sẽ thấy đau đầu, chóng mặt, đôi khi sẽ thấy có mảng hoặc khối đặc xuất hiện ở vú, sờ vào thấy hơi đau đau. Dấu hiệu này thể hiện rõ nhất trước ngày có kinh nguyệt. Tăng sản ống tuyến vú thường dưới dạng mảng hay khối đặc (không chứa dịch), kích thước từ 1 - 4cm, có thể là một mảng hoặc nhiều mảng ở 1 hoặc 2 vú. Các mảng này giới hạn không rõ ràng, mật độ chắc hơn tuyến vú xung quanh, đau khi ấn. Để nhận biết rõ nhất là gần ngày có kinh, kích thước to hơn và gây đau nhiều, khi có kinh thì kích thước lại nhỏ lại và ít đau hơn.

Những việc cần làm

Khi có biểu hiện bệnh, việc đi khám là cần thiết, bệnh nhân không quá lo lắng. Các bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm để xác định và phân biệt với một số bệnh liên quan. Việc siêu âm vú là xét nghiệm đơn giản, ít tốn kém mà sẽ phát hiện được vị trí, số lượng, kích thước các khối u, sự tăng xơ của tuyến vú. Bệnh nhân sẽ được chỉ định chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) nếu thấy hình ảnh nghi ngờ cần chỉ định mổ sinh thiết. Chụp Xquang vú cũng rất cần thiết vì sẽ phát hiện sớm ung thư vú qua dấu hiệu vi vôi hóa.

Khi nào cần điều trị?

Xơ nang tuyến vú là bệnh lành tính, có thể điều trị. Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ chỉ định cho phù hợp. Các loại thuốc có thể dùng điều trị bệnh: thuốc giảm đau, hormon (progestegrone dạng bôi, dạng uống), tamoxifen (có tác dụng kháng estrogen). Điều trị phẫu thuật khi nang to và phát triển nhanh gây căng tức, nang vú bội nhiễm áp-xe hóa hoặc có kết quả xét nghiệm nghi ngờ ác tính.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi được xác định xơ nang tuyến vú, bệnh nhân không được quá lo lắng, hoang mang. Vì tâm trạng lo lắng chính là nguyên nhân làm cho tình trạng bệnh, các cơn đau nặng thêm. Người bệnh cần giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối, khoa học. Nên ăn nhiều thức ăn giàu vitamin nhóm B, kali, magiê như gạo lứt, trái cây, rau quả để giảm ứ nước, giảm các triệu chứng đau tức ngực. Cần tránh các thức ăn nhiều muối, nhiều chất béo, tránh các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá. Điều quan trọng là cần khám định kỳ và tuân thủ tuyệt đối chỉ định điều trị của bác sĩ, không điều trị theo mách bảo gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.


ThS.BS. Nguyễn Thị Mai
Ý kiến của bạn