Xơ gan do rượu, người đàn ông bất ngờ sốc mất máu do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản

27-08-2023 06:31 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Bệnh nhân nam 62 tuổi ở Quảng Ninh sốc mất máu do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản vừa được các bác sĩ cứu sống. Đây là tình trạng xuất huyết tiêu hóa cao do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản -một biến chứng đặc biệt nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản dễ tái phát

Xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản chiếm khoảng 70% xuất huyết tiêu hóa trên bệnh nhân xơ gan, tỷ lệ tái phát cao 80%/1 năm nếu không dự phòng. Ở các nước phát triển, phương tiện hồi sức tốt tử vong do xuất huyết vỡ giãn tĩnh mạch thực quản là 30-35%, khoảng 60-70% sống sót dễ bị tái phát.

Giãn tĩnh mạch thực quản chia làm 3 độ:

+ Độ I: tĩnh mạch kích thước nhỏ, mất đi khi bơm hơi căng.

+ Độ II: tĩnh mạch chiếm dưới 1/3 kích thước thực quản, không mất đi khi bơm hơi.

+ Độ III: tĩnh mạch chiếm trên 1/3 kích thước thực quản, giãn to thành từng búi.

Bệnh nhân sốc mất máu do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản bởi nguyên nhân gì? - Ảnh 1.

Xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản chiếm khoảng 70% xuất huyết tiêu hóa

Nguyên nhân và yếu tố dẫn đến giãn tĩnh mạch thực quản

Giãn tĩnh mạch thực quản thường gặp ở các trường hợp sau:

- Giãn tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân xơ gan,

- Giãn tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân ung thư gan trên nền xơ gan, suy tế bào gan, rối loạn nghiêm trọng chức năng đông máu.

- Hiếm gặp của giãn tĩnh mạch thực quản có thể bao gồm hội chứng Budd-Chiari và bệnh sán máng. Hội chứng Budd-Chiari khiến các tĩnh mạch trong gan bị tắc nghẽn một phần. Sán máng có thể xâm nhập vào các mạch máu khiến các tĩnh mạch bị giãn.

Xuất huyết do giãn tĩnh mạch thực quản gồm các yếu tố:

- Gia tăng áp lực tĩnh mạch cửa

- Tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch giãn

- Kích thước giãn tĩnh mạch

- Áp lực lên thành giãn tĩnh mạch

Bệnh nhân sốc mất máu do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản bởi nguyên nhân gì? - Ảnh 2.

Cứu bệnh nhân sốc mất máu do vỡ tĩnh mạch thực quản tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh)

Khi xuất huyết do vỡ các búi giãn tĩnh mạch thực quản dẫn đến mất máu, shock mất máu và có thể tử vong bệnh nhân chỉ có cơ may sống sót nếu được tiến hành cấp cứu tích cực kịp thời ở những đơn vị y tế kỹ thuật cao cùng với đội ngũ chuyên môn lành nghề. Dù vậy, tỉ lệ tử vong vẫn rất cao, đến 30%-40%. Khoảng 60% còn lại sống sót sau 1 năm.

Khi bị giãn tĩnh mạch thực quản phải làm gì?

Khi thấy trong người có những triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, đau ở vùng gan,… thì bệnh nhân cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở chuyên gan khám ngay để biết rõ tình trạng sức khỏe của mình, từ đó có các biện pháp điều trị kịp thời.

Khi bệnh nhân nôn ra máu nghĩa là tĩnh mạch thực quản bị vỡ, phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện để làm các biện pháp cầm máu.

Nói chung mục tiêu chủ yếu trong điều trị giãn tĩnh mạch thực quản là để ngăn chặn chảy máu. Chảy máu thực quản là đã đe dọa tính mạng của người bệnh, vì thế biện pháp tốt nhất để tránh nguy cơ này là phải phòng bệnh.

Tóm lại: Xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản là biến chứng có tỷ lệ tử vong cao nhưng có thể phòng ngừa được. Nội soi tiêu hóa trên giúp phát hiện sớm các giãn tĩnh mạch thực quản và biện pháp cột thắt bằng vòng cao su qua nội soi dự phòng rất hiệu quả biến chứng này góp phần kéo dài đời sống và nâng cao chất lượng cuộc sống bệnh nhân.

Bệnh nhân T.V.B. (62 tuổi, trú TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) vào viện trong tình trạng da xanh, niêm mạc nhợt, củng mắt vàng, nôn ra máu đỏ tươi, mạch nhanh, huyết áp tụt.

Người nhà bệnh nhân cho biết: trước khi vào viện khoảng 3 giờ, bệnh nhân nôn 3 lần ra máu đỏ thẫm, lẫn máu cục, số lượng gần 1.000ml. Bệnh nhân có tiền sử xơ gan, uống rượu nhiều.

Tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, xuất huyết tiêu hóa nặng kèm theo các triệu chứng của sốc mất máu. Bệnh nhân nhanh chóng được hội chẩn và được chỉ định nội soi chẩn đoán và can thiệp ngay tại giường của Khoa Cấp cứu lưu- Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh).

Tiến hành nội soi, các bác sĩ thấy có nhiều máu đỏ và máu đông trong lòng thực quản, dạ dày, giãn tĩnh mạch thực quản độ III. Vị trí cách CRT gần 30cm có 2 điểm vỡ giãn đang phun thành tia. Kíp can thiệp đã tiến hành thắt các điểm vỡ tĩnh mạch bằng vòng cao su nhưng không thể thắt được do niêm mạc thực quản xơ chai, co kéo, trong tình thế khó, cấp thiết. Bác sĩ đã quyết định kẹp điểm vỡ giãn bằng 2 kẹp clip. Kiểm tra lại sau thủ thuật thấy điểm vỡ giãn đã cầm máu.

Sau khi can thiệp cầm máu thực quản thành công, nhưng bệnh nhân đang trong tình trạng sốc mất máu nên được chuyển ngay đến Khoa Hồi sức cấp cứu theo dõi tích cực. Sau 1 ngày can thiệp, hiện sức khỏe bệnh nhân tạm ổn định, không còn nôn ra máu, không có dấu hiệu chảy máu tái phát.


Ths BS. Trần Thị Minh
Ý kiến của bạn