Một đồng nghiệp thấy tôi bận rộn, vất vả quá mức trong công việc hàng ngày của mình, đã bảo: Sao không làm thẻ xanh sang Mỹ sống cho rồi. Đồng nghiệp của tôi bảo, đó là nơi mà nhiều người muốn đến, một đất nước giàu đẹp, một xã hội với những công dân tôn trọng luật pháp và hầu hết mọi người đều có văn hóa ứng xử cao, lịch lãm, trung thực với một nguyên tắc đạo đức cốt lõi: đó là dù có phải chết để bảo vệ sự thật thì cũng chấp nhận. Minh chứng cho điều đó, có thể nói đến chuyện gần đây nhất: nhà báo bị chặt đầu James Foley (nhà báo Đan Mạch, người từng ở cùng James đã kể về lòng can đảm, ý chí quật cường của anh trước cái chết gần kề). Nước Mỹ cũng là nơi tôi có người thân đang sinh sống, những người có thể bảo lãnh cho tôi một tấm thẻ xanh, cũng là nơi tôi học được nhiều điều trong lĩnh vực chuyên môn về báo chí và lý thuyết về sở hữu trí tuệ và quyền tác giả...
Chùa Một Cột giữa Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, càng nghĩ đến nơi đó bao nhiêu thì tôi càng thấy gắn bó bấy nhiêu với đất nước mình. Cũng như trước đây, tôi từng đã có cơ hội ở lại Bulgaria và điều chính tôi cũng ngạc nhiên, đó là cứ nghĩ mãi nghĩ mãi thì càng thấy những lý do không thể ra đi, càng thấy nên ở lại và tiếp tục con đường của mình: Yêu mảnh đất mình sinh ra, lớn lên cùng những đau khổ và hạnh phúc, nhọc nhằn và may mắn...
Tôi nhớ con đường đến trường hồi cấp 1 cách đây 50 năm, rợp bóng những tán lim xanh. Hai bên đường là những ngôi biệt thự kiểu Âu, thấp thoáng tiếng dương cầm. Quá lên nữa, ở gần đầu ngã tư là ngôi nhà cổ, vươn khỏi hàng rào là những chùm hoa giấy tím. Cách đó mấy ngã tư nữa tới khu phố cổ, những ngôi nhà nho nhỏ nằm san sát bên nhau, mặt nhà hướng ra vỉa hè. Vỉa hè của những con phố nhỏ tấp nập những người đi lại. Có người thong thả, có người vội vàng. Có bà gánh cốm rong, có chị bán xôi chè... Nằm cùng trong dãy nhà đó có khi là một ngôi chùa nhỏ. Sân chùa lại có một cây đại lớn, hay một cây hoàng lan cổ thụ, mùa nào hoa nấy thơm ngát một vùng.
Tôi nhớ nhà bà ngoại, nằm trong một xóm nhỏ cạnh đê sông Hồng quanh năm có tiếng rì rào của rặng tre bao quanh thôn. Mỗi mùa hè thuở xa tít tắp tôi về, ngày thì đi thả diều, tối mang rổ khoai luộc ngồi với bà ngoại ở đầu hiên nhìn trăng lướt qua rặng tre đó, lòng mơ về một chốn xa xăm cổ tích. Đến khi có con có cháu, lại đưa con cháu về làng, chỉ cho chúng hạt lúa, mớ rau, con cua con cá tự đâu mà có, bảo cho chúng mùi của rơm rạ của bùn lầy, mùi của mồ hôi và nước mắt...
Tôi nghĩ đến ngôi nhà của tôi. Ngôi nhà có cái ban công mở vào khu vườn nhỏ. Mỗi tối thứ bảy tôi ngồi đó với ly cà phê trên tay bên chiếc bàn có ánh nến lung linh, nhìn xuống khu vườn, lá cành xôn xao ánh điện. Ngày tư ngày tết, cô dì chú bác, anh chị em hàng xóm sang chơi, bận bịu tíu tít. Mệt nhoài với bánh chưng, giò lụa, với bánh dẻo bánh nướng, với mâm cơm thịt gà luộc, lòng xào... để đãi mọi người, lòng tự bảo năm sau giản đơn hơn nhưng rồi năm nào cũng vậy, vẫn thế mà còn hơn thế nữa.
Tôi nghĩ đến những bạn bè cùng lứa: Đàn ông không ít là những thương binh, thời trai trẻ từng oai hùng trong màu áo lính ở chiến trường, lòng chỉ tâm niệm một điều, đất nước Việt là của chúng tôi, sông có thể cạn núi có thể mòn, điều đó không bao giờ khác được. Đàn bà là những người nhiều năm sống một mình thờ chồng nuôi con, héo hắt một thời xuân sắc nhưng không một ai phàn nàn, không một ai oán hận. Những đứa con sinh ra từ lứa chúng tôi giờ đã thành kỹ sư, bác sĩ, nghệ nhân, người lao động... tất cả đang nhìn về phía trước để vượt qua cực nhọc hôm nay, phấn đấu cho tương lai của lứa tiếp theo...
Tôi không phải không yêu thích những trải nghiệm mới, những vùng đất mang nhiều dấu ấn của nền văn minh nhân loại, nơi có nhiều giải Nobel nhất hành tinh. Nhưng, dù là như thế thì tôi cũng chưa bao giờ thôi tự hào rằng tôi là người Việt Nam. Mỗi câu chuyện về quê hương xứ sở của tôi khi được kể lại cho người Mỹ mà tôi đã gặp, họ đều ồ lên: “Đúng rồi, tình yêu đất nước của bạn thật đáng tự hào”. Có người còn nói: “Tôi biết về đất nước bạn. Cách Hà Nội hơn trăm kilômét có vịnh Hạ Long thật đẹp. Cách Sài Gòn mấy trăm kilômét có Mũi Né, có Nha Trang...”. Họ còn nói thêm rằng họ đã đến Hội An, Đà Nẵng và sẽ còn trở lại...
Thời gian qua đi, mỗi năm đến ngày Tết Độc lập tôi lại nghĩ về đất nước mình, dải đất nằm bên bờ biển, dải đất hứng chịu nhiều mưa giông bão lửa, nhưng vì thế mà con người ở đó được tôi rèn. Đất nước - Tổ quốc cũng có số phận như mỗi người, không thể lựa chọn. Càng muốn lựa chọn càng thấy yêu thêm, càng thấy gắn bó, càng thấy đúng là ta được sinh ra để đón số phận ấy.
Tôi đã sống thời trẻ trung tuổi ba mươi ở châu Âu và đã trở về, rồi 20 năm sau lại nhiều cuộc đi xa nữa trên nhiều vùng đất khác. Càng đi càng thấy yêu đất nước mình hơn. Bỗng nghe đâu đây, tiếng hát Cẩm Vân: “... Xin hát về người đất nước ơi, xin hát về mẹ Tổ quốc ơi, tảo tần chung thủy. Như những câu hò lắng trong tiếng sáo. Đêm lại dặt dìu tiếng mẹ ru con. Xin hát về người đất nước ơi. Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi! Vẫn còn gian khổ. Hạt thóc chia đều dẫu no dẫu đói, ta vẫn vẹn tình đắng ngọt cùng vui...”.
Trần Thị Trường