Xin đừng “thùng rỗng kêu to”

13-08-2011 13:23 | Văn hóa – Giải trí
google news

Bỏ ngoài tai những chỉ trích nặng nề dành cho mảng phim kinh dị, các nhà làm phim Việt tiếp tục “dọa” khán giả bằng những dự án mới của mình. Nổi bật hơn cả là lời hứa chắc như đinh đóng cột của đoàn làm phim Lời nguyền huyết ngải, dự kiến ra mắt vào dịp Lễ Giáng sinh 2011.

Bỏ ngoài tai những chỉ trích nặng nề dành cho mảng phim kinh dị, các nhà làm phim Việt tiếp tục “dọa” khán giả bằng những dự án mới của mình. Nổi bật hơn cả là lời hứa chắc như đinh đóng cột của đoàn làm phim Lời nguyền huyết ngải, dự kiến ra mắt vào dịp Lễ Giáng sinh 2011.

Kịch bản nghèo nàn, nhàm chán
Nhìn lại loạt phim kinh dị gắn mác “made in Vietnam” thời gian qua thì không ít phản hồi cho rằng: Có lẽ đây cũng chỉ là dự án kiểu “nói trước bước không qua”? Cũng phải, một khi khán giả đã cảm thấy quá mệt mỏi với những dự án hào nhoáng về mảng phim kinh dị, trong khi kết quả lại là sự thất bại thảm hại thì có lẽ chiêu lăng-xê kiểu “thùng rỗng kêu to” đã trở nên lỗi thời.
 
Bẵng đi một thời gian, mảng phim kinh dị dường như vắng bóng trên màn ảnh thì sự xuất hiện của Ngôi nhà oan khốc Chiếc mặt nạ da người của đạo diễn Nguyễn Chánh Tín lại thổi bùng lên trào lưu phim “dọa” khán giả. Trong đó phải kể đến nỗ lực của một số hãng phim tư nhân mới bắt đầu tham gia làm phim kinh dị như hãng Phước Sang hợp tác với Hàn Quốc làm phim Mười, hãng phim Chánh Phương cho ra mắt Suối oan hồn, Ngôi nhà bí ẩn, Chết lúc nửa đêm. Gần đây, hãng phim Thiên Ngân trong hai năm liền (2009 và 2010) đầu tư hai dự án phim kinh dị để chiếu Tết là Khi yêu đừng quay đầu lại Bóng ma học đường...

Ngược với những lời quảng cáo có cánh, loạt phim kinh dị “made in Vietnam” đều khiến khán giả thất vọng. Kết quả này không nằm ngoài tình trạng chung của mảng phim kinh dị quốc tế: hình thức nhàm chán, kịch bản nghèo nàn… Trong khi những nhà làm phim quốc tế vẫn “rủng rỉnh” với số lượng vé bán ra không hề khiêm tốn thì tình trạng của các rạp chiếu phim trong nước vẫn không thấy dấu hiệu khả quan hơn, nhất là mùa chiếu phim kinh dị.

Phản hồi của nhiều khán giả về phim kinh dị Việt Nam có lẽ là câu trả lời thực tế nhất: Phim kinh dị trong nước thời gian gần đây chất lượng quá tệ. Nỗ lực “dọa” khán giả bằng những tạo hình ma quái toàn gặp hiệu ứng ngược do kỹ xảo còn quá non tay, khán giả không những không sợ mà còn thấy buồn cười. Đã thế, nhiều phim còn đưa thêm mấy cảnh cởi đồ, xé áo rất phản cảm và không hề mang tính giáo dục...

 Cảnh trong phim Bóng ma học đường.

“Nghèo” lại thích chơi sang

Có thể nói, “bắt bệnh” phim Việt chẳng khó chút nào. Vẫn là vấn đề tạo hình. Nếu những thể loại phim khác của Việt Nam, khán giả đều cảm nhận rõ ngay từ đầu ai là nhân vật phản diện hay chính diện thì ở thể loại phim kinh dị, nhân vật có nhiệm vụ “hù dọa” khán giả đều mang trên mình bộ áo choàng gam đen đỏ rất đặc trưng. Các ma nữ thì dường như lúc nào cũng bị hóa trang quá tay, mắt tô đậm, môi đen, môi bóng khiến khán giả nhận xét rằng những nhân vật này nhìn thấy... gớm chứ không ghê rợn chút nào.
 
Nếu vẫn tiếp tục đóng khung trong những hình ảnh như thế này thì bệnh nghèo ý tưởng của phim kinh dị sẽ chẳng bao giờ chữa khỏi. Lo phần ý tưởng, hình ảnh chưa xong, một số phim kinh dị còn “chịu chơi” tới mức đầu tư hẳn công nghệ 3D với mục đích lôi kéo khán giả. Điển hình phải kể đến phim 3D đầu tiên của Việt Nam mang tên Bóng ma học đường. Tuy nhiên, đây lại là một nỗi thất vọng lớn.
 Cảnh trong phim Bóng ma học đường.

Bao giờ phim kinh dị mới “dọa”

được khán giả?

Trót mang tiếng xấu nên một số nhà làm phim khôn ngoan đã kịp dứt ra khỏi cơn “mộng du” về mảng phim kinh dị. Họ nhanh chóng chuyển đề tài và mỗi khi nghe nhắc lại về phim kinh dị, họ chỉ chép miệng: Tôi chả dại!

Cho đến thời điểm hiện tại, Lời nguyền huyết ngải là niềm hy vọng duy nhất của khán giả hâm mộ phim kinh dị. Được dẫn dắt bởi đạo diễn nổi tiếng Bùi Thạc Chuyên, sau gần một năm tuyển lựa diễn viên, dựng bối cảnh và quay phim, bộ phim Lời nguyền huyết ngải sẽ chính thức ra mắt khán giả vào dịp Lễ Giáng sinh 2011.

Nên chăng, các nhà làm phim kinh dị thay đổi hình thức quảng bá sản phẩm của mình bằng cách: làm rồi mới nói. Như thế, khán giả sẽ không bị choáng ngợp bởi những dự án “trên mây”, cho dù kết quả không như mong đợi thì phim kinh dị Việt Nam có lẽ cũng không bị mang tiếng như bây giờ.

THỦY KIỀU


Ý kiến của bạn