Hà Nội

Xin đừng quên giữ cho thân tâm thường lạc

27-11-2019 09:18 | Đời sống
google news

SKĐS - Trên khắp hành tinh này, mỗi dân tộc có văn minh và ngôn ngữ riêng nhưng trong mọi cuộc giao tiếp, trong thư từ và những bài diễn văn, bao giờ cũng mở đầu hoặc là kết thúc bằng lời chúc sức khỏe.

Người phương Đông và người phương Tây đón Tết khác nhau, ngay trên lãnh thổ Việt Nam ta, người Khmer đón Tết (Chol Chnam Thmay) vào khoảng giữa tháng 4 dương lịch, người Chăm đón Tết Katê vào cuối tháng 9 dương lịch, người Chro thường đón Tết Yang Pa vào tháng 3 âm lịch… Tuy phong tục đón Tết rất khác nhau nhưng hễ Tết đến, ai ai cũng vui vẻ chúc nhau mạnh khỏe.

Sức khỏe luôn đồng hành với sự an vui. Ai may mắn được sở hữu một cơ thể dù cường tráng đến đâu nhưng nếu thiếu an vui, ít nhất họ cũng không khỏe như họ có thể. Từng có không ít người nghĩ rằng, nếu cơ thể luôn tiếp nhận đầy đủ dưỡng chất, ta nhất định sẽ khỏe và thực tế cho thấy điều này không hoàn toàn sai nhưng cũng không đúng. Chúng tôi không dám lạm bàn đến hệ thống tri thức của ngành dinh dưỡng học hay khoa học rèn luyện thể chất, chỉ xin có một vài lời về sự gắn kết chặt chẽ của sức khỏe với an vui. Nhà Phật thường chúc nhau Thân tâm thường lạc nghĩa là thân thể và tâm trí luôn an vui. Vượt ra ngoài quan niệm ngỡ như rất riêng của nhà Phật, lời chúc quý hóa này đã trở nên rất phổ biến với xã hội Việt Nam mỗi khi có dịp gặp nhau, đặc biệt vào ngày đầu năm mới. Ai có thật nhiều tiền, liệu họ có mua được sức khỏe hay không. Khi còn sung sức và hiên ngang đứng vững trên đôi chân của mình, ai cũng uy nghi và tràn đầy sức sống, xem mọi việc nhẹ như lông hồng nhưng đến một lúc nào đó, chẳng may phải nằm trên giường bệnh, ta mới thấy mình bé nhỏ và yếu ớt ra sao. Bấy giờ, ai ai cũng ước gì mình có thể đổi mọi thứ để lấy lại sức khỏe.

Không ít người nhấn mạnh đến bí quyết sống khỏe nhưng làm sao có được bí quyết khi chẳng ai trong chúng ta biết được bí quyết là gì, hơn thế, còn phải dựa dẫm vào các bác sĩ khi sức khỏe có vấn đề cần quan tâm. Đôi khi những gì tạm gọi là bí quyết lại hay trú ngụ ở những địa chỉ rất bình thường. Không phải ngẫu nhiên ông bà ta sử dụng câu chúc Thân tâm thường lạc, chúc nhau thân thể khỏe mạnh, tâm trí an lành để luôn luôn có được niềm vui sống. Thân là cơ thể, là tấm thân cha mẹ cho mình, Tâm là trái tim, là tình cảm, là tình yêu, là nếp nghĩ, Thường là luôn luôn, còn Lạc tuy cùng một cách viết nhưng có ba âm với ba nghĩa khác nhau. Khi đọc là Lạc, chữ này có nghĩa là vui, khi đọc là Nhạc, chữ này có nghĩa là âm nhạc hay nhạc cụ còn khi đọc là Dược, chữ này lại có nghĩa là thuốc thang. Thật thú vị phải không, niềm vui, âm nhạc và thuốc thang là một. Tâm an là khỏe, vui tươi là khỏe, tiếng nhạc vọng từ ngoài vào hay vang lên từ lòng ta ra là khỏe. Đâu phải ngẫu nhiên dân ta có câu “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”.

Xin đừng quên giữ cho thân tâm thường lạc

Người xưa dạy rằng:

Tri túc tâm thường lạc

Vô cầu phẩm tự cao.

Nghĩa là:

Biết thế nào là đủ, lòng lúc nào cũng vui

Không cầu cạnh gì ai, phẩm hạnh đã tự vươn cao rồi vậy.

Nói khác hơn, sự an vui hoàn toàn không phải là một khái niệm trừu tượng, ngược lại luôn có căn nguyện rất rõ ràng. Trước hết, ai cũng phải biết giới hạn quyền được hưởng và biết dừng lại trước mọi cám dỗ của cuộc sống. Kẻ tham lam không bao giờ có niềm vui và hạnh phúc, khi biết hối hận, mọi cánh cửa tốt đẹp đối với họ đều đã khép kín hết rồi. Dân gian diễn đạt rất gọn gàng nhưng cũng rất đầy đủ giá trị triết lý rằng “Tham thì thâm”. Sự an vui chân chính cũng luôn tự biết tìm đường xa lánh sự cầu cạnh bởi khi đã cầu cạnh, họ không còn đủ tự tin để hiên ngang đi giữa cuộc đời.

Biết giới hạn quyền được hưởng và biết xa lánh sự cầu cạnh tuy rất quan trọng nhưng sức khỏe của mỗi cá nhân còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Là người, ai cũng phải lao động, yếu làm theo cách của yếu, mạnh làm theo cách của mạnh, trẻ làm theo cách của trẻ, già làm theo cách của già, nữ làm theo cách của nữ, nam làm theo cách của nam… Người đàng hoàng luôn luôn coi lao động là lẽ sống tốt đẹp nên họ tự nguyện lao động, vui niềm vui lao động. Khi đã có niềm vui chân chính này, họ thường cảm thấy mình khỏe mạnh hơn, đáng yêu hơn và các thành viên trong gia đình họ vừa cảm kích vừa tự hào về họ. Một chút suy nghĩ trái chiều nào đó cũng thường dễ tìm được cách hóa giải.

Ăn gì, ăn sao cho đúng khoa học đã có bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng. Đau ở đâu và cần phải chữa trị như thế nào đã có bác sĩ chuyên khoa điều trị. Thể chất của chúng ta đã được các bác sĩ chăm sóc cặn kẽ. Còn tinh thần chúng ta? Đã là tinh thần của mình, tất nhiên phải là tinh thần của chính chúng ta chứ không phải của bất kỳ ai. Gần 30 năm qua, tôi có may mắn được lắng nghe tâm tư, tình cảm, những niềm vui và trắc trở của khách tư vấn. Dù muốn hay không tôi cũng phải tìm cách hóa giải để lấy lại sự cân bằng và ứng xử đúng đắn với chồng con và anh em họ hàng bạn hữu gần xa. Diễn đạt khác hơn, đời sống tinh thần của ta tốt đẹp hay không đều do chính ta xây dựng, bảo vệ và đề cao, khó khăn là đó và dễ dàng cũng là đó.

Không ai có thể phủ nhận rằng đời sống tinh thần nhiều khi còn phụ thuộc vào những yếu tố nằm ngoài ý muốn. Ngày nào cũng đối mặt với kẹt xe và kèm với kẹt xe là bực bội, than thở và cáu gắt. Nếu cứ để tâm trạng ấy kéo dài cộng với quãng đường về nhà xa xôi, thử hỏi chúng ta có căng thẳng không? Một ngày lao động với đủ áp lực rất nặng nề, về nhà, người thân là đối tượng đón nhận tất cả bực bội của mình. Khi con cái hay chồng hoặc vợ phản ứng, ta càng khó chịu nên ăn không ngon, ngủ không yên. Ăn không ngon, làm sao hấp thu dưỡng chất tốt. Đã ấm ức như vậy, khi vào giường lời thủ thỉ và cử chỉ yêu thương đầy thi vị dần dần tan biến. Hôm sau, vì thiếu ngủ nên ta lại mệt mỏi và vì mệt mỏi nên ta tiếp tục bực bội... Vòng luẩn quẩn này không chịu buông tha, ta khó có hy vọng sang năm mới vạn sự sẽ thay đổi theo chiều hướng tươi sáng hơn.

Nếu không thể thay đổi được hoàn cảnh sống, ta nên chấp nhận và sử dụng thời gian sao cho thật có ích. Nhiều bà mẹ thường than vãn rằng sự nghiệp thành công ngoài mong đợi, nhưng lại thiếu thời gian dành cho con, cho chồng. Khi đi đường chẳng may bị kẹt xe chẳng hạn, thay vì cáu kỉnh ta có thể cúi xuống trò chuyện với con, biết được ngày hôm nay ở trường có gì vui, có gì buồn và ta có thể yên tâm về nhà trễ một chút. Có câu chuyện mang tính ước lệ rằng, một người đàn ông ở phương Tây có vợ và hai con. Ông trồng một cây trước cửa nhà. Mỗi sáng trước khi đi làm ông đều đến trước cây và thì thầm. Nói xong, ông đi làm. Đến chiều đi làm về trước khi vào nhà ông lại tới cây thủ thỉ. Ông được cấp trên nhận xét là nhân viên năng nổ, lúc nào cũng tươi cười với đồng nghiệp. Đồng thời ông là người đàn ông tốt, luôn dành tình cảm cho vợ và con. Ai cũng phải lo cơm, áo, gạo, tiền, ốm đau, bệnh tật, chút khác biệt trong suy nghĩ của các thành viên trong gia đình và áp lực công việc ở công sở… Nhưng trước khi rời nhà, ông đã gửi hết điều chưa vui cho cây và khi về nhà, mọi bận tâm nơi công sở ông chia sẻ với cây. Vì vậy, tinh thần ông lúc nào cũng thanh thản, gặp ai cũng đều vui vẻ tươi cười.

Tương tự như ông, tôi luôn giữ được thái độ vui vẻ với mọi người, không để lại chút phiền toái nào trong tâm trí. Điều này có được một phần nhờ tính chất đặc trưng của công việc. Lúc nào tâm cũng an vui mới có thể mở rộng tấm lòng, sẵn sàng đón nhận và lắng nghe mọi người. Nỗi bận tâm của mình nhanh chóng biến thành hạt bụi trong đời sống và lập tức bị thổi bay đi. Trong mỗi chúng ta, nói chung ai cũng có lúc không bằng lòng với mình nhưng điều đơn giản cần có là thái độ chấp nhận sự không hoàn hảo vì chẳng ai hoàn hảo cả. Mỗi ngày, ta hãy gắng hoàn thiện mình một chút, nhìn mọi người bao dung hơn một chút, bao dung với con mình và nhất là bao dung với bạn đời của mình.

Đời chẳng ai nói buồn khỏe, chỉ nói vui khỏe thôi nhưng đừng nghĩ ngày nào cũng phải vui vì như vậy sẽ là bất bình thường. Buồn và vui là những cung bậc rất tự nhiên của cuộc sống, có lẽ hãy cùng chia sẻ với nhau để thay đổi cách nhìn về cuộc sống. Không ai làm thầy thuốc chữa trị tâm trí của mình tốt hơn chính bản thân mình. Trong nhận thức cũng như trong hành vi ứng xử chúng ta nên sẵn sàng chấp nhận thất bại, chấp nhận những gì chưa trọn vẹn và chấp nhận cả những nhược điểm của người bạn đời, của con mình và đồng nghiệp của mình. Chấp nhận để từng bước tìm cách hạn chế và đẩy lùi. Đó là tiền đề căn bản để xây dựng cuộc sống vui khỏe và an lạc. Yêu thương giúp ta có sức mạnh để giải quyết những điều trái ý, chuẩn bị tâm trí khỏe mạnh để bình tĩnh đón nhận những biến cố có thể xảy ra trong cuộc đời. Khi cần ta cũng nên khóc nếu tiếng khóc ấy khiến ta nhẹ nhõm cõi lòng. Xin đừng bao giờ mang theo, tốt nhất hãy dứt khoát đặt nỗi bận tâm xuống để bước đi cho nhẹ nhàng.


Chuyên gia tâm lý - TS. Lý Thị Mai
Ý kiến của bạn