Xin đừng nợ,...

14-12-2015 02:03 | Xã hội
google news

SKĐS - Một nhà máy, xí nghiệp nợ lương có thể giảm sản xuất nhưng thầy thuốc bị nợ lương không thể có chuyện vì thế mà... giảm bệnh nhân.

Một nhà máy, xí nghiệp nợ lương có thể giảm sản xuất nhưng thầy thuốc bị nợ lương không thể có chuyện vì thế mà... giảm bệnh nhân. Chưa cần Bộ Y tế khẩn trương chỉ đạo, động viên nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh “tiếp tục yên tâm công tác, bảo đảm duy trì hoạt động bệnh viện: tổ chức thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh trên địa bàn theo đúng quy chế chuyên môn bệnh viện của Bộ Y tế” thì đội ngũ thầy thuốc của các “bệnh viện nợ lương” vẫn làm tốt công việc của mình, chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân với tất cả trách nhiệm và lương tâm của người thầy thuốc.

Thực tế những ngày qua đã chứng minh, thầy thuốc không chỉ bị nợ lương mà lớn hơn là bị nợ sự tử tế, nợ lương tâm và trách nhiệm. Có lẽ nào sự hy sinh và tận tình của thầy thuốc cứ bị nợ như thế? Nợ lương gây khó khăn cho người lao động nhưng có thể có khoản truy lĩnh sau này, nhưng nợ tình thật khó quyết toán.

Đáng buồn là, thay vì khẩn trương giải quyết thiếu sót của chính mình, vị đại diện Sở Tài chính tỉnh Đăk Lăk khi nói nguyên nhân tình trạng 14 bệnh viện hết tiền trả lương là do người dân ít ốm nên nguồn thu bị giảm. Không lẽ người làm ngành tài chính Đăk Lăk coi bệnh viện như cửa hàng ăn uống hay trung tâm dịch vụ sửa chữa, “ế khách” là nhân viên phải ráng chịu. Nếu đúng là “dân ít ốm” thật thì phải mừng, thưởng thêm cho ngành y tế vì các thầy thuốc đã “phòng bệnh hơn chữa bệnh” để dân đỡ tổn hại sức khỏe, tiền bạc và thời gian đi lại để dành cho sản xuất. “Dân ít ốm” cũng là điều mừng để các thầy thuốc có nhiều thời gian khám chữa bệnh cho những bệnh nhân bị ốm. Và nếu giả thử dân của 14 khu vực “bệnh viện nợ lương” hoàn toàn không ai ốm, không lẽ tài chính tỉnh cắt hết lương vì không có nguồn thu? Quả là một phát biểu rất vô trách nhiệm và phản cảm.

Nhìn ra các nước, không ít quốc gia mà bệnh nhân đến bệnh viện chỉ tốn tiền taxi trong khi Đăk Lăk thản nhiên giải thích tỉnh queo: “Các dịch vụ của bệnh viện, giá viện phí chưa theo kịp, chưa điều chỉnh kịp thời nên đang bị thấp hơn so với các bệnh viện ở các tỉnh khác”.

Chữa bệnh là công việc của thầy thuốc. Bệnh nhân quá tải thì thầy thuốc cực nhọc, bệnh nhân thưa vắng, thầy thuốc vẫn phải thường trực sẵn sàng. Trả lương cho người lao động, đặc biệt trong những ngành nghề nhạy cảm là việc của tỉnh, của cơ quan tài chính. Thầy thuốc không thể vừa chữa bệnh vừa lo “kiếm tiền” qua dịch vụ để lo khoản lương cho mình. Cứ lý sự thế này, chẳng lẽ không có giặc thì nợ lương bộ đội? Mà đội ngũ thầy thuốc cũng là những chiến sĩ đánh “giặc” bệnh tật để giữ bình yên, nụ cười hạnh phúc từ trong mỗi ngôi nhà. Và sự hy sinh của thầy thuốc cũng có giới hạn. Một bác sĩ không thể vừa mổ hoặc khám chữa bệnh lại vừa to chuyện ở nhà với những khoản tiền ăn, tiền điện, nước, tiền học cho con nhỏ. Lo cho thầy thuốc là lo cho sức khỏe của dân.

Hàng ngày đọc báo bỗng thấy xót xa khi những công trình “hoành tráng” chưa cần thiết cứ mọc lên, những cuộc “tham quan học tập nước ngoài” mà thực ra là những vụ du lịch trá hình bằng tiền ngân sách vẫn xảy ra. Những thất thoát từ lãng phí và tham nhũng với những con số khủng thừa xây bệnh viện và trường học, lắp những cây cầu qua sông suối cho dân khỏi “đu dây”. Và chuyện “nợ lương thầy thuốc” bỗng thành chuyện mà dân không thể hiểu được. Người nước ngoài càng không thể hiểu như một chuyện độc nhất vô nhị chỉ có ở một số tỉnh của Việt Nam.

Chúng ta đã “nợ” thầy thuốc quá nhiều những món nợ từ sự thiếu thốn vẫn tận tụy hy sinh của họ. Xin đừng nợ thêm nữa!


Lê Quý Hiền
Ý kiến của bạn