Hà Nội

Xiết chặt tình trạng quảng cáo vi phạm thuần phong, mỹ tục

30-05-2012 17:38 | Thời sự
google news

Sáng ngày 30/5, QH thảo luận tại hội trường về Luật Quảng cáo. Nhiều ý kiến bức xúc, tình trạng quảng cáo còn lộn xộn, nhiều chương trình gây phản cảm, thậm chí trái thuần phong mỹ tục.

Sáng ngày 30/5, QH thảo luận tại hội trường về Luật Quảng cáo. Nhiều ý kiến bức xúc, tình trạng quảng cáo còn lộn xộn, nhiều chương trình gây phản cảm, thậm chí trái thuần phong mỹ tục.

Nên giao việc quản lý nhà nước về quảng cáo sát với chức năng của cơ quan chức năng

ĐB Nguyễn Văn Minh (TP HCM) cho rằng, về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, cần phải chia làm hai loại là quảng cáo dài hạn và quảng cáo nhất thời. Do đó trong luật nên có một điều qui định về kích thước, bảng quảng cáo đặt trên đường quốc lộ, bảng quảng cáo đặt trong các đô thị, khu dân cư và phải đảm bảo thực hiện các qui định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ giống như Khoản 3, Điều 35 của dự thảo luật về các biển hiệu. “Dự thảo luật đã qui định kích thước biển hiệu thì tại sao lại không qui định về kích thước các loại quảng cáo trên bảng quảng cáo, quảng cáo màn hình chuyên quảng cáo và quảng cáo trên phương tiện giao thông. Đây mới chính là các hoạt động quảng cáo có mục đích sinh lời, nhưng nếu không qui định trong luật về kích thước sẽ dẫn đến mất trật tự và vẻ mỹ quan của các đô thị và sẽ không thống nhất trong việc quy hoạch quảng cáo ở các địa phương”-  ĐB Minh đề xuất.

 Những quảng cáo kiểu phản cảm như thế này sẽ bị xử lý nghiêm (ảnh: nguồn internet)
ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) đồng tình với quan điểm được nêu trong dự luật là trước tình hình hoạt động quảng cáo còn nhiều vấn đề bất cập cần có sự tác động hết sức đầy đủ về mặt quản lý nhà nước, đặc biệt là việc đảm bảo cho các yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp với các chuẩn mực và thuần phong mỹ tục Việt Nam hàm chứa trong sản phẩm quảng cáo. Đây cũng là vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm và kiến nghị. Tuy nhiên, ĐB Thắm cũng bày tỏ băn khoăn về khả năng thực thi điều luật trên, vì dự kiến giao quản lý Nhà nước về quảng cáo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với lý do là đỡ xáo trộn bộ máy trong khi hơn 80% thị phần quảng cáo được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện điện tử thuộc trách nhiệm quản lý của ngành thông tin và truyền thông. Do đó, ĐB Thắm đề nghị Quốc hội cần thật cân nhắc điều này để việc giao trách nhiệm thực hiện phải sát với chức năng và điều kiện thực thi của cơ quan đó là chủ yếu, đồng thời phải đạt được mục tiêu mà luật cần hướng tới.

Liên quan đến vấn đề trên, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) tán thành với quy định cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo, nhằm đảm bảo giữ gìn cảnh quan kiến trúc đô thị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nhất là với công trình quảng cáo tấm lớn, quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời phải được thẩm định quản lý về vị trí, về kết cấu xây dựng như một công trình xây dựng. Theo ĐB Hà, thực tế hoạt động quảng cáo trên địa bàn Hà Nội những năm trước đây cho thấy tình trạng lộn xộn mất an toàn về xây dựng bảng quảng cáo không phép ở hai bên trục đường, biển quảng cáo chen chúc, nhếch nhác trên nóc, trước mặt nhà ở khiến cử tri và người dân rất bức xúc. “Để xảy ra tình trạng đó trách nhiệm một phần là cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng phần lớn cũng do ý thức của người hoạt động quảng cáo và do các qui định pháp luật chưa đầy đủ, không rõ ràng về chế tài xử lý hoặc mức độ xử lý không đủ sức răn đe, tạo kẽ hở để cho một số doanh nghiệp, cá nhân thiếu ý thức làm liều hoặc lách luật gây hậu quả về kinh tế, trật tự an toàn và mỹ quan thành phố”- ĐB Hà nhấn mạnh.

Cần quy định cụ thể cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ

Thảo luận về dự luật này, ở góc độ khác, ĐB Lê Hữu Phước (Bình Dương) cho biết, trong dự thảo lần thứ hai trước đây, tại Khoản 4 Điều 8 có quy định cấm các sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ em theo quy định của pháp luật về y tế. Tuy nhiên, trong dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo đã bỏ nội dung trên vì cho rằng Nghị định số 21 năm 2006 của Chính phủ chỉ cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi nên dự thảo lần này chỉ thêm điều kiện quảng cáo và bổ sung cụm từ "được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế". Theo đại biểu, như thế là chưa đủ. Để khẳng định pháp luật Việt Nam quan tâm trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, vì thế nên đưa nội dung cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi Luật Quảng cáo để luật hóa việc cấm quảng cáo sữa cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi. Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) đề nghị thêm một khoản là cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi vì sữa mẹ được khẳng định là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Theo các đại biểu, hiện nay tại Điều 6 Nghị định 21 năm 2006 của Chính phủ quy định cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Điều này khiến cho các công ty sữa lợi dụng bằng cách quảng cáo sữa cho trẻ nhỏ từ 12 đến 36 tháng tuổi nhưng có nhãn hiệu giống y hệt và tính năng tương tự sản phẩm sữa dùng cho trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi hoặc gián tiếp cho phép quảng cáo sữa từ 12 đến 24 tháng tuổi. Quy định này làm hạn chế việc trẻ nhỏ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho bé bú đến trước 2 năm

 Nguyễn Hoàng


Ý kiến của bạn