Xiếc Việt - nguồn vui và khoảng lặng

28-10-2019 06:53 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nếu nói về tính sáng tạo, thành công và sức lan tỏa thì xiếc Việt không hề thua kém so với bạn bè quốc tế kể từ khi ra đời cách đây gần một thế kỷ.

Tuy nhiên, bộ môn nghệ thuật này ở nước ta thời gian qua, bên cạnh những nguồn vui còn có những góc khuất, khoảng lặng chỉ giới trong nghề mới thấu hiểu.

Xiếc Việt đã, đang phát triển dù đứng trước sự cạnh tranh của nhiều loại hình văn hóa giải trí thời đại mới. Thực tế, nhiều chương trình xiếc của các đơn vị nghệ thuật trong nước thực hiện thời gian qua luôn có đông đảo khán giả tới xem, điều này trái ngược với không khí ảm đạm so với các vở diễn tuồng, chèo... Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ, tiết mục biểu diễn xiếc của Việt Nam khi tranh tài với bạn bè quốc tế cũng giành giải cao.

Gần đây nhất, Liên hoan Xiếc Quốc tế 2019 tại Hà Nội với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật từ Australia, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Ai Cập, Hungary, Lào, Singapore; xiếc Việt tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét khi “ẵm” nhiều giải thưởng quan trọng. Có thể kể đến giải đạo diễn xuất sắc thuộc về NSND Tống Toàn Thắng (tiết mục Đu sen); Huấn luyện xuất sắc Nguyễn Thị Huyền My (tiết mục Giấc mộng Phù Vân); Nhóm diễn viên xuất sắc thuộc về Liên đoàn Xiếc Việt Nam (tiết mục Đu bay)... Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, các tiết mục tham dự Liên hoan Xiếc Quốc tế 2019 của các đoàn nghệ thuật Việt Nam cũng như quốc tế đều được chăm chút, đầu tư, tìm tòi cách thể hiện, trút hết đam mê, tâm huyết để cống hiến cho khán giả những giây phút thưởng ngoạn thú vị. Khán giả thực sự mãn nhãn trước các màn biểu diễn đẹp mắt, khéo léo và đầy dũng cảm đến từ các nghệ sĩ trong nước và quốc tế.

Kể từ khi ra đời, xiếc Việt luôn được công chúng đón nhận và yêu mến. Các đoàn xiếc, nghệ sĩ, diễn viên đã khẳng định tài năng, tên tuổi bằng các danh hiệu, giải thưởng qua các liên hoan xiếc quốc tế tại Việt Nam và các nước: Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Triều Tiên... Theo NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, sân khấu xiếc Việt theo sự phát triển thời cuộc, vì thế hiện nay chúng ta đã có thêm các điệu vũ ba lê, nhạc kịch hay các màn biểu diễn mạo hiểm. Đặc biệt, hiện nay Liên đoàn Xiếc Việt Nam và một số đoàn xiếc trong nước đã đầu tư dàn dựng nhiều chương trình để đi lưu diễn tại nhiều nước trên thế giới và tham gia hầu hết các liên hoan xiếc quốc tế được tổ chức tại Monaco, Trung Quốc, Hungary, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và đã đạt được nhiều giải thưởng cao. Từ đó, nghệ thuật xiếc cũng như văn hóa, con người Việt Nam được giới thiệu rộng rãi với công chúng thế giới, tiếp tục định vị xiếc Việt Nam trên sân khấu xiếc thế giới, góp phần không nhỏ vào việc khẳng định vị trí của xiếc Việt trong hệ thống sân khấu nước nhà.

Mặc dù có bức tranh tươi đẹp kể trên, tuy nhiên xiếc Việt còn đó những con sóng ngầm và khoảng lặng ít ai thấu tỏ ngoài giới làm nghề. Đầu tiên phải kể tới lớp nghệ sĩ trẻ theo nghề xiếc ngày càng ít. Nghệ sĩ Sỹ Tú, Phó Giám đốc Nhà hát Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội từng chia sẻ, nhà hát có nhiều diễn viên lớn tuổi nhưng diễn viên trẻ thì hiếm, chưa kể cơ sở vật chất yếu và thiếu. Tương tự, NSƯT Phi Vũ, Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam cho biết, dù đã mở các lớp đào tạo nhưng vẫn không có người tham gia, mặn mà với môn nghệ thuật này. Dù khán giả ở TP.HCM rất yêu thích xiếc, đoàn xiếc liên tục có chương trình biểu diễn nhưng vẫn “khát” diễn viên trẻ.

Trong khi đó, việc tuyển sinh, đào tạo diễn viên xiếc ở nước ta cũng gian nan. Năm 2017, Trường trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam có 8.000 học sinh thi tuyển nhưng trường chỉ chọn được 36 em, năm 2018 là 35 em. Phần lớn học sinh không vượt qua được những thử thách vô cùng khắc nghiệt ở vòng sơ tuyển để vào trường. Một số em có khả năng thì không theo học vì ngại khó, ngại khổ, nhìn vào cuộc sống khó khăn của các anh chị nghệ sĩ đi trước nên chùn bước.

Một góc khuất nữa trong nghệ thuật xiếc Việt mà bất kể nghệ sĩ làm nghề nào cũng biết, đó là chế độ đãi ngộ khá thấp. Để trở thành nghệ sĩ xiếc và có tiết mục biểu diễn như đu dây, nhào lộn, uốn dẻo... phải mất nhiều thời gian luyện tập, có thể kéo dài tới hàng năm. Quá trình tập luyện, biểu diễn, chuyện nghệ sĩ có thể gặp tai nạn ngoài ý muốn bất kể lúc nào, nếu nặng thì bắt buộc phải “giã từ sự nghiệp”, có nghệ sĩ vì tai nạn trong khi diễn xiếc đã phải gắn cuộc đời còn lại bên chiếc xe lăn. Rủi ro, nguy hiểm như vậy nhưng hiện nay thu nhập của nghệ sĩ xiếc chỉ từ 2 - 5 triệu, rõ ràng giới làm nghề than phiền về mức thu nhập chưa tương xứng với sức lao động nghệ thuật họ bỏ ra là hợp tình hợp lý. Hai “hoàng tử xiếc” Quốc Nghiệp - Quốc Cơ với màn biểu diễn sức mạnh của đôi tay và chồng đầu đã lập kỷ lục thế giới, tạo tiếng vang ở cuộc thi Tìm kiếm tài năng nước Anh đã từng chia sẻ, nếu thu nhập của các nghệ sĩ xiếc được cải thiện thì họ có thể đủ trang trải cuộc sống và giữ lửa đam mê với nghề.


Quỳnh Hoa
Ý kiến của bạn