Theo NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, trước khi AfA kêu gọi không sử dụng động vật hoang dã để biểu diễn xiếc thú ở nước ta, thì Liên đoàn Xiếc đã có lộ trình chuyển đổi từ động vật hoang dã sang thú nuôi. Dù gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi nhưng các nghệ sĩ xiếc vẫn nỗ lực thuần hóa, dạy cả lợn, mèo, trâu, vẹt để phục vụ khán giả yêu xiếc thú. Một minh chứng nữa cho thấy, thú nuôi đang dần thay thế động vật hoang dã là hiện nay, tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam chỉ còn 1 con voi và vài con gấu. Nếu thú hoang dã đã già thì Liên đoàn Xiếc sẽ chuyển đến những nơi nuôi dưỡng mới, còn người nuôi dạy thú dần dần thay đổi sang nuôi dạy, huấn luyện các loại thú khác. Tuy nhiên, việc huấn luyện vật nuôi để biểu diễn xiếc cũng tốn công sức và thời gian, đổi lại nghệ sĩ xiếc có được sự an toàn so với huấn luyện thú hoang dã. Nghệ sĩ xiếc Nguyễn Đức Tài sau bao năm ghi dấu ấn với những tiết mục leo cột, đánh vòng, đu dây thì nay đã chuyển sang biểu diễn xiếc thú. Nghệ sĩ này hiện huấn luyện 3 con trâu và 2 con lạc đà.
“Để có một tiết mục xiếc thú, mình không phải là người điều khiển con thú mà phải luôn coi con thú là bạn diễn” - nghệ sĩ xiếc Nguyễn Đức Tài chia sẻ. Huấn luyện được một con trâu biết lắc đầu khi nghe kèn, biết gật đầu khi nghe tiếng sáo, đi lắt léo hình số 8, quỳ 2 chân trước, giậm chân khi chơi nhạc không đơn giản. Huấn luyện những chú lợn biết rải thảm, nhảy vòng, chui ống cũng không hề dễ, phải tạo những phản xạ có điều kiện cho chúng. Có một tiết mục hoàn chỉnh càng khó, người nghệ sĩ phải đầu tư rất nhiều. Bởi vì ngay cả khi cùng loài nhưng mỗi con lại một tính cách riêng, không thể huấn luyện cùng lúc cả đàn mà phải dạy và tập luyện với từng con. Động tác nào diễn viên động vật đã thuần thục thì ghép vào tiết mục... Ngay cả việc hiểu được bạn diễn, cùng vận động để bạn diễn không béo phì, giữ được độ dẻo dai cũng đòi hỏi quỹ thời gian và không ít mồ hôi, công sức của người nghệ sĩ.
Xiếc thú Việt đưa các con vật nuôi quen thuộc lên sàn diễn thay cho động vật hoang dã.
Trong khi đó, nghệ sĩ xiếc Kim Cương cho rằng, phương pháp huấn luyện bây giờ không cần dùng tới roi vọt, bạo lực mà dựa vào tình yêu thương, cũng như tập tính háu ăn của loài vật. Chẳng hạn, đối với lợn, chúng lười vận động nhưng lại háu ăn nên cứ cho nó ăn là bảo gì nó cũng làm. Lợn cũng có sự thông minh riêng, có phản xạ nhận biết riêng nên khi chủ chỉ cần lớn tiếng là nó đã biết sợ.
Dịp hè vừa qua, khán giả, đặc biệt là các em nhỏ đã được thưởng thức chương trình Cuộc phiêu lưu của chú Tễu tại Rạp xiếc Trung ương. Chương trình này được đánh giá cao vì là vở diễn có nội dung xuyên suốt, kể về hành trình khám phá, tìm hiểu thế giới của nhân vật dân gian rất quen thuộc với mỗi người Việt Nam - chú Tễu. Trong vở diễn, khán giả được bay vào không gian vũ trụ khám phá các hành tinh và tham gia vào cuộc giải cứu chú Cuội, chị Hằng, trâu thần bị quỷ dữ hãm hại. Sau đó, các em nhỏ lại cùng chú Tễu xuống thủy cung cứu vua Thủy tề, các nàng tiên cá và thu phục quỷ biển. Đặc biệt, trong chương trình này, đây là lần hiếm hoi các nghệ sĩ đưa trâu trở lại sân khấu xiếc. Con vật quen thuộc và gắn bó với người dân Việt Nam đã được các nghệ sĩ huấn luyện, sau đó thực hiện các động tác thuần thục, dễ thương theo hiệu lệnh đã khiến các em nhỏ rất hứng khởi. Ngoài ra, các phần trình diễn xiếc đến từ vật nuôi như gà, mèo, lợn... trong chương trình cũng tạo được tiếng cười, sự yêu mến của khán giả bởi những động tác thuần thục, tinh tế và khéo léo.
NSƯT Tống Toàn Thắng đánh giá, khi thấy những vật nuôi ra sân khấu, khán giả rất bất ngờ, những con vật bị mặc định là không thông minh như lợn, được tập luyện, dạy dỗ và có những phản xạ có điều kiện. Chính điều này đem lại những trải nghiệm, góc nhìn mới về xiếc thú và các loại vật nuôi riêng đối với người xem. Theo Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đơn vị này đã quyết định không đầu tư thêm động vật hoang dã mà chỉ sử dụng các cá thể đã có sẵn để biểu diễn xiếc thú. Thay vào đó, trong tương lai, Liên đoàn Xiếc sẽ tập trung kế hoạch quy mô và dài hạn để đầu tư vào các tiết mục vật nuôi như xiếc lợn, mèo, xiếc trâu và ngỗng. Những vật nuôi đưa lên sân khấu nếu chúng ta biết sử dụng, dựa trên bản năng có sẵn và khả năng trình diễn của nghệ sĩ sẽ tạo ra sự hấp dẫn.