Hà Nội

Xét xử vụ tai biến chạy thận tại BVĐK Hòa Bình: Bất ngờ ở phút chót

21-01-2019 06:19 | Pháp luật
google news

SKĐS - Tuần xét xử vừa qua, nhiều nội dung quan trọng đã diễn ra như: Các chuyên gia đầu ngành khẳng định BVĐK Hòa Bình đã làm rất đúng quy trình; Thân nhân các gia đình bị nạn đồng loạt xin giảm án cho các bị cáo; Bị cáo Hoàng Công Lương giữ quyền im lặng với chính luật sư của mình;…

Đặc biệt trong phiên xét hỏi chiều, ngày 19/1, luật sư Phạm Quang Hưng bào chữa cho Công ty Thiên Sơn bất ngờ đề nghị tòa cho dừng phiên xét xử do có trong tay chứng cứ “đầu độc” tại sự cố ngày 29/5/2017…

Ai chịu trách nhiệm về nước chạy thận trong sự cố ngày 29/5/2017?

Câu hỏi được Hội đồng xét xử (HĐXX), Viện kiểm sát (VKS), luật sư lặp lại tới hàng chục lần với các bị cáo Hoàng Công Lương; Trương Quý Dương; Hoàng Đình Khiếu; Trần Văn Thắng; Trần Văn Sơn đều cùng nội dung: Trách nhiệm đảm bảo nguồn nước để lọc máu, chạy thận thuộc về ai? Cho rằng không có phân công cụ thể, các bị cáo từ giám đốc đến nhân viên đều phủ nhận trách nhiệm đảm bảo nguồn nước.

Bị cáo Hoàng Công Lương khai rằng việc này không liên quan đến quy trình khám, ra y lệnh điều trị của Lương. Bị cáo Lương khẳng định mình không phải chịu trách nhiệm. Theo quy định của BV, chất lượng nước thuộc Trưởng khoa Lọc máu. Nhưng chưa có kỹ sư ở đơn nguyên lọc máu nên Trưởng khoa Hồi sức tích cực không phải chịu trách nhiệm mà trách nhiệm thuộc về Phòng Vật tư - Thiết bị y tế.

Theo bị cáo Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BV giải thích, theo quy chế, mỗi phòng ban có nhiều trách nhiệm, trực tiếp và gián tiếp. Toàn bộ trách nhiệm đã quy định, thực hiện theo đúng quy chế bệnh viện, đúng quy trình. Theo quy chế Khoa Lọc máu, đảm bảo chất lượng nước thuộc trưởng khoa đó, trưởng khoa phân công ai thì đó là quyền của họ, bị cáo Dương nói.

Còn bị cáo Hoàng Đình Khiếu giải thích rằng chất lượng nước cũng là một sản phẩm, vật tư tiêu hao phải “lĩnh” ở Phòng Vật tư chứ Khoa Hồi sức tích cực, đơn nguyên lọc máu không tự sản xuất được, cụ thể là Trưởng phòng. Ai sử dụng phải được phòng này cho phép.

Trong khi đó, người bị “đổ” các trách nhiệm trên là bị cáo Trần Văn Thắng - nguyên Trưởng phòng Vật tư lại trả lời toà rằng “đã phân công cho cấp dưới Trần Văn Sơn việc quản lý hệ thống máy lọc nước ở đơn nguyên lọc máu”.

Trần Văn Sơn thì phủ nhận được ông Thắng giao nhiệm vụ. Bị cáo khẳng định, không được học hay hiểu biết về chất lượng nước của hệ thống lọc nước nói trên.

Phiên toà xét xử vụ tai biến chạy thận tại BVĐK Hòa Bình.

Phiên toà xét xử vụ tai biến chạy thận tại BVĐK Hòa Bình.

Các chuyên gia khẳng định BVĐK Hòa Bình đã làm rất đúng quy trình

Phiên xử chiều 18/1, HĐXX dành thời gian để hỏi ý kiến các chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật lọc máu trong chạy thận nhân tạo. Trả lời câu hỏi của luật sư, TS. Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai khẳng định: Người sửa chữa phải đảm bảo nguồn nước an toàn để tiến hành lọc máu. Khi điều dưỡng viên hoặc kỹ thuật viên thông báo đã sửa xong thì bác sĩ có thể ra y lệnh. Trong quá trình lọc máu chạy thận thì mặc định kỹ thuật viên và người cung cấp nước phải đảm bảo nguồn nước. Bác sĩ có thể dựa trên báo cáo của điều dưỡng viên hoặc kỹ thuật viên để ra y lệnh.

Nếu nước RO có vấn đề thì chỉ số trong đồng hồ dẫn điện vượt quá ngưỡng an toàn 135-145. Lúc này, kỹ thuật viên phải báo cáo bác sĩ để dừng quy trình lại ngay. TS. Nguyễn Hữu Dũng cho rằng việc đưa axit flohydric vào sục màng rửa của máy RO là sai quy định. Trước đó, công việc sục màng rửa được Công ty Thiên Sơn giao hoàn toàn cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc. Quốc đã sục rửa máy RO số 2 nhưng để tồn dư axit flohydric là nguyên nhân trực tiếp khiến 9 bệnh nhân tử vong.

Trong khi đó, GS. Phạm Minh Thông - Phó Giám đốc BV Bạch Mai khẳng định, BV Bạch Mai đã hoàn thành việc đào tạo chuyển giao kỹ thuật chạy thận cho BVĐK Hoà Bình theo Đề án 1816 của Bộ Y tế, trong đó có kỹ thuật xử lý nước. Tất cả đều đúng quy trình của Bộ Y tế và BVĐK tỉnh Hòa Bình làm rất tốt, đồng thời khẳng định “trong sự cố ngày 29/5/2017, BVĐK Hòa Bình đã làm rất đúng quy trình”, GS. Thông cho biết.

Bị cáo Hoàng Công Lương giữ quyền im lặng với chính luật sư của mình

Trong đơn nộp cho HĐXX, Hoàng Công Lương trình bày: “Bị cáo chỉ là bác sĩ điều trị nên bị cáo chỉ có thể trả lời các câu hỏi liên quan đến chuyên môn khám chữa bệnh trong lọc máu. Những vấn đề khác không thuộc phạm vi chuyên môn công việc của bị cáo, xin phép được giữ im lặng”, thậm chí giữ quyền im lặng với chính luật sư bào chữa cho mình.

Bị cáo Trương Quý Dương khai, về nguyên tắc, bị cáo không biết và cũng không cần biết việc của BS. Lương. “Những việc trong bệnh viện không phải khi nào cũng có thể quyết định bằng văn bản. Việc bố trí nhân sự làm việc hết sức uyển chuyển, nếu BS. Lương đi tập huấn có thể giao việc cho bác sĩ khác”, bị cáo Dương cho biết.

Trong phần xét hỏi của mình, bị cáo Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Công ty xử lý nước Trâm Anh thừa nhận lỗi của mình là không ngăn cản việc sử dụng hệ thống lọc nước RO cho chạy thận nhân tạo. Việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO2 còn tồn dư axit và gây ra sự cố. Quốc khẳng định từng khuyến cáo ông Đỗ Anh Tuấn về việc bắt buộc phải xét nghiệm nước mới được đưa vào sử dụng. Bị cáo Quốc khai: “Bị cáo ý thức được việc xét nghiệm nước. Vì trước đây khi làm cho Công ty Minh Hoàng, bị cáo từng phải 2 lần đi xét nghiệm lại khi nghi ngờ nguồn nước không đảm bảo”.

Bị cáo Hoàng Công Lương đổ lỗi, bị cáo Trần Văn Sơn cảm thấy bất ngờ

VKS hỏi Trần Văn Sơn nghĩ gì khi ngày 15/1, Hoàng Công Lương cho rằng bị cáo phải chịu trách nhiệm về nguồn nước tồn dư axit flohydric, Sơn trả lời: “Bị cáo bất ngờ khi nghe nói bị cáo phải chịu trách nhiệm về nguồn nước vì bị cáo không có chuyên môn. Việc nhân viên kỹ thuật phải chịu trách nhiệm về nguồn nước đúng là hôm qua bị cáo mới nghe lần đầu”. Bị cáo Trần Văn Sơn nói mình là Kỹ thuật viên Cao đẳng y, được tập huấn tại BV Bạch Mai và được cấp chứng chỉ về quản lý và bảo dưỡng trang thiết bị y tế. Được Trưởng phòng vật tư là Trần Văn Thắng giao nhiệm vụ quản lý, sửa chữa thiết bị y tế của Đơn nguyên lọc máu, là người lập đề nghị mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng thay thế phụ tùng...

HĐXX bất ngờ “truy” BS. Hoàng Công Tình

Ngày làm việc thứ 6, HĐXX tiến hành đặt câu hỏi đối với BS. Hoàng Công Tình - Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực của BV này về việc có hay không sự buông lỏng trong quản lý? Tại thời điểm xảy ra sự cố y khoa ngày 29/5/2017, ông Hoàng Công Tình là Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, còn ông Hoàng Đình Khiếu là Phó Giám đốc bệnh viện kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực. Trong khoa này có 2 đơn nguyên là Hồi sức tích cực và Lọc máu (Thận nhân tạo).

Với chức vụ Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực, ông Hoàng Đình Khiếu khẳng định, nếu trong thời gian ông Khiếu vắng mặt sẽ bàn giao nhiệm vụ phụ trách Khoa Hồi sức tích cực cho Phó Trưởng khoa Hoàng Công Tình. Ông Khiếu than vì kiêm nhiệm nên có rất nhiều việc phải làm, ông phân bổ khoảng 30-40% thời gian của ngày làm việc để điều hành công việc tại Khoa Hồi sức tích cực.

Phản bác lại lời khai trên, ông Hoàng Công Tình cho rằng trong quy chế bệnh viện không quy định chức trách, nhiệm vụ của Phó Trưởng khoa. “Theo quyết định bổ nhiệm tôi làm Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực có ghi tôi làm việc dưới sự phân công của Trưởng khoa”, ông Hoàng Công Tình nói.

Bị cáo Khiếu lại khẳng định có giao nhiệm vụ cho Phó khoa quản lý, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ hằng ngày. Phó khoa là người giúp việc theo sự ủy quyền, chỉ đạo của Trưởng khoa. Tuy nhiên, BS. Hoàng Công Tình khẳng định, từ khi thành lập Đơn nguyên Thận nhân tạo, đơn nguyên này được Ban Giám đốc bệnh viện phân công BS. Tiến phụ trách, còn BS. Tình chỉ được phân công phụ trách chuyên môn của Đơn nguyên Hồi sức tích cực.

Trước những câu trả lời của ông Khiếu và ông Tình, HĐXX đặt nghi vấn có sự “buông lỏng quản lý” tại Khoa Hồi sức tích cực và Đơn nguyên Thận nhân tạo.

Trước cáo buộc này, BS. Tình cho rằng về mặt chuyên môn, các bác sĩ và điều dưỡng tại Đơn nguyên Thận nhân tạo đã đáp ứng được công việc (trong đó có 3 bác sĩ: Hoàng Công Lương, Nguyễn Mạnh Linh, Phạm Thị Huyền). “Tôi thấy rằng tôi và các cán bộ của Đơn nguyên Thận nhân tạo không có trách nhiệm gì trong sự cố này”, ông Tình khẳng định lại một lần nữa. “Tôi chỉ tiếc là mình không cứu được hết các bệnh nhân xấu số”.

Luật sư bất ngờ công bố bằng chứng “đầu độc”

Phiên xử chiều 19/1, luật sư Phạm Quang Hưng (bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Thiên Sơn) bất ngờ nêu ý kiến muốn dừng phiên tòa để cung cấp những bằng chứng “mật” cho thấy đây là một vụ “đầu độc để giết người”. HĐXX tắt tivi tại phòng báo chí và truyền thông, quyết định hội ý và ra tuyên bố: Tạm dừng phiên tòa, phiên xử sẽ được tiếp tục vào 21/1/2019.

Các luật sư tại phiên tòa cho rằng, nếu chứng cứ mà luật sư Phạm Quang Hưng đưa ra là xác đáng, nhiều khả năng HĐXX lại phải cho dừng xét xử để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, có luật sư cho rằng nếu đây là một chiêu trò PR thì Luật sư Hưng đã đi quá giới hạn mà nghề luật sư gọi đó là hành vi phạm tội nếu không chứng minh được người thực hiện âm mưu này, thậm chí có thể khởi tố hình sự đối với luật sư có tuyên bố nêu trên.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn