Tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại công ty Nhật Cường, TAND TP Hà Nội đã tiến hành xét hỏi 14 bị cáo.
Trong thời gian 2014 - 2019, Bùi Quang Huy chỉ đạo nhân viên lập 2 hệ thống sổ sách kế toán gồm hệ thống ERP nội bộ để theo dõi số liệu thực tế và hệ thống Misa ghi nhận báo cáo tài chính, sổ sách kế toán để khai báo với cơ quan quản lý Nhà nước.
Hai hệ thống này có sự chênh lệch về số liệu và theo kết quả giám định, Công ty Nhật Cường đã trốn đóng hơn 26,8 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng cùng hơn 3,1 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc tại phiên xét xử.
Về hành vi nhập hàng lậu, Bùi Quang Huy nhập hàng từ các nhà cung cấp nội địa hoặc từ nước ngoài. Khi nhập hàng, Huy thanh toán bằng tiền mặt hoặc qua các tiệm vàng tại Hà Nội.
Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính Nhật Cường) khai đã trực tiếp sử dụng hệ thống ERP để duyệt thu, chi của toàn hệ thống doanh nghiệp. Bị cáo Ngọc phụ trách việc quản lý thu tiền từ các đại lý bán hàng và chi tiền nhập hàng, mua bán, trả lương… Hệ thống ERP này hoàn toàn khác biệt so với hệ thống khai báo với cơ quan Nhà nước, mục đích là để trốn thuế.
Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc khai đã dùng ERP từ năm 2013 và chi số tiền nhập khẩu hàng không hóa đơn trị giá hơn 2.900 tỷ đồng. Trong đó, Ngọc chi cho bị cáo Ngô Xuân Sửu – Giám đốc Cty Thanh Sơn khoảng 200 tỷ đồng vì Sửu nằm trong đường dây cung cấp hàng lậu cho Bùi Quang Huy.
Ngoài ra, Ngọc thanh toán cho các nhà cung cấp có địa chỉ nước ngoài thông qua 2 tiệm vàng ở Hà Nội. Trong đó, bị cáo thanh toán qua tiệm vàng Lộc Phát (ở phố Hà Trung) số tiền hơn 1.729 tỷ đồng và qua tiệm vàng Thuận Phát (ở phố Hàng Dầu) hơn 795 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Trần Ngọc Ánh (47 tuổi, Phó Tổng Giám đốc Nhật Cường) khai nhận, từ năm 2005, Bùi Quang Huy giao cho bị cáo tham gia vào các nhóm chat với các nhà cung cấp nước ngoài. Những nhóm này chủ yếu được lập từ nền tảng Wechat, Whatsapp... Sau đó, bị cáo tham gia đàm phán trực tiếp với các nhà cung cấp qua mạng internet, cụ thể là 12 nhà cung cấp. Tổng số nhà cung cấp mà Công ty Nhật Cường có làm ăn, hợp tác để dẫn đến hành vi phạm tội là 15.
Bị cáo Trần Ngọc Ánh thừa nhận tham gia trong việc mua bán 2.502 đơn hàng với tổng số hơn 250.000 sản phẩm. Về con số hưởng lợi bất chính, Cơ quan truy tố xác định Công ty Nhật Cường đã bán được 254.364 sản phẩm, thu hơn 3.213 tỷ đồng và qua đây hưởng lợi bất chính 221 tỷ đồng.
Cũng tại phiên tòa, các bị cáo: Nguyễn Thị Bích Hằng, Đỗ Quốc Huy, Hoàng Văn Phong… đều nhận thức được hành vi vi phạm của mình. Song, các bị cáo cũng cùng cho rằng việc làm của mình là theo sự chỉ đạo của Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường Bùi Quang Huy, bản thân các bị cáo không được hưởng lợi từ việc làm của mình. Chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra, các bị cáo mới nhận ra hành vi đó là vi phạm pháp luật.