Hà Nội

Xét xử vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia tại Hà Giang, Sơn La: Nhiều tình tiết đang được làm rõ

18-10-2019 07:02 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 17/10, tiếp tục diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang và Sơn La, Hội đồng xét xử (HĐXX), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), các luật sư tiếp tục xét hỏi bị cáo, những người được triệu tập có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan trong vụ án.

Điệp khúc “chỉ nhờ xem điểm”

Trả lời luật sư bào chữa là bà Nguyễn Thị Kim Thanh trước tòa, bị cáo Trần Xuân Yến (cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La) khẳng định mình bị ép cung, mớm cung tại cơ quan điều tra. Chứng minh việc này, bị cáo Yến khai hôm 20/7, sau khi bị triệu tập, bị cáo bị giữ lại gần 3 ngày đêm khiến bị cáo bị khủng hoảng tinh thần.

Theo cựu Phó giám đốc sở GD&ĐT Sơn La, trong cuộc hỏi cung ngày 23/7, bị cáo khai nhờ xem điểm nhưng điều tra viên lại ghi ông nhờ nâng điểm. Bị cáo Trần Xuân Yến khẳng định còn nhiều cái khác diễn ra việc tương tự nhưng không nhớ hết.

Trước đó, ông Phan Ngọc Sơn, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, ông Phan Ngọc Sơn được triệu tập tới tòa với tư cách người làm chứng. Ông Sơn cho hay có con tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Do biết Trần Xuân Yến (cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) nằm trong hội đồng thi, ông Sơn đã nhờ bị cáo này xem điểm giúp cho con mình. Mục đích là để có cơ hội vào được trường mong muốn. Ông Sơn cũng cho hay tại kỳ thi năm 2018, con ông đạt 27 điểm, trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Tuy nhiên, sau khi chấm thẩm định, số điểm bị giảm 7,45 điểm. Kết quả, con ông chủ động không tiếp tục theo học vì “áp lực dư luận xã hội”.

Tương tự, ông Đỗ Kim Quang (Giám đốc VNPT Sơn La) khẳng định chỉ nhờ ông Hoàng Tiến Đức (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT) xem giúp kết quả trước cho con để có thể thay đổi nguyện vọng kịp thời. Kết quả, điểm công bố lần đầu của con ông Quang là 24,4 điểm, sau thẩm định giảm xuống còn 19 điểm.

Tại phiên tòa, HĐXX đã thẩm vấn nhiều phụ huynh cũng như người trung gian khác, tuy nhiên, tất cả đều có chung “điệp khúc” chỉ nhờ xem điểm nhưng thực tế lại trở thành nâng điểm.

Xét xử vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia tại Hà Giang, Sơn LaBị cáo Vũ Trọng Lương.

Điểm tăng vù vù nhưng lại bảo... không biết gì

Trả lời các câu hỏi của HĐXX, ông Trần Hà Thắng (cán bộ Phòng PA03, Công an tỉnh Hà Giang) cho biết chỉ quen bị cáo Lê Thị Dung do có mối quan hệ trong công tác. Thắng thừa nhận có em họ là chiến sĩ nghĩa vụ ngành công an thi tốt nghiệp nên nhờ bà Dung “quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ” và nhờ bị cáo Dung xem xét giúp 3 trường hợp khác là con, cháu của người quen. Ông Thắng cũng khai do không biết bị cáo Dung có vai trò, quan hệ ra sao trong kỳ thi nên chỉ nhờ “tạo thuận lợi cho các cháu”, nhưng “hoàn toàn không đưa gì” cho bà Dung.

Khi thẩm phán Vương Thị Thu Hà, chủ tọa phiên tòa yêu cầu nhân chứng đánh giá tính đúng, sai của việc nhờ vả, ông Thắng cho biết, lúc nhờ không hình dung được sự việc lại phức tạp. Sau này, mới biết hành động của mình là sai. Tuy nhiên, ông Thắng vẫn khẳng định mình chỉ nhờ giúp đỡ chứ không đề nghị nâng điểm.

Ngay sau đó, chủ tọa cho rằng không thể có chuyện không đề cập nâng điểm mà 4 thí sinh lại được nâng điểm cao như cáo trạng thể hiện. Tuy nhiên, ông Thắng vẫn cho rằng bản thân không bàn bạc từ trước với bà Dung mà chỉ nói “quan tâm, tạo điều kiện” cho thí sinh. Tiếp đó chủ tọa hỏi: “Theo anh biết thì khả năng của bà Dung quan tâm, tạo điều kiện được đến đâu?”, ông Thắng trả lời không biết điều này.

Tuy nhiên, câu trả lời của nhân chứng không nhận được sự đồng tình của nữ chủ toạ. “Làm gì có chuyện nhắn tin, gửi cho nhau danh sách thí sinh mà lại nói không biết. Không biết mà điểm tăng vù vù. Nói phải có tính thuyết phục” - thẩm phán Vương Thị Thu Hà đặt vấn đề và cho rằng nội dung khai báo của ông Thắng, cả HĐXX, các luật sư và người dự phiên tòa đều không đồng tình, ông Thắng cần suy nghĩ lại vì nhân chứng phải trung thực, khách quan.

Lừa cán bộ công an, chở bài thi đi sửa

Vào chiều 16/10, theo lời các nhân chứng là cán bộ bảo vệ phòng chứa bài thi, bị cáo Vũ Trọng Lương là người trực tiếp lừa gạt các cán bộ bảo vệ, rồi đánh xe tải chở bài thi đi sửa. Thậm chí, bị cáo Lương còn lừa chính những cán bộ bảo vệ bài thi, để những cán bộ này giúp mình khuân bài thi xuống xe tải mang đi sửa. Trả lời HĐXX, ông Nguyễn Thanh Lịch - cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang cho biết kỳ thi THPT 2018 ông được phân công trực toàn thời gian, với nhiệm vụ tham gia bảo vệ bản in sao đề thi và thành viên của tổ bài thi trắc nghiệm, giám sát toàn bộ các hoạt động của tổ xử lý bài thi từ 28/6 đến 10/7/2018. Theo ông Lịch, trưa 7/7/2018 ông được bà Quỳnh, cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang mời đi ăn trưa và liên hoan. Do nể nang, ông Lịch nhận lời. Khi đang ăn uống, ông Lịch nhận được điện thoại của cấp dưới là Nguyễn Thái Học (Phòng PK02 Công an tỉnh Hà Giang). “Anh Học hỏi tôi rằng có anh Vũ Trọng Lương đến lấy đồ và có vận chuyển xuống giúp anh ấy không? Tôi bảo nếu lấy đồ thì vận chuyển giúp anh ấy cũng được, chứ tôi hoàn toàn không biết việc anh Lương chuyển bài thi” - ông Nguyễn Thanh Lịch khai trước tòa.

Khai trước tòa, anh Nguyễn Thái Học (Phòng PK02 Công an tỉnh Hà Giang) cho biết Vũ Trọng Lương nói dối là đến lấy đồ, nhờ anh em vận chuyển xuống giúp. Sau đó anh Học điện cho cấp trên là ông Nguyễn Thanh Lịch thì nhận được sự đồng ý. Cộng thêm Vũ Trọng Lương là gương mặt quen thuộc, không phải người lạ nên anh Học không nghi ngờ.

Do số lượng người tham gia tố tụng đông và có nhiều nội dung cần phải làm rõ, phiên tòa dự kiến sẽ phải kéo dài thêm 2 ngày. Dự kiến tòa tuyên án vào ngày 18/10.


Bình An - Minh Long
Ý kiến của bạn