Xét xử vụ chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình: HĐXX truy trách nhiệm cá nhân lãnh đạo các khoa, phòng

19-01-2019 18:38 | Pháp luật
google news

SKĐS - Ngày 19/1, ngày thứ 6 phiên tòa xét xử sự cố chạy thận xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, tiếp tục phần xét hỏi. HĐXX làm rõ việc phân công nhiệm vụ cho lãnh đạo các khoa, phòng trong đơn vị của BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Truy trách nhiệm cá nhân

Trả lời HĐXX về việc phân công nhiệm vụ cho lãnh đạo các khoa, phòng trong đơn vị của BVĐK tỉnh Hòa Bình. Bị cáo Trương Quý Dương khai, căn cứ quy định pháp luật và quy chế nội bộ của bệnh viện, giám đốc chỉ quản lý nhân sự đến cấp phó khoa và điều dưỡng trưởng. BVĐK tỉnh Hòa Bình là bệnh viện hạng 1 nên công việc chuyên môn được giao cho Trưởng khoa quyết định. Chỉ khi có những việc quá khả năng hoặc cần hội đồng chuyên môn thì mới phải báo cáo lãnh đạo. Bị cáo không thể và không cần thiết giám sát chuyên môn theo từng ngày. Nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình khẳng định, đến thời điểm xảy ra sự cố y khoa hôm 29/5/2017, trừ những yếu tố khách quan thì BV đã đảm bảo điều kiện cần thiết cho kỹ thuật chạy lọc máu, bị cáo Dương nói.

Tiếp đó, HĐXX truy vai trò của bác sĩ Hoàng Công Tình đối với đơn nguyên thận nhân tạo. Tại tòa, ông Tình cho biết bản thân phụ trách chuyên môn ở Đơn nguyên hồi sức tích cực. Còn với Đơn nguyên thận nhân tạo thì không biết lãnh đạo bệnh viện giao ai phụ trách. Ông Tình cho rằng: khi đó không có chức danh phó khoa nên không thể quản lý hết công việc được”, bác sĩ Tình nói.

Tuy nhiên, bị cáo Hoàng Đình Khiếu khai do kiêm nhiệm Phó giám đốc lẫn Trưởng khoa Hồi sức tích cực nên không đảm nhận hết việc. Bị cáo Khiếu cho rằng mình chỉ phụ trách Đơn nguyên hồi sức.

Xét xử vụ chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình: Ông Hoàng Công Tình tại tòa tháng 5/2017Ông Hoàng Công Tình tại tòa tháng 5/2017

Nghe chủ tọa truy vấn, ông Tình phân trần, bản thân tự thấy mình đã làm hết khả năng. Sự cố ngày 29/5 là một điều hết sức đáng tiếc. Tôi và cán bộ trong khoa đã làm hết sức, không có sai sót nào. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm là đã không cứu chữa hết bệnh nhân, không có trách nhiệm gì khác. Đồng thời ông Tình cho rằng về trách nhiệm đối với hệ thống RO, ông chỉ được giao nhiệm vụ điều trị bệnh nhân ở Đơn nguyên hồi sức. Còn thiết bị, máy móc do Phòng vật tư và bên sửa chữa phụ trách, ông Tình nói.

Vai trò của Hoàng Công Tình?

Sau nhiều ngày sử dụng quyền im lặng trước tòa bị cáo Hoàng Công Lương đã lên tiếng. Chủ tọa Nghiêm Hoài Anh viện dẫn công văn của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình trả lời Cơ quan điều tra. Theo đó, Sở khẳng định chỉ có bác sĩ Hoàng Công Lương được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.

Bị cáo Hoàng Công Lương phản bác cho rằng ngoài bản thân mình, bác sĩ Huyền đã có chứng chỉ hành nghề. Do đó, người này hoàn toàn có quyền ra y lệnh độc lập. HĐXX hỏi “Giả sử chưa có chứng chỉ thì có được ra y lệnh?”. Bị cáo Hoàng Công Lương khai trong trường hợp đó, cần có chữ ký của bác sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề. Do vậy bác sĩ Huyền này hoàn toàn có quyền ra y lệnh độc lập (bác sĩ Huyền cũng đã có chứng chỉ hành nghề vào năm 2016).

Liên quan đến sự việc trên, ông Hoàng Công Tình khẳng định hôm xảy ra sự cố làm 9 người chết (29/5/2017) là ngày trực của Hoàng Công Lương. Ngoài ra, 2 bác sĩ Huyền và Linh cũng tham gia ca trực hôm đó. Tuy nhiên, những người này tự phân công phụ trách từng buồng.

Nhưng bị cáo Hoàng Đình Khiếu lại cho rằng sau khi Lương đi học chuyên khoa I về thì Khoa Hồi sức tích cực phân công bác sĩ này phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo. Theo bị cáo Khiếu khẳng định đã giao nhiệm vụ cho Lương phụ trách chuyên môn ở đơn nguyên thận từ cuối 2015 đầu năm 2016. Vì giao nhiệm vụ trong cuộc họp giao ban nên không có văn bản. Còn về quản lý giờ giấc, chấm công, khoa giao cho điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng.

Bị cáo Khiếu cũng cho rằng với chức vụ Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực, do vậy nếu trong thời gian ông Khiếu vắng mặt sẽ bàn giao nhiệm vụ phụ trách khoa Hồi sức tích cực cho Phó khoa Hoàng Công Tình. Bởi bị cáo Khiếu cho rằng vì kiêm nhiệm nên có rất nhiều việc phải làm. Liên quan đến việc phân công nhiệm vụ tại Khoa Hồi sức tích cực (bao gồm đơn nguyên thận nhân tạo), bị cáo Khiếu khẳng định có giao nhiệm vụ cho phó khoa quản lý, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ hằng ngày. Phó Khoa là người giúp việc theo sự ủy quyền, chỉ đạo của Trưởng khoa.

Phản bác lại lời khai trên, ông Hoàng Công Tình cho rằng trong quy chế bệnh viện, không quy định chức trách, nhiệm vụ của Phó khoa. Theo quyết định bổ nhiệm tôi làm phó Khoa Hồi sức tích cực có ghi tôi làm việc dưới sự phân công của Trưởng khoa, ông Hoàng Công Tình nói.

HĐXX hỏi khi bác sỹ Tiến được điều chuyển công tác vào năm 2014, ai là người phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo?. Ông Hoàng Công Tình nói: “Tôi phụ trách đơn nguyên hồi sức tích cực có rất nhiều việc, cán bộ của đơn nguyên hồi sức tích cực luôn trong tình trạng quá tải. Chính vì vậy tôi không nắm được bệnh viện giao ai phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo sau khi bác sỹ Tiến chuyển công tác. Bản thân ông chỉ chịu trách nhiệm chuyên môn tại đơn nguyên hồi sức tích cực, ông nói.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn