Xét xử vụ bắt người, cưỡng đoạt tài sản tại massage Tân Hoàng Phát

04-09-2014 19:00 | Thời sự
google news

Hôm nay (4-9), TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm (lần hai) sáu bị cáo trong vụ cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật tại cơ sở massage Tân Hoàng Phát (quận Thủ Đức).

Hôm nay (4-9), TAND TP.HCM  mở phiên xử sơ thẩm (lần hai) sáu bị cáo trong vụ cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật tại cơ sở massage Tân Hoàng Phát (quận Thủ Đức).

Theo đó, Phan Cao Trí (chủ Tân Hoàng Phát), Phan Thị Yến (vợ Trí), Phan Việt Hậu (em vợ Trí, giám đốc Công ty Tân Hoàng Phát), Phan Quốc Cường (giám đốc cơ sở Kim Thu, chi nhánh Tân Hoàng Phát) bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 135 BLHS (khung hình phạt từ ba đến 10 năm tù).

Ngoài ra, Trí, Hậu, Cường, Nguyễn Minh Phương (quản lý cơ sở massage Hoàng Thành, thuộc Tân Hoàng Phát), Nguyễn Hoài Nhanh (phó quản lý cơ sở massage Hoàng Thành) bị truy tố tội bắt giữ người trái pháp luật theo khoản 3 Điều 123 BLHS (khung hình phạt từ ba đến 10 năm tù).

Bị cáo Phan Cao Trí (chủ Tân Hoàng Phát)

Phiên tòa có thể kéo dài trong nhiều ngày, dự kiến đến ngày 8-9. Chủ toạ phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Văn Hà, Tòa Hình sự TAND TP.HCM. Có 5 luật sự bào chữa cho các bị cáo, riêng vợ chồng bị cáo Trí - Yến mời hai luật sư.

Vụ án này từng được xét xử sơ, phúc thẩm nhưng vì tòa phúc thẩm giảm án bất thường, vi phạm tố tụng (Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh) nên cả hai bản án đều bị Hội đồng Giám đốc thẩm TAND Tối cao hủy để điều tra, xét xử lại.

Cáo trạng lần này đã truy tố các bị cáo ở khung hình phạt nặng hơn lần trước theo nhận định hành vi phạm tội của các bị can gây hậu quả nghiêm trọng.

Những cuộc chạy trốn bất thành

Một số nhân viên không chịu nổi nên nhiều lần tìm cách bỏ trốn.

Ngày 27-9-2008, mẹ của người bị hại Trần Ngọc Tình (ngụ tỉnh Đồng Tháp) lên gặp Phương (quản lý) xin cho Tình nghỉ. Phương không đồng ý mà đề nghị bà viết đơn trước rồi từ từ giải quyết.

Thấy không khả quan, bà nghĩ cách cho người đem 8 viên thuốc giảm đau vào công ty cho Tình uống. Với ý định chờ khi Tình bị nôn ói sẽ xin đến bệnh viện, rồi từ đây người nhà giúp cô bỏ trốn. Đáng tiếc, sự việc bị phát hiện, Tình bị bắt lại. Trí buộc gia đình cô đem 24 triệu đồng lên nộp cho Hậu mới được nghỉ việc.

Bị cáo Phan Thị Yến

Nạn nhân khác muốn bỏ trốn là Đặng Thị Huyền Trân (ngụ Đồng Tháp). Trâm canh khi mọi người đã ngủ hết, Trâm leo cửa sổ sang nhà bên cạnh. Trâm bị trượt chân té ngã nên bại lộ. Trâm bị phạt và phải nộp 15 triệu đồng mới được thả ra.

Một nữ tiếp viên khác là Linh Đa, làm việc cho cơ sở massage Kim Thu từ năm 17 tuổi. Đến năm 2007, do để có thai với khách nên cô bị Trí và quản lý đánh, tịch thu hết nữ trang gồm 3 bông tai, 3 nhẫn vàng và bắt nộp 20 triệu đồng rồi cho nghỉ việc.

Các bị cáo trước vành móng ngựa

Đêm 6-12-2008, Công an TP.HCM bí mật đột kích vào cơ sở massage Tân Hoàng Phát giải cứu 64 nữ tiếp viên.

Quá trình điều tra lại vụ án, Trí và đồng phạm chỉ thừa nhận một phần nhỏ các hành vi phạm tội. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng xác định đủ căn cứ truy tố các bị cáo đã bắt giữ trái pháp luật 73 nhân viên và cưỡng đoạt tài sản trị giá 184 triệu đồng của 9 nữ tiếp viên.


Ý kiến của bạn