Xét xử vụ án “Tham ô” ở Trung tâm Mắt Bình Thuận: Những băn khoăn sau phiên tòa!

06-07-2011 21:33 | Thời sự

Sau 4 ngày xét xử và kéo dài sau 1 tuần nghị án, Tòa án nhân dân TP. Phan Thiết đã tuyên bị cáo Đặng Thị Linh (nguyên Giám đốc) và Nguyễn Thị Như Nguyệt (nguyên Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính) của Trung tâm Mắt Bình Thuận mỗi bị cáo mức án 7 năm tù.

Sau 4 ngày xét xử và kéo dài sau 1 tuần nghị án, Tòa án nhân dân TP. Phan Thiết đã tuyên bị cáo Đặng Thị Linh (nguyên Giám đốc) và Nguyễn Thị Như Nguyệt (nguyên Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính) của Trung tâm Mắt Bình Thuận mỗi bị cáo mức án 7 năm tù. Sau phiên tòa, gia đình hai bị cáo cho biết, sẽ kháng cáo lên tòa cấp trên. Đây là một vụ án được dư luận ở Bình Thuận hết sức quan tâm và với mức án 7 năm tù đã gây nên nhiều dư luận trái chiều...

Diễn biến sự việc

Theo Sở Y tế, Trung tâm Mắt được thành lập từ tháng 4/2007 với cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, trang thiết bị cũ, chưa được đầu tư, đặc biệt là các trang thiết bị kỹ thuật cao. Với nhiệm vụ được giao là giải phóng mù lòa cho nhân dân trong tỉnh, nhưng kinh phí để phục vụ cho việc mổ mắt lại không có và không được cấp. Dù với tình hình khó khăn trên, trong hai năm (2007 - 2008), Ban giám đốc và cá nhân bà Đặng Thị Linh đã có nhiều cố gắng vận động các nhà hảo tâm để mổ, chăm sóc mắt cho người dân với số tiền hơn 2,6 tỉ đồng để mua trang thiết bị như máy Laser Yag, máy sinh hiển vi phẫu thuật, 2 máy siêu âm A, máy Javal kế... và đã khám mắt cho gần 30.000 trường hợp, mổ sáng mắt cho gần 3.000 người nghèo. Đó là thời điểm hoạt động hiệu quả nhất của trung tâm từ trước đến nay. Thực tế hoạt động “xuôi chèo mát mái”, thì trước cuối năm 2008, khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, có nhiều thông tin được tung ra rằng Giám đốc Trung tâm Mắt (bà Đặng Thị Linh) tham ô số tiền hàng tỉ đồng từ việc chiếm đoạt nguồn tiền tài trợ của các nhà từ thiện làm dư luận trong tỉnh hết sức phẫn nộ. Kết quả điều tra và bản cáo trạng truy tố cho thấy ngoài khoản tiền 50 triệu đồng mà Trung tâm Mắt trả lại cho ông Nguyễn Minh Hiếu, được quy kết tội tham ô. Cáo trạng chỉ đề nghị bị cáo Linh nộp lại đúng 5 triệu đồng mà bị cáo… tạm ứng của đơn vị trước đây. Số tiền lớn nhất trong vụ án là 50 triệu đồng dù không bị thiệt hại, không xem xét trách nhiệm dân sự, không buộc bị cáo phải hoàn trả nhưng vẫn buộc bị cáo Linh phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền này...

 Đại diện VKS công tố trước tòa. Ảnh: Lý Nam

“Tham ô” hay “sai phạm”… trong quản lý?

Ngoài cáo buộc bị cáo Linh với vai trò giúp sức cho bị cáo Nguyệt chiếm đoạt số tiền hơn 11 triệu đồng và số tiền 5 triệu đồng ứng đi Vũng Tàu, tòa cũng đã không tìm thấy chứng cứ tham ô như cáo trạng quy kết nên đã không truy cứu bị cáo khoản tiền này. Riêng số tiền 50 triệu đồng trả cho nhà tài trợ Nguyễn Minh Hiếu, bị cáo Linh khai trước tòa là để giữ uy tín đúng như lời hứa của ông Hiếu và việc không nhập quỹ là sai sót và chủ quan trong quản lý chứ không có ý định chiếm đoạt đã bị tòa không chấp nhận. Theo chủ tọa phiên tòa, việc đem tiền trả lại cho ông Nguyễn Minh Hiếu là hình thức đối phó sau khi cơ quan chức năng vào cuộc.

Trong các ngày xét xử, cả hai bị cáo đều kêu oan và không thừa nhận nội dung như bản cáo trạng dài 17 trang mà đại diện Viện Kiểm sát công bố. Cáo trạng quy kết bị cáo làm hóa đơn khống để hợp thức hóa và các nhân chứng đều thừa nhận nhưng bị cáo Nguyệt khai tất cả các phiếu chi đều hợp lệ. Còn theo bị cáo Linh, đến cuối năm 2008, trung tâm không hề nhận được đồng nào kinh phí mổ mắt cho người nghèo mà chỉ thông qua sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Bị cáo không hề tư túi một đồng nào trong số tiền hỗ trợ.

Tại một phần bản cáo trạng truy tố bị cáo Linh chiếm đoạt 50 triệu đồng của nhà tài trợ thể hiện tháng 5/2008, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM hỗ trợ Trung tâm Mắt một máy mổ mắt Laser Yag trị giá hơn 600 triệu đồng. Nếu nhận thì trung tâm phải nộp lại 10.000 USD (lúc ấy tương đương 150 triệu đồng) để tái tạo quỹ. Sau đó Trung tâm Mắt vận động được hai nhà hảo tâm 100 triệu đồng và ông Nguyễn Minh Hiếu (Giám đốc Công ty Việt REMAX (TP. Hồ Chí Minh) 100 triệu đồng.

Số tiền còn lại 50 triệu đồng đến tháng 9/2008, Trung tâm Mắt cử người mang trả lại cho ông Hiếu và ông Hiếu viết giấy nhận tiền. Tuy nhiên, bản cáo trạng nhận định: “Việc trả lại tiền trong điều kiện Trung tâm Mắt mới thành lập, kinh phí khó khăn, đơn vị đang tranh thủ xin các nhà hảo tâm tài trợ để mổ mắt cho người nghèo mà lại đem trả lại tiền tài trợ là việc làm hết sức vô lý. Mặt khác, sau khi bị thanh tra, bị cáo Linh mới trả lại số tiền trên là việc làm đối phó để che lấp việc chiếm đoạt tài sản trước đó”. Khai trước tòa, bị cáo Linh cho rằng, vì trước đó chỉ xin tài trợ từ ông Hiếu để mua máy mổ mắt Lazer Yag và ông Hiếu có hứa là “cứ xin hết đi, thiếu đủ còn bao nhiêu ông sẽ khóa đuôi”, vì vậy khi đủ tiền trả cho Hội Bảo trợ nên bị cáo đã chỉ đạo ông Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Mắt, đem vào TP. Hồ Chí Minh trả lại cho ông Hiếu, việc trả lại tiền này nhằm mục đích giữ uy tín của Trung tâm Mắt với ông Hiếu cho những lần xin tài trợ sau.

Theo bác sĩ Tú khai trước tòa, sau khi Giám đốc Linh chỉ đạo nhưng khi vào TP. Hồ Chí Minh không gặp ông Hiếu (lúc này công tác ở Mỹ), tôi (BS. Tú) mang tiền về thì bà Linh bảo “Thôi, anh (Tú) cứ để đó (không nhập lại quỹ - PV) để khi có dịp vào lại gặp ông Hiếu thì trả sau”. Theo bà Linh, việc nhà hảo tâm đem tiền đến hỗ trợ đều được kế toán ghi phiếu thu hẳn hoi, báo, đài chụp ảnh, đưa tin. Việc không nhập quỹ là việc chủ quan trong quản lý của bà chứ không hề có động cơ chiếm đoạt. Tại phiên tòa, ông Nguyễn Minh Hiếu cho biết đã nhận lại số tiền 50 triệu đồng từ ông Tú và thừa nhận những lời khai của bị cáo và nhân chứng.

 Luật sư trình chứng cứ trước tòa.

Luật sư nói: Vụ án vi phạm Luật Tố tụng hình sự

Trong bốn ngày xét xử, dù chưa phải là phần tranh luận, phiên tòa đã “nóng” lên trong phần thủ tục xét xử khi đại diện Viện kiểm sát “lỡ miệng” nói vụ án cần thiết phải được đưa ra xét xử để “ổn định chính trị, dư luận địa phương” trong tỉnh đã bị luật sư bào chữa cho hai bị cáo “bẻ” bởi tòa án đưa tội phạm ra xét xử nếu có là để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, chứ không phải để vì mục đích gì, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa do vắng 2 nhân chứng quan trọng. Ngoài ra, quá trình điều tra đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hình sự khi cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án nhưng không có quyết định phê chuẩn của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Sinh mệnh chính trị, quyền con người được luật pháp bảo vệ, do đó phải được chuẩn y bằng quyết định theo Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Viện phó Viện kiểm sát chứ không thể bằng văn bản thông báo do kiểm sát viên ký. Hơnthế, tại tòa, luật sư đã đưa ra biên bản họp án giữa ba ngành (công an, kiểm sát, tòa án) để… định tội. Theo luật sư, vấn đề này đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hình sự, đi ngược lại với chủ trương cải cách tư pháp bởi vụ án chưa được đưa ra xét xử, bị cáo đã bị phán quyết… có tội. Do đó, theo luật sư, việc phiên tòa diễn ra chỉ mang tính hình thức, thiếu khách quan, chưa kể còn có dấu hiệu “chỉ đạo từ xa” khi từ phía dưới phiên tòa, liên tục nhiều tờ giấy được chuyền tay nhau đưa lên cho công tố viên đến nỗi chủ tọa phải yêu cầu “không được thực hiện việc này nữa”. Theo đại diện Viện kiểm sát, biên bản họp 3 ngành là quy chế phối hợp trong việc xử lý các vụ án tham nhũng. Về việc phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án bằng thông báo do kiểm sát viên ký, đại diện Viện kiểm sát cho rằng luật không quy định và không phải thông báo phê chuẩn quyết định khởi tố nào cũng phải do lãnh đạo Viện kiểm sát ký. Do đó, thông báo này là phù hợp với ngành kiểm sát.

 Một ca phẫu thuật mắt thực hiện tại Trung tâm Mắt Bình Thuận. Ảnh: CTV

Và những “băn khoăn”?

Một vụ án tham nhũng “nổi đình, nổi đám” được dư luận ở tỉnh hết sức quan tâm nhưng số tiền cho là bị thiệt hại chỉ hơn 70 triệu đồng trong đó đã có đến 50 triệu đồng trả lại cho nhà từ thiện.

Xuyên suốt trong 4 ngày xét xử, người xem phiên tòa nhiều lúc phải băn khoăn khi chỉ với khoản tiền tạm ứng có 5 triệu đồng được tòa và VKS truy vấn quyết liệt suốt cả một ngày. Trong khi các luật sư đã đưa ra phiếu thu có đầy đủ chữ ký của kế toán, thủ quỹ, người nộp tiền đối với số tiền này thì lại ít được đề cập. Người theo dõi phiên toà cũng băn khoăn khi biết thủ quỹ của Trung tâm Mắt làm thất thoát quỹ đến 30 triệu đồng nhưng lại được cơ quan điều tra không khởi tố, đưa vào vụ án trong khi với những phiếu thu, chi chồng chéo trong vụ án này lại gần như trùng khớp với số tiền thiệt hại đã bị mất (!?)

Ngày xét xử thứ 4, kim đồng hồ đã chỉ 19 giờ hơn nhưng mọi người vẫn nán lại để nghe bị cáo Linh nói lời sau cùng. Cả khán phòng lặng ngắt nghe rõ cả tiếng kim giây nhỏ giọt, ai cũng muốn nghe bà Linh, người bị đề nghị từ 7 - 8 năm tù giam nói gì trước tương lai xám xịt của mình. Bà Linh cho biết, 3 năm qua, bà đã sống trong nước mắt, trong sự nhục nhã ê chề khi bị khởi tố tội tham ô. Con gái bà tốt nghiệp y khoa không dám quay về Bình Thuận làm bác sĩ mà phải ăn chực nằm chờ để xin việc tại TP.HCM. Hôm đưa con trai bà ra bến xe để đi học, đứa con trai vô tình trách móc sao mẹ không đưa đi TP.HCM. Bà Linh khóc ngất cho biết, con bà quá nhỏ để hiểu rằng dù rất muốn nhưng bà không thể đưa con đi vì bà đã có lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Bà Linh nói với hơn 35 ngàn trường hợp được khám và mổ mắt trong thời gian bà làm giám đốc, nếu mọi người không xem là công thì cũng đừng xem đó là tội.

THU THỦY 


Ý kiến của bạn
Tags: