Hà Nội

Xét xử vụ án tai biến chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình: Cùng một tội danh, vì sao “Người tại ngoại - Kẻ ngồi tù”?

04-06-2018 06:56 | Pháp luật
google news

SKĐS - Trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hòa Bình đề nghị Hoàng Công Lương mức án từ 30-36 tháng tù treo vì tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999; Trần Văn Sơn bị đề nghị từ 4-5 năm tù cùng về tội danh này.

Dư luận cho rằng với cùng một tội danh như vậy, tại sao lại có người bị án treo, người phải ngồi tù. Đúng ra Trần Văn Sơn

cũng phải được tại ngoại giống Hoàng Công Lương mới đúng!

Buộc tội thiếu khách quan

Trong phần tranh luận bào chữa, luật sư Phạm Quang Hòa đã yêu cầu đại diện VKS đối đáp về việc bị cáo Trần Văn Sơn bị đề nghị mức án nặng hơn so với Hoàng Công Lương dù cùng tội danh. Luật sư Hòa cho rằng đây là vấn đề “nhạy cảm”, mặc dù ông không muốn bình luận thêm vì những phát biểu của mình có thể ảnh hưởng đến bị cáo khác. “Bởi ở tòa, các luật sư phải bảo vệ cho thân chủ của mình, nhưng cần phải tránh việc bình luận và làm xấu đi tình trạng của bị cáo khác trong cùng vụ án”, luật sư Hòa nói.

Luật sư Hòa muốn chứng minh việc VKS đã không khách quan khi đề nghị mức án với thân chủ của ông. Luật sư Hòa không ý kiến gì về việc có tội hay không có tội của các bị cáo, đồng thời cũng không bình luận gì về mức hình phạt án treo đối với Hoàng Công Lương là đúng hay sai.

Nhưng trong bản luận tội, việc VKS cho rằng bị cáo Sơn có vị trí, vai trò cao hơn so với bị cáo Lương, luật sư Hòa nói: “Đó chỉ là nhận định cảm tính mà chưa đưa ra căn cứ xác đáng để chứng minh”. Do đó, luật sư Hòa đề nghị đại diện VKS đối đáp với ông về nội dung này. Tuy nhiên, đại diện VKS từ chối đối đáp với luật sư Hòa khi cho rằng đã thể hiện quan điểm rõ ràng trong lần tranh luận trước đó.

Luật sư Hòa cho rằng quan điểm đề nghị của VKS đối với Trần Văn Sơn là chưa khách quan, vẫn có những định kiến theo hướng buộc tội cho Sơn.

Luật sư Nguyễn Tiến Thủy (đeo kính) và luật sư Phạm Quang Hòa tại TAND TP. Hòa Bình.

Luật sư Nguyễn Tiến Thủy (đeo kính) và luật sư Phạm Quang Hòa tại TAND TP. Hòa Bình.

Có nhân thân tốt, thành khẩn, luôn nhận lỗi về mình, không đổ tội cho người khác

Theo luật sư Hòa: “Ai cũng có thể nhận thấy, thân chủ của tôi trong vụ án này bị xác định cùng một tội danh với Hoàng Công Lương, cùng có tình tiết giảm nhẹ, cùng có nhân thân tốt, cùng có lỗi như nhau. Tại phiên tòa này, có lẽ HĐXX và tất cả mọi người đều nhận thấy rằng bị cáo Trần Văn Sơn khai báo rất thành khẩn, luôn luôn nhận lỗi về mình. Không đổ tội cho ai, có những tình tiết Sơn hoàn toàn có thể chối bỏ và thừa khả năng để chối bỏ, nhưng Sơn đã không làm điều đó. Vậy căn cứ vào đâu mà VKS lại không đề nghị cho bị cáo Sơn mức án treo như bị cáo Lương?”, luật sư Hòa đặt câu hỏi với VKS.

Trên tinh thần cải cách tư pháp, với tư cách luật sư trước khi trình bày quan điểm bào chữa cho Trần Văn Sơn, tôi đã đề nghị và mong muốn rằng HĐXX lưu tâm xem xét cho Trần Văn Sơn. Theo quy định bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và đặc biệt là kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Đối với Trần Văn Sơn, ở đây chúng ta cần phải nói rõ với nhau một điều rằng, tại phiên tòa Sơn có trả lời với HĐXX là cảm thấy có lỗi khi xảy ra sự cố. Nhưng không phải cứ có yếu tố lỗi là phạm tội hình sự. Điều này hoàn toàn không đúng. Có thể có yếu tố lỗi xảy ra. Tuy nhiên cái lỗi đó phải vi phạm, phải hội tụ đầy đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam thì mới xử lý hình sự được. Nếu cái lỗi đó có thể có, nhưng không vi phạm, không thỏa mãn dấu hiệu của một quy định nào đó tại Bộ luật Hình sự Việt Nam thì chưa thể coi là tội phạm hình sự được, luật sư Hòa cho biết.

Trong vụ án này, người chịu trách nhiệm chính của các vật tư trang thiết bị y tế của BVĐK tỉnh Hòa Bình là ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Vật tư - Thiết bị y tế. Nhưng ông Thắng đã đổ hết trách nhiệm cho Sơn rồi, cuối cùng chỉ có bị cáo Sơn chịu trách nhiệm.

Trong hơn 2 tuần xét xử vừa qua, nhiều tình tiết vụ án đã được làm sáng tỏ. Các luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn đều chứng minh không đủ căn cứ để buộc tội 2 bị cáo này. Nhiều “góc khuất” chưa được làm rõ trong quá trình điều tra cũng như các vi phạm nghiêm trọng tố tụng của cơ quan thực thi được các luật sư chỉ ra. Vì vậy cùng với tội danh bị buộc tội như Hoàng Công Lương, các luật sư đã đề nghị HĐXX cho bị cáo Trần Văn Sơn được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú, giống như Hoàng Công Lương. Bởi trong quá trình tranh tụng và bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn, các luật sư Nguyễn Tiến Thủy, Phạm Quang Hòa đã chứng minh Sơn hoàn toàn không có tội, chưa đủ chứng cứ để buộc tội Trần Văn Sơn, thì việc HĐXX cho Sơn được tại ngoại là hoàn toàn hợp lý, hợp tình.

Đến ngày 5/6/2018, HĐXX sẽ tuyên án, luật sư Phạm Quang Hòa cho rằng, nếu cần thiết phải thận trọng, tránh việc đưa ra phán quyết sai lầm và để đảm bảo được tính khách quan của vụ án với những vấn đề cần làm rõ. Trên tinh thần thực hiện nguyên tắc xây dựng Nhà nước pháp quyền, tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân. Đề nghị tòa ra quyết định hoàn trả hồ sơ vụ án để cơ quan điều tra tiến hành điều tra bổ sung, nhằm tránh bỏ lọt tội phạm và oan sai người vô tội.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn