Xét xử sơ thẩm vụ tham ô ở PVP Land: Mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo

26-01-2018 06:42 | Pháp luật
google news

SKĐS - Ngày 25/1, phiên tòa xét xử sơ thẩm Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng cùng các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) bước sang ngày làm việc thứ 2, các luật sư tiếp tục xét hỏi bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án.

Lời khai mâu thuẫn về khoản tiền 14 tỷ đồng

Tại phiên tòa, trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho bị cáo Thái Kiều Hương (SN 1973, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vietsan), Trịnh Xuân Thanh nói chỉ nhớ gặp người phụ nữ này một lần tại nhà hàng trên đường Xuân Diệu, quận Tây Hồ. Bị cáo Thanh khai khi đến đó đã thấy Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương và ông Han (tức Han Gi Cheol - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Vietsan) chờ sẵn ở đó. Trong ít phút có mặt tại nhà hàng, Thanh khẳng định không nói chuyện với Hương. Ngoài ra có thể hai bên gặp nhau tại trụ sở như lời khai của Hương nhưng do văn phòng của Thanh có nhiều người nên ông không nhớ cụ thể.

Trả lời câu hỏi của luật sư liên quan đến cáo buộc tham ô 14 tỷ đồng, Trịnh Xuân Thanh khai khi nhận vali tiền, ông không được bị cáo Đinh Mạnh Thắng thông báo do Thái Kiều Hương chuyển đến. Nguyên Chủ tịch PVC nói sau bữa ăn ở đường Xuân Diệu, bị cáo này nghe lái xe kể em trai ông Đinh La Thăng cho người chuyển quà lên cốp xe. “Lúc giao dịch đó có hiểu từ Hương chuyển đến không”, luật sư hỏi. Bị cáo Thanh khẳng định bản thân không có quan hệ với Hương nên nghĩ rằng người phụ nữ này không tự nhiên “ném cho tôi mười mấy tỷ”.

Xét xử sơ thẩm vụ tham ô ở PVP LandBị cáo Đinh Mạnh Thắng (bên trái) và bị cáo Trịnh Xuân Thanh (bên phải) trả lời câu hỏi của HĐXX tại phiên tòa.

Được mời lên đối chất ngay sau đó, bị cáo Đinh Mạnh Thắng (SN 1962, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà) lại khẳng định khi bị cáo Thái Kiều Hương nhờ chuyển 14 tỷ cho Trịnh Xuân Thanh, ông lập tức gọi điện thông báo cho nguyên Chủ tịch PVC. Theo lời khai của ông Thắng, lúc đó Trịnh Xuân Thanh đã hướng dẫn ông chuyển tiền cho lái xe riêng. Một lần nữa, Đinh Mạnh Thắng khẳng định khi liên lạc đã nói rõ quà Hương gửi cho Trịnh Xuân Thanh là tiền.

Móc nối chia tiền Nhà nước

Trước đó, vào chiều 24/1, phiên tòa được tiếp tục với phần xét hỏi, quá trình HĐXX thẩm vấn, lời khai của một số bị cáo bộc lộ nhiều mâu thuẫn xoay quanh việc thực hiện hành vi phạm tội. Theo cáo trạng, quá trình PVP Land thoái vốn tại Dự án Xây dựng tổ hợp Trung tâm Thương mại, Văn phòng cao cấp Nam Đàn Plaza, PVP Land đã ký Hợp đồng chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần thể hiện giá chuyển nhượng chỉ là 13.578 đồng/cổ phần (tương đương 34 triệu đồng/m2 đất Dự án Nam Đàn Plaza). Như vậy, so với giá đã được thỏa thuận trong Hợp đồng đặt cọc (52 triệu đồng/m2), tổng giá trị hợp đồng giảm hơn 87 tỷ đồng.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trong số tiền hơn 87 tỷ đồng chênh lệch này, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã chiếm đoạt được 14 tỷ đồng, bị cáo Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt 5 tỷ đồng, bị cáo Đào Duy Phong (Chủ tịch HĐQT PVP Land) chiếm đoạt 8 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh (Tổng Giám đốc PVP Land) chiếm đoạt 2 tỷ đồng, bị cáo Đặng Sỹ Hùng (Trưởng phòng Kinh tế Kế hoạch PVP Land, đã mất) chiếm đoạt 20 tỷ đồng. Tổng cộng các bị cáo đã chiếm đoạt 49 tỷ đồng.

Trong cáo trạng nêu rõ: Toàn bộ 12.120.000 cổ phần mà PVP Land sở hữu tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương thuộc phần vốn góp của PVC là doanh nghiệp Nhà nước có 87,87% vốn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT PVC và Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh là người đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land. Do vậy, số cổ phần này thuộc tài sản của Nhà nước giao cho các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong và Nguyễn Ngọc Sinh là những người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp quản lý, nhưng các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần với giá thấp hơn giá trị thực tế để rút ra nhằm chiếm đoạt hơn 87 tỷ đồng và thực tế đã chiếm đoạt được 49 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định: Hành vi chiếm đoạt của các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng, Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Lê Hòa Bình (SN 1954, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5 và Công ty cổ phần Minh Ngân), Nguyễn Thị Kim Thoa (SN 1965, nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5 và Công ty cổ phần Minh Ngân), Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (SN 1972, làm nghề kinh doanh tự do) đã đủ căn cứ cấu thành tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278 - Bộ luật Hình sự năm 1999. Trong hành vi phạm tội này, Viện Kiểm sát đánh giá Trịnh Xuân Thanh là người có vai trò quyết định việc cho chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần và chỉ đạo Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh thực hiện. Các bị cáo Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng biết rõ việc chuyển nhượng cổ phần với giá thấp hơn thực tế; nhưng tích cực thực hiện để rút tiền chênh lệch, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

Các bị cáo Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy là những người móc nối, tác động để Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh cho chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land; biết rõ hành vi lợi dụng việc bán cổ phần để chiếm đoạt tài sản của các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh nhưng vẫn tích cực thực hiện để trục lợi và giúp sức cho các bị cáo này chiếm đoạt được tiền. Các bị cáo Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa biết rõ việc PVP Land ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 66/2010/PVPL-MN với giá thấp hơn giá thực tế mà Bình và Thoa đã mua, để các bị cáo khác trong vụ án rút tiền chênh lệch chia nhau chiếm đoạt, nhưng đã đồng tình thực hiện, chuyển 49 tỷ đồng trong số tiền ngoài hợp đồng cho các bị cáo để Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng chiếm đoạt được tiền của Nhà nước.


H. Phong
Ý kiến của bạn