Xét xử sơ thẩm vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề: Gần 8 năm tù cho hai đối tượng

11-09-2015 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Tòa án nhân dân quận Long Biên (Hà Nội) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 2 bị cáo trong vụ án mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề (Hà Nội) xảy ra cách đây gần 2 năm.

Tòa án nhân dân quận Long Biên (Hà Nội) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 2 bị cáo trong vụ án mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề (Hà Nội) xảy ra cách đây gần 2 năm.

Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên án phạt 2 bị cáo Phạm Thị Nguyệt, (SN 1970, trú tại phường Ninh Sơn, TP. Ninh Bình) và Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) gần 8 năm tù về cùng tội “Mua bán trẻ em” theo quy định tại Điều 120, Khoản 1 - Bộ luật Hình sự.

Hai bị cáo Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt tại phiên tòa.

Làm rõ động cơ dù hai bị cáo quanh co chối tội

Tại phần tranh luận trong phiên xử sơ thẩm chiều 9/9, động cơ, mục đích của hai bị cáo Nguyệt và Trang trong vụ án mua bán trẻ em này đã được HĐXX làm rõ dù cả hai đều quanh co, chối tội. Trước những câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) quận Long Biên, Phạm Thị Nguyệt quanh co cho rằng, bị cáo thương cháu Công thật lòng, đã chăm sóc cháu hết sức, chỉ vì không hiểu biết pháp luật nên đã phạm tội. Đại diện Viện KSND đã chỉ thẳng động cơ, mục đích của Nguyệt trong vụ mua bán này: “Bị cáo mua cháu Công không phải do không hiểu biết. Bị cáo đã có 2 đứa con ở quê, đã phẫu thuật cắt dạ con, muốn níu kéo với người đàn ông mình chung sống, muốn có người chu cấp nên nói dối rất nhiều người để thực hiện trót lọt hành vi mua bán. Bị cáo không vì quyền lợi của những đứa trẻ. Bị cáo muốn có 1 đứa con trai để sau này có chỗ nương tựa, đó cũng là vì bị cáo.”

Làm rõ hành vi mua, bán của hai bị cáo, đại diện Viện KSND hỏi thẳng Nguyệt: “Bị cáo có bị oan không, nói thẳng?”, Nguyệt thừa nhận cáo trạng kết tội mình là đúng và khẳng định có đưa tiền cho Trang. Song, Nguyệt khai rằng do Trang nói chị Hà bị bệnh, ảnh hưởng đến tính mạng, cần tiền điều trị, vì tình thương, tình người, nên sau khi nhận cháu Công, Nguyệt đưa tiền cho Trang để chuyển cho chị Hà chứ không phải tiền mua cháu Công. Lật lại những chứng cứ, lời khai trước, đại diện Viện KSND khẳng định, Nguyệt đã hứa cho Trang tiền để có được cháu Công. “Bị cáo không hứa cho Trang tiền thì không việc gì chị Trang phải làm những việc khuất tất để đưa cháu Công ra khỏi chùa.” - đại diện Viện KSND nói.

Về chi tiết này, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại hỏi thêm: “Nếu Trang không giao cho bị cáo cháu Công, biết chị Hà bị bệnh thì bị cáo có sẵn lòng đưa tiền không? Bị cáo có quen biết gì chị Hà đâu mà đưa. Hai con bị cáo ở quê không được nuôi đến nơi tới chốn nói gì con nuôi, nói gì người xa lạ. Lý do của bị cáo không thể chấp nhận được”.

Liên quan đến động cơ, mục đích của hành động cho cháu Công, trả lời câu hỏi của đại diện Viện KSND: “cáo trạng nêu rõ, bị cáo Trang nói với Nguyệt rằng anh Long đã nhận cháu Công làm con đỡ đầu và hứa từ thiện cho chùa 50 triệu đồng, nói Nguyệt muốn nhận con thì phải chi tiền, có đúng không?”, bị cáo Trang vòng vo, cho rằng mình thương hoàn cảnh của Nguyệt cũng như chia sẻ với cảnh ngộ của chị Hà nên đã thực hiện việc giao cháu Công cho Nguyệt. Đại diện Viện KSND đáp lại những ngụy biện của Trang bằng các câu hỏi xoáy vào mối quan hệ giữa Trang và Nguyệt. Chốt lại, đại diện Viện KSND hỏi: “Vì con số 40 triệu đồng mà bị cáo mờ mắt đúng không?”, bị cáo Trang cúi đầu lí nhí: “Vâng!”. Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Nguyệt khẳng định thêm động cơ của bị cáo Trang: “Bị cáo không có thẩm quyền cho con nuôi sao lại giao cháu Công cho Nguyệt, sao lại nhận tiền? Đó là vì bị cáo muốn hưởng lợi, tư lợi cá nhân!”

Bản án thích đáng

Quanh co chối tội, song hai bị cáo Trang và Nguyệt đã bị HĐXX chỉ rõ sự ngụy biện, khẳng định hành động của hai bị cáo là hành vi mua bán trẻ em. Hai bị cáo đã phải nhận những bản án thích đáng. Từ các tài liệu, chứng cứ điều tra và lời khai các bị cáo trước tòa, lời bào chữa, luận tội của các bên, HĐXX nhận định, hành vi của Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt đã cấu thành tội mua, bán trẻ em. “Hành vi của hai bị cáo đã trực tiếp xâm hại sức khỏe, tính mạng của cháu bé; tước đi quyền được chăm sóc, bảo vệ của cháu, dẫn đến việc cháu bị tử vong” - HĐXX nhận định và cho rằng, trong vụ án này, Phạm Thị Nguyệt là người khởi xướng nên cần có bản án nghiêm khắc, xử phạt nặng hơn Nguyễn Thị Thanh Trang. Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Nguyệt 48 tháng tù giam, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Trang 42 tháng tù giam cùng về tội mua, bán trẻ em.

Trước đó, vụ án được phát hiện từ đơn trình báo của anh Nguyễn Thành Long - người làm thiện nguyện tại chùa Bồ Đề về việc cháu Cù Nguyên Công, là bé trai mà anh Long nhận làm cha đỡ đầu bị bán, cơ quan điều tra đã xác minh làm rõ: Năm 2011, chị Trần Thị Thu Hà, (quê Phú Thọ) và anh Vũ Xuân Trường, (quê Tuyên Quang) chung sống với nhau như vợ chồng và có thai ngoài ý muốn. Ngày 25/10/2013, chị Hà sinh một bé trai, do sợ gia đình biết nên chị Hà đã đem gửi cháu bé đến chùa Bồ Đề. Tại chùa, cháu bé được đặt tên là Cù Nguyên Công.

Nguyệt đã nhờ Trang tìm cho một cháu trai khỏe mạnh để Nguyệt nhận làm con nuôi và hứa sẽ bồi dưỡng tiền cho Trang. Sau đó, Trang đề cập với chị Hà là có người chị dâu của Trang muốn nhận cháu bé về làm con nuôi và chị Hà đồng ý cho cháu Công. Ngày 1/1/2014, sau khi làm xong thủ tục tại chùa Bồ Đề, Nguyệt đã tới nhận cháu Công và đưa cho Trang 35 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền của Nguyệt, Trang đã gửi 10 triệu đồng vào tài khoản của chị Hà, còn 25 triệu đồng Trang chi tiêu cá nhân hết. Quá trình nuôi dưỡng, cháu Công bị mắc bệnh sởi nặng và qua đời vào ngày 24/6/2014.

Trung Tiến

 


Ý kiến của bạn