Hà Nội

Xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại PVN và PVC: Dành thời gian cho các bị cáo tự bào chữa

15-01-2018 07:15 | Pháp luật
google news

SKĐS - Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm ngày 14/1 tiếp tục với phần tự bào chữa của các bị cáo. Cụ thể, các bị cáo đã tự đưa ra các chứng cứ, phân tích nhiều luận điểm nhằm làm giảm nhẹ tội cho mình.

Bị cáo Phùng Đình Thực đề nghị xem xét lại cáo buộc thiếu thành khẩn

Bị cáo Phùng Đình Thực trong phần tự bào chữa sáng 14/1.

Đứng lên tự bào chữa đầu tiên trong ngày 14/1 là bị cáo Phùng Đình Thực, cựu Tổng Giám đốc PVN. Theo cáo buộc, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Thực đã cùng ông Đinh La Thăng có hành vi sai phạm trong việc chỉ đạo PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban Quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng tiền cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng không đúng mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 120 tỷ đồng. Nhận định hành vi của bị cáo Thực phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đại diện Viện Kiểm sát, trong phần luận tội của mình, đã đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Phùng Đình Thực từ 12-13 năm tù.

Tự bào chữa trước tòa, ông Thực nói rằng, bản thân luôn làm việc công tâm, không tư lợi, không lợi ích nhóm, không ưu ái ai, kể cả PVC. Bị cáo cũng không bàn bạc riêng tư với cấp trên hay chỉ đạo riêng tư với cấp dưới. “Khi biết hợp đồng sai phạm, bị cáo đã cương quyết chỉ đạo kiểm tra và ngay trong ngày ký quyết định thanh lý, chấm dứt hợp đồng 33. Với số tiền tạm ứng được sử dụng sai mục đích, bị cáo cũng ký văn bản yêu cầu PVC báo cáo rõ ràng và có phương án khắc phục” - bị cáo Thực trình bày. Về cáo buộc trong bản luận tội cho rằng bị cáo Thực thiếu thành khẩn và đổ lỗi cho cấp dưới, bị cáo Thực bác bỏ. Ông Thực cho biết, tại cơ quan điều tra, ông luôn khai báo thành khẩn, được cơ quan điều tra ghi nhận. “Tại tòa, bị cáo đưa ra chứng cứ mới chứng minh rằng mình vô tội, nhưng Viện Kiểm sát từ chứng cứ ấy lại kết luận rằng bị cáo không thành khẩn. Chứng cứ chứng minh sự phân công, phân quyền rõ ràng, mỗi người chịu trách nhiệm với hành vi của mình chứ không phải đổ lỗi cho cấp dưới. Chứng cứ đó góp phần làm rõ vụ việc và cá thể hóa trách nhiệm của các cá nhân cụ thể” - ông Thực đề nghị Viện Kiểm sát xem xét.

Bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa tại tòa.

Bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận thiếu kiểm tra, đôn đốc

Trước đó, trong phần tự bào chữa của bị cáo của mình, bị cáo Đinh La Thăng đã thừa nhận bị cáo chưa hoàn thành trách nhiệm trong vai trò là người đứng đầu PVN, bị cáo cảm thấy có lỗi với Đảng, có lỗi với nhân dân, có lỗi với các thế hệ người lao động của PVN. Bị cáo xin được nhận sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Trong phần tự bào chữa, bị cáo Đinh La Thăng đã nêu, trong suốt quá trình tố tụng, điều tra, xét xử, bị cáo luôn thừa nhận mình chưa hoàn thành trách nhiệm là người đứng đầu PVN, chứ hoàn toàn không có ý đổ lỗi cho cấp dưới. Bị cáo đã thiếu kiểm tra, thiếu giám sát trong thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, chưa làm tròn trách nhiệm dẫn đến việc các cơ quan, đơn vị, cá nhân có sai phạm nhưng chưa kịp thời chấn chỉnh.

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Đinh La Thăng đề nghị HĐXX có đường lối xử lý công tâm, khách quan, đúng pháp luật, phù hợp với pháp luật trong bối cảnh của dự án năm 2008. Bị cáo đề nghị xem xét thấu tình đạt lý, đúng căn cứ pháp luật và có sự công bằng cho các cán bộ PVN không vì mục đích động cơ cá nhân, mà chỉ mong muốn phát triển thật nhanh theo đúng chiến lược phát triển của tập đoàn.

Bị cáo Đinh La Thăng cho biết, bản thân rất tôn trọng bản luận tội của Viện Kiểm sát, nhưng đề nghị HĐXX xem xét lại những vấn đề không đặt ra trong quá trình điều tra, không nêu trong bản luận tội. Giải thích lý do vì sao chỉ định PVC là tổng thầu, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định rằng chủ trương chỉ định thầu đã có từ năm 2006 và đến tháng 2/2009 chủ trương này được thực hiện cho tất cả các đơn vị thành viên của tập đoàn chứ không chỉ PVC.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tự bào chữa tại tòa.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận hành vi tham ô

Đến lượt tự bào chữa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khẳng định không muốn đổ lỗi cho cấp dưới nhưng mong Viện Kiểm sát chỉ ra bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới làm sai bằng cách nào. Với cương vị của bị cáo không thể chỉ đạo miệng, mong HĐXX xem xét lại về hành vi chuyển tiền sai mục đích mà bị cáo đang bị cáo buộc.

Về cáo buộc phạm tội tham ô tài sản của Viện Kiểm sát, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng, lời khai của các bị cáo khác còn có nhiều mâu thuẫn, không có chứng cứ chứng minh, thiếu rõ ràng. Từ đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã đề nghị HĐXX xem xét lại các chứng cứ, lời khai... dẫn đến cáo buộc bị cáo chỉ đạo việc tham ô tiền của PVC. Kết luận phần tự bào chữa của mình, bị cáo Trịnh Xuân Thanh tiếp tục khẳng định, bị cáo không tham ô, không chỉ đạo việc rút tiền...


H. Phong
Ý kiến của bạn