Xét xử sơ thẩm vụ án giết người ở Bình Phước: Tòa tuyên án tử hình đối với bị cáo Dương và Tiến

17-12-2015 23:47 | Pháp luật
google news

SKĐS - Sáng ngày 17/12, phiên tòa xét xử vụ án thảm sát tại Bình Phước được mở lưu động tại khu đất rộng 4ha trong Trung tâm Hành chính huyện Chơn Thành (Bình Phước).

Sáng ngày 17/12, phiên tòa xét xử vụ án thảm sát tại Bình Phước được mở lưu động tại khu đất rộng 4ha trong Trung tâm Hành chính huyện Chơn Thành (Bình Phước). Các bị cáo trong vụ án là Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang), Vũ Văn Tiến (24 tuổi, quê Bình Phước) và Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long, tạm trú TP. HCM) bị truy tố 2 tội Giết người, Cướp tài sản.

Các bị cáo tại phiên xét xử sáng 17/12.

Theo cáo trạng, Nguyễn Hải Dương và Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi, con gái ông Mỹ) từng yêu nhau 2 năm. Khoảng tháng 4/2013, Linh nói lời chia tay, Dương nảy sinh lòng thù hận và lên kế hoạch giết cả nhà người yêu cũ để trả thù. Rạng sáng 7/7, Dương cùng Tiến đột nhập biệt thự của ông Mỹ, sát hại 6 người trong gia đình, chỉ có bé Na (18 tháng tuổi, con gái út chủ nhà) thoát chết. Trong vụ án, Trần Đình Thoại từng cùng Dương lên kế hoạch và cố gắng thực hiện hành vi giết người nhưng bất thành. Sau đó, Thoại mua thêm dao cho Dương và từ chối tham gia giết người. Theo cơ quan công tố, việc Thoại từ bỏ và không thực hiện được hành vi giết người cướp của là ngoài ý muốn. Do vậy, Thoại cũng bị truy tố các tội danh như Dương và Tiến.

Hành vi của Dương, Tiến và Thoại phạm tội Giết người với các tình tiết tăng nặng quy định tại Khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự (BLHS) như: động cơ đê hèn, giết nhiều người, giết trẻ em, thực hiện tội phạm một cách man rợ, giết người để thực hiện tội phạm khác, có tính chất côn đồ. Khung hình phạt với tội danh này là từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đồng thời, các bị can còn phạm tội Cướp tài sản, quy định tại Khoản 1, Điều 133 BLHS, khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù.

Sau phần xét hỏi, HĐXX tiến hành phiên tranh tụng và nghị án. Ông Lê Đức Xuân - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bình Phước, người giữ quyền công tố tại tòa nêu quan điểm của VKSND, cho rằng: Tính mạng danh dự nhân phẩm là quyền của con người, quyền được sống là quyền bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của các bị cáo đã tước đoạt mạng sống của 6 người trong nhà ông Mỹ. Các bị cáo hủy hoại cả công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động làm việc cho Công ty Quốc Anh do ông Mỹ làm chủ. Khiến họ lâm vào cảnh thất nghiệp. Tội ác của các bị cáo đẩy bé Na không cha, không mẹ... Tội ác của bị cáo gây ảnh hưởng chính người thân của bị cáo. Hành vi của các bị cáo man rợ, nguy hiểm. Dương chính là chủ mưu, trực tiếp đâm chết 6 nạn nhân, hành vi này là mất hết nhân tính, không để cho các nạn nhân có cơ hội sống sót. Các bị cáo giết 6 người là tình tiết giết nhiều người. Đối với Vỹ, hành vi giết Vỹ là tình tiết giết trẻ em. Trước khi giết từng người, Tiến dùng dây quàng vào cổ, Dương dùng dao đâm vào cổ... là thực hiện hành vi một cách man rợ.

Chỉ vì bị từ chối quan hệ yêu đương mà bị cáo lại có cách suy nghĩ ích kỉ, thù hận không yêu thì giết cả nhà. Bị cáo Dương còn phải chịu tình tiết tăng nặng là “vì động cơ đê hèn”. Đáng lẽ bị cáo phải tìm ra nguyên nhân, cách giải quyết hợp lý hơn. Tuy nhiên, 3 bị cáo là những người sinh trưởng trong gia đình nghèo, chưa tiền án tiền sự, các bị cáo cũng làm công việc lương thiện. Đến khi thực hiện hành vi bị cáo mới bộc lộ sự nguy hiểm của mình.

Bị cáo Dương có trình độ học vấn, chỉ vì sự ích kỉ, lòng tham, các bị cáo thực hiện hành vi đê hèn. Vậy nguyên nhân chủ yếu các bị cáo phạm tội là do chính bản thân bị cáo có sẵn động cơ tham lam, suy thoái về đạo đức, kém hiểu biết lệch lạc về xã hội, bất bình, thực dụng tất cả vì đồng tiền. Đối với hành vi của Dương, dã tâm lên kế hoạch giết từng người với thủ đoạn man rợ. Trước đó, Dương đã tạo ra chứng cứ ngoại phạm để qua mắt pháp luật. Để đánh lạc hướng cơ quan điều tra, sau khi giết 6 người, Dương còn lên nhà nạn nhân khóc lóc thảm thiết như mình vô tội. Từ đó, Dương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với vai trò là chủ mưu.

Đối với bị cáo Tiến, chưa ra tay giết hại như Dương, nhưng Tiến đã dùng dây thắt cổ các nạn nhân để giúp Dương đâm chết từng người đã đủ nguy hiểm cho xã hội nên cần xử lý nghiêm. Đối với bị cáo Thoại, đáng lẽ Thoại phải can ngăn hoặc báo với công an về hành vi của Dương để ngăn chặn. Bị cáo biết rõ kế hoạch của Dương nhưng ngày hôm sau, bị cáo còn mua cho Dương 1 con dao, tiếp tay cho Dương thực hiện hành vi. Vì vậy, Thoại phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò giúp sức.

Theo đó, Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình đối với Dương vì tội giết người, 6-8 năm cướp tài sản. Tổng hợp hình phạt tử hình. Với Tiến, đề nghị mức án tử hình vì tội giết người, 5-7 năm cướp tài sản. Tổng hợp là tử hình về 2 tội. Vì Thoại từ chối không tham gia nên VKS đề nghị 13-14 năm về tội giết người, 3-4 năm tội cướp tài sản, tổng hợp 16-18 năm tù.


K. Giang
Ý kiến của bạn