Hà Nội

Xét xử sơ thẩm đại án kinh tế tại Oceanbank

03-03-2017 14:32 | Pháp luật
google news

SKĐS - Phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi các bị cáo để làm rõ hành vi: lợi dụng chức vụ quyền hạn...

Phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi các bị cáo để làm rõ hành vi: lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng…

Cựu Tổng giám đốc Oceanbank phủ nhận việc nhận 69 tỷ đồng

Sau khi được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận trở thành cổ đông và đối tác chiến lược của Oceanbank, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn được cử sang giữ chức vụ Tổng Giám đốc (TGĐ) ngân hàng từ ngày 1/12/2008 đến ngày 27/2/2010, là ủy viên HĐQT Oceanbank từ ngày 28/4/2009 đến ngày 18/4/2011 và là đại diện góp vốn của PVN tại ngân hàng. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn và sự phụ thuộc của Oceanbank vào nguồn vốn huy động của PVN, Nguyễn Xuân Sơn đã đặt vấn đề với Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank về việc để huy động được nguồn tiền gửi từ PVN, ngân hàng phải chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng. Hà Văn Thắm đã chấp thuận và đồng ý để Sơn toàn quyền quyết định chi phí, thống nhất lấy từ nguồn thu phí “dịch vụ” thông qua Công ty BSC - công ty con mà Hà Văn Thắm lập ra để chi theo yêu cầu của Nguyễn Xuân Sơn.Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phủ nhận việc nhận 69 tỷ đồng từ Công ty BSC để thực hiện chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi, chăm sóc khách hàng.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phủ nhận việc nhận 69 tỷ đồng từ Công ty BSC để thực hiện chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi, chăm sóc khách hàng.

Ngoài ra, Nguyễn Xuân Sơn còn chỉ đạo Nguyễn Minh Thu - cựu Phó TGĐ thực hiện việc thu thêm phí ngoài tỷ giá theo quy định trong hợp đồng bán ngoại tệ cho khách hàng thông qua việc yêu cầu khách hàng ký hợp đồng dịch vụ với Công ty BSC để có thêm tiền chi phí. Tổng cộng số tiền Nguyễn Xuân Sơn nhận từ Công ty BSC để chi phí cho khoản “chăm sóc khách hàng” là khoảng hơn 69 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước vành móng ngựa, cựu TGĐ Oceanbank phủ nhận việc nhận 69 tỷ đồng từ Công ty BSC để thực hiện chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi, chăm sóc khách hàng. Theo lời khai của bị cáo tại tòa, từ khi về nắm giữ chức vụ TGĐ, ông ta chưa bao giờ có chủ trương và cũng đồng ý với chủ trương chi lãi ngoài vượt trần quy định của Ngân hàng Nhà nước. Điều duy nhất bị cáo Nguyễn Xuân Sơn thừa nhận là có 4 lần nhận tiền từ Hà Văn Thắm, nhưng con số này chỉ vào khoảng 4,5 tỷ đồng. Theo cựu TGĐ Oceanbank, đấy là quan hệ chuyển tiền giữa cá nhân Hà Văn Thắm và bị cáo.

Trong khi cựu TGĐ phủ nhận hoàn toàn việc nhận tiền từ Công ty BSC thì lời khai của những người liên quan đến hành vi của bị cáo lại đối lập hoàn toàn. Bà Hoàng Thị Hồng Tứ - người được Hà Văn Thắm dựng lên để đứng tư cách pháp nhân của Công ty BSC cho hay, đã 3 lần đưa tiền cho Nguyễn Xuân Sơn với tổng cộng 6,6 tỷ đồng. Anh Nguyễn Việt Dũng - từng là thư ký của TGĐ Oceanbank cũng trình bày chi tiết các lần nhận tiền thông qua tài khoản ngân hàng của mình. Số tiền tổng cộng hơn 8,6 tỷ đồng ngoài đưa cho Nguyễn Xuân Sơn, anh Dũng còn chuyển đến một số tài khoản khác theo chỉ đạo của TGĐ… Theo tài liệu tố tụng, Công ty BSC đã chi theo yêu cầu của Nguyễn Xuân Sơn để chăm sóc khách hàng hơn 69 tỷ đồng. Số tiền chăm sóc khách hàng này thể hiện qua chứng từ, sổ sách theo dõi.

Đổ lỗi cho nhau về 500 tỷ đồng thất thoát

Trước đó, xét hỏi để làm rõ hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong đó, trọng tâm là việc nhóm cổ đông chính tại Ngân hàng TMCP Đại Tín đã thế chấp tài sản ra sao. Liên quan đến nội dung này, cựu Chủ tịch Oceanbank - Hà Văn Thắm bị HĐXX truy xét về hành vi làm thất thoát khoản vay 500 tỷ đồng đối với Công ty Trung Dung (Công ty con của bị án Phạm Công Danh - cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng - Chủ tập HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh). Trả lời thẩm vấn, bị cáo Thắm cho rằng, Danh đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của Oceanbank. Lý do được Thắm giải thích, đối với khoản tiền 500 tỷ đồng cho Danh vay thông qua Công ty Trung Dung được sử dụng bằng tài sản đảm bảo là 250 tỷ đồng tiền ảo vốn điều lệ của Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung. Trên thực tế, TGĐ Công ty Trung Dung chỉ là lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh được dựng lên làm TGĐ để Danh thực hiện các kế hoạch phía sau. Ngoài ra, còn có 5 tài sản đảm bảo khác liên quan đến hợp đồng góp vốn đầu tư và xây dựng nhà tại hai dự án ở tại TP. Hồ Chí Minh. “Nhưng do vẫn lăn tăn về tài sản đảm bảo nên bị cáo đã yêu cầu phong tỏa tài khoản tại Ngân hàng TMCP Đại Tín, bao giờ có chứng từ gốc mới giải ngân”, bị cáo Thắm khai.

Bác bỏ lời khai của bị cáo Thắm, bị án Phạm Công Danh cho rằng mình mới bị Thắm lừa. “Trong giao dịch chuyển nhượng quyền tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín, tôi đã chi cho Thắm số tiền 500 tỷ đồng gọi là chi phí chăm sóc khách hàng. Việc Oceanbank cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng là nằm trong thỏa thuận”, Danh khai. Liên quan khoản tiền 500 tỷ, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc Oceanbank cho Công ty Trung Dung vay tiền được thể hiện trong kết luận thanh tra. Kết luận thanh tra xác định, hợp đồng tín dụng này có nhiều sai phạm trong quy định cho vay.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn