Dự kiến Tòa phúc thẩm sẽ tuyên án vào chiều ngày 26/6, trước đó, Tòa đã dành thời gian cho phần tranh luận, đối đáp giữa các bị cáo, luật sư bào chữa và đại diện Viện Kiểm sát (VKS).
Các bị cáo nói lời sau cùng
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐQT, HĐTV PVN cho rằng, suốt 35 năm công tác đã luôn nỗ lực, cố gắng, phấn đấu, rèn luyện, hành động quyết liệt vì sự phát triển của đất nước. Tiếp tục đưa ra các quan điểm cho rằng mình không phạm tội như bản án sơ thẩm đã tuyên, bị cáo Đinh La Thăng đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét giải quyết vụ án một cách công tâm, khách quan, đúng pháp luật, thể hiện đúng tinh thần nhân đạo của Đảng, Nhà nước và tinh thần cải cách tư pháp.
Bị cáo Đinh La Thăng nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án để tuyên án.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN cho rằng, 37 năm công tác trong ngành dầu khí, bị cáo có nhiều cống hiến cho ngành. Bản thân bị cáo bị VKS đưa ra 3 quyết định truy tố, bị tòa xét xử với tổng mức hình phạt 30 năm tù. Trong thời gian bị bắt, bị cáo rất ân năn, hối hận, trong đó một phần là do yếu kém của chuyên môn, tin tưởng vào cấp dưới, phục tùng sự chỉ đạo của cấp trên. “Một điều đáng xấu hổ là bị cáo không kìm được lòng tham đã nhận tiền của Nguyễn Xuân Sơn từ nguồn tiền bất chính. Bị cáo rất ăn năn, hối hận với những việc mình đã làm”, bị cáo Quỳnh nói. Trình bày hoàn cảnh với tổng mức hình phạt cho bị cáo 30 năm tù khi đã 60 tuổi, bị cáo Ninh Văn Quỳnh có nguyện vọng đề nghị Hội đồng phúc thẩm xem xét hoàn cảnh, tình tiết để giảm nhẹ hình phạt, được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Trong lời sau cùng, bị cáo Vũ Khánh Trường - nguyên thành viên HĐTV PVN bày tỏ việc phải ra tòa là nỗi buồn đau với truyền thống gia đình cũng như quá trình cống hiến trong học tập và công tác. Theo bị cáo Trường, những sai sót của bị cáo không phải do tham ô, tư lợi, lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, sức khỏe có nhiều vấn đề, bố mới mất, mẹ tuổi già sức yếu là những người có công với cách mạng. Bị cáo Vũ Khánh Trường đề nghị Tòa xem xét công minh để bị cáo được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước.
Các bị cáo cũng là nguyên HĐTV PVN gồm: Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức đề nghị HĐXX xem xét quá trình cống hiến cho ngành Dầu khí; trong quá trình tố tụng đã thành khẩn khai báo để các bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Đề nghị y án sơ thẩm đối với ông Đinh La Thăng và đồng phạm
Trước đó, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên toà đã trình bày quan điểm giải quyết vụ án. Theo đại diện VKS, xét kháng cáo về hình phạt và bồi thường dân sự của các bị cáo thấy rằng, tính chất của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước gây thiệt hại đặc biệt lớn về tài sản, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn và uy tín của PVN, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước và ngành Ngân hàng, tạo dư luận xấu trong xã hội. “Trong vụ án này, ông Đinh La Thăng giữ vai trò chính khi đưa ra chủ trương trong việc cố ý làm trái và chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội. Quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm, bị cáo đã thành khẩn khai báo nên đã được Toà án cấp sơ thẩm áp dụng các tình tiết giảm nhẹ là có căn cứ, đúng pháp luật. Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo không xuất trình được chứng cứ gì mới để xem xét nên cần giữ nguyên hình phạt như quyết định của Toà án cấp sơ thẩm”, đại diện VKS cho biết.
Đối với bị cáo Ninh Văn Quỳnh, đại diện VKS xác định, bị cáo Quỳnh phạm tội với vai trò đồng phạm cùng bị cáo Thăng và các bị cáo khác. Hành vi của bị cáo Quỳnh gây hậu quả đặc biệt lớn cho PVN khi cùng đồng phạm làm thất thoát số tiền 800 tỷ đồng. Bản thân bị cáo Quỳnh còn nhận 20 tỷ đồng trái pháp luật do Nguyễn Xuân Sơn khi đó là Tổng Giám đốc OceanBank đưa nên bị cáo Quỳnh có vai trò quan trọng sau bị cáo Thăng. Quá trình điều tra và tại phiên toà sơ thẩm, bị cáo có thái độ thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng để sớm làm rõ bản chất của vụ án. Vậy nên khi lượng hình, Toà án cấp sơ thẩm đã xem xét, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi tuyên phạt bị cáo 7 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là đã giảm nhẹ hình phạt nên không có cơ sở để giảm nhẹ hơn nữa.
Đối với một số bị cáo khác, đại diện VKS cũng cho biết, Toà án cấp sơ thẩm xem xét và áp dụng giảm nhẹ hình phạt khi lượng hình. Do vậy, không có căn cứ để xem xét, giảm nhẹ hình phạt thêm nữa. Từ quan điểm của mình, đại diện VKS đề nghị HĐXX phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo kêu oan, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kháng cáo xin miễn giảm bồi thường thiệt hại của ông Đinh La Thăng và đồng phạm. Đồng thời, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Sơn đề nghị buộc bị cáo Quỳnh chịu trách nhiệm về số tiền 200 tỷ đồng mà Sơn khai đã đưa cho bị cáo Quỳnh. Đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX phúc thẩm tiếp tục kiến nghị cơ quan điều tra xác minh làm rõ về số tiền bị cáo Sơn khai đã đưa cho bị cáo Quỳnh để xử lý theo quy định của pháp luật.