Xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại PVN và PVC: Xét hỏi về hành vi lập khống hồ sơ, rút tiền dự án

09-05-2018 07:53 | Pháp luật
google news

SKĐS - Ngày 8/5, tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm vụ án Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và đồng phạm. Trong phần xét hỏi, HĐXX đã thẩm vấn các bị cáo về phương thức chuyển tiền giữa các đơn vị và cả các khoản tiền “chung chi” cho Trịnh Xuân Thanh.

Tiền tiêu cực nộp theo chỉ đạo

Đáng chú ý nhất trong phần trả lời thẩm vấn ở  ngày thứ 2 xét xử vụ án là những lời trình bày của bị cáo từng là cấp dưới Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Tại phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó tổng Giám đốc PVC về quá trình thực hiện các Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và Vũng Áng, Quảng Trạch cùng những hồ sơ khống rút tổng cộng hơn 10 tỷ đồng để tham ô. Bị cáo Minh nói: “Dự án Vũng Áng đã được trình cho HĐQT nên Ban điều hành chỉ thực hiện chứ không cần xin ý kiến. Riêng Dự án Quảng Trạch chưa có nên sau khi các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận đã chuyển công tác vẫn phải xin chữ ký để hợp thức hóa”.

Bị cáo Minh cũng khai trước Tết, Trịnh Xuân Thanh yêu cầu chuyển 5 tỷ đồng để “anh Thanh, anh Thuận đi đối ngoại, lễ Tết”. Tuy nhiên, khi đưa tiền thì chỉ đưa 4 tỷ, còn 1 tỷ thì khi hỏi bị cáo Thuận, bị cáo Thuận yêu cầu đưa cho bị cáo Thanh.

Trịnh Xuân Thanh khi đó nói: “Mày cầm lấy 1 tỷ đi lễ Tết giúp anh, chiều anh đi công tác” và số tiền này được giao lại cho bị cáo Minh sử dụng.

Bị cáo Bùi Mạnh Hiển - nguyên Chánh Văn phòng PVC khai đã nhiều lần đưa tiền cho Vũ Đức Thuận. Tuy nhiên, khoản tiền 20.000USD thì Thuận không thừa nhận, do đó Hiển phải tự chịu trách nhiệm và bồi thường. Theo lời Bùi Mạnh Hiển, việc yêu cầu chuyển tiền từ các đơn vị trực thuộc như các ban quản lý dự án lên cho lãnh đạo sử dụng là phổ biến, thường xuyên. HĐXX hỏi: “Có phải ở tổng công ty nhiều tiền quá, toàn tiền ngân sách nên đưa, nhận, tiêu tiền dễ dàng quá không?”. Trả lời HĐXX, bị cáo Hiển cho biết: “Ở công ty cứ đưa tiền thoải mái, không bao giờ có giấy tờ gì hay ai chứng kiến, kể cả việc đưa tiền giữa các lãnh đạo khác cũng vậy”.

Khi được hỏi, vì sao có chủ trương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nộp tiền về, bị cáo Vũ Đức Thuận nói: “Bị cáo chỉ ra chủ trương các đơn vị phải nộp tiền về chứ không biết các đơn vị làm hồ sơ khống để lấy tiền chuyển”. Về vấn đề này, Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn - Chủ tọa phiên tòa bày tỏ: “Đây là chủ trương vi phạm pháp luật, mà mới chỉ điều tra, kết luận ở một dự án thôi. Quản lý kinh tế thế nào mà không cần biết lợi nhuận, thua lỗ ra sao, cứ buộc chuyển tiền để tiêu xài, bị cáo có nhận thức được không?”.

Các bị cáo tại phiên xét xử phúc thẩm.

Các bị cáo tại phiên xét xử phúc thẩm.

Rút kháng cáo, Trịnh Xuân Thanh được đình chỉ xét xử

Trước đó, về hành vi tham ô tài sản, bản án sơ thẩm xác định, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề ra chủ trương và cùng Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ, rút trên 13 tỷ đồng từ Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng.

Tại phiên xét xử sơ thẩm trước đó, HĐXX đã kết luận bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN cùng đồng phạm đã chỉ định cho PVC ký hợp đồng EPC xây dựng dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 dù biết PVC không đủ năng lực.

Tiếp đến, các bị cáo cho PVC ứng tiền sai quy định, tạo điều kiện cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch PVC và các đồng phạm cấp dưới chi tiền sai mục đích, gây thiệt hại 119 tỷ đồng. Từ đó, Tòa sơ thẩm tuyên phạt 13 năm tù với bị cáo Thăng về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; chung thân với bị cáo Trịnh Xuân Thanh về các tội “Cố ý làm trái...” và “Tham ô tài sản”; các bị cáo khác nhận án từ 30 tháng tù tới 22 năm tù giam; liên đới bồi thường phần dân sự. Sau phiên sơ thẩm, 15 trong số 22 bị cáo kháng cáo trong đó Trịnh Xuân Thanh xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, dân sự với cả hai tội danh. Con trai ông Thanh là anh Trịnh Hùng Cường - người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo việc tòa cấp sơ thẩm tuyên kê biên nhà và xe của mình.

Tuy nhiên, trước khi mở tòa, Thư ký thông báo, Trịnh Xuân Thanh đã rút đơn kháng cáo trong vụ án này và vụ tham ô tài sản xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) đồng thời xin không có mặt tại tòa vì lý do sức khỏe. Từ đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm với Trịnh Xuân Thanh. Tương tự, Trịnh Hùng Cường khi trả lời câu hỏi của HĐXX phúc thẩm cũng cho biết xin rút kháng cáo, từ chối đòi lại tài sản bị kê biên.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn