Hà Nội

Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm vụ gây thiệt hại 800 tỷ đồng: Xác định rõ trách nhiệm đối với việc góp vốn, thu hồi vốn của PVN

21-03-2018 06:54 | Pháp luật
google news

SKĐS - Ngày 20/3, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tiếp tục phiên xét xử với bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN và các đồng phạm trong vụ cố ý làm trái trong góp vốn vào OceanBank, gây thiệt hại cho PVN 800 tỷ đồng. Đại diện Viện Kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại phiên tòa đã tham gia xét hỏi cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng.

VKS liên tục đề nghị ông Thăng trả lời đúng trọng tâm

Trong phần xét hỏi ông Đinh La Thăng, đại diện VKS nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đã yêu cầu bị cáo xác định rõ trách nhiệm của mình đối với việc góp vốn, trách nhiệm thu hồi vốn của PVN khi thực sự OceanBank thua lỗ... Ông Thăng trả lời: “HĐQT có trách nhiệm quản lý phần vốn Nhà nước giao, bảo toàn và phát triển số vốn này. Thực tế, PVN trong suốt thời gian bị cáo là Chủ tịch HĐQT và là Chủ tịch HĐTV sau này...”. Tuy nhiên, VKS đã ngắt lời, đề nghị ông Thăng trả lời đúng trọng tâm câu hỏi và đặt câu hỏi tiếp theo.

Đại diện VKS, hỏi đến thời điểm hiện nay, khoản vốn của PVN là 800 tỷ đồng góp vốn vào OceanBank có thu hồi được không? Bị cáo Đinh La Thăng không trả lời thẳng vào câu hỏi, ông nói, trong thời gian bị cáo làm Chủ tịch HĐQT của PVN, việc đầu tư vào các dự án đều có hiệu quả. Trước cách trả lời này, đại diện VKS đã đề nghị bị cáo trả lời rõ có hay không. “Đến cuối tháng 7/2011, bị cáo không còn ở PVN nữa, trách nhiệm biết hay không biết không thuộc trách nhiệm của bị cáo”, bị cáo Thăng trả lời.

Trả lời về nội dung liên quan đến thủ tục để PVN góp vốn vào OceanBank, bị cáo Thăng cho rằng đã làm đúng. “Đấy là suy nghĩ của bị cáo. Bây giờ chúng tôi đang hỏi Nghị quyết 7289 của HĐQT được bị cáo ký ngày 1/10/2008, đến tận 17/10/2008, Thủ tướng Chính phủ mới có ý kiến về nghị quyết đó. Như vậy khi bị cáo ban hành nghị quyết đã có ý kiến đồng ý của Thủ tướng chưa?”, đại diện VKS thẩm vấn. Bị cáo Thăng nói, HĐQT chỉ thống nhất việc báo cáo Thủ tướng xin mua cổ phần của OceanBank. Khi được Thủ tướng đồng ý, PVN mới thực hiện việc đó.

Đại diện VKS hỏi thêm, Nghị quyết HĐQT của PVN đó có căn cứ vào ý kiến của Thủ tướng Chính phủ không? Bị cáo Thăng cho rằng, nghị quyết đó chưa cần phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, vì nghị quyết đó không mang tính quyết định việc đầu tư ra ngoài. “Vậy nghị quyết nào quyết định việc tham gia góp vốn”, đại diện VKS hỏi. Bị cáo Thăng cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý thì tập đoàn mới quyết định đầu tư.

VKS kết luận, nhận thức của bị cáo Đinh La Thăng là nhận thức của cá nhân bị cáo. Nhưng hành vi của bị cáo trong quá trình thực hiện đã thể hiện khi bị cáo ký Nghị quyết góp vốn lần thứ nhất của HĐQT chưa có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Lần thứ hai bị cáo ủy quyền ký nghị quyết góp vốn lần 2, bị cáo chưa xin ý kiến của Thủ tướng. Việc bị cáo không thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cũng như bộ, ban, ngành, VKS thấy không có gì cần hỏi thêm bị cáo.

Bị cáo Đinh La Thăng trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử.

Bị cáo Đinh La Thăng trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử.

Đối chất làm rõ các lần góp vốn

Trước đó, trong ngày 19/3, HĐXX đã tiến hành đối chất giữa các bị cáo, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhằm làm rõ trách nhiệm của các bị cáo trong việc thực hiện 3 lần góp vốn vào OceanBank. Theo truy tố của VKS, bị cáo Đinh La Thăng ký Thỏa thuận số 6934 ngày 18/9/2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) thống nhất chủ trương PVN sẽ tham gia góp vốn với tỷ lệ tối đa là 20% khi OceanBank tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Bị cáo Thăng ký thỏa thuận này mà không tổ chức cuộc họp HĐQT, không lấy ý kiến các thành viên HĐQT PVN.

Tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng đã thừa nhận có ký Thỏa thuận số 6934 và cho rằng việc ký thỏa thuận góp vốn vào OceanBank chỉ là để giải quyết hệ lụy của việc thành lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Hồng Việt không thành. Theo bị cáo Thăng, thỏa thuận này hoàn toàn không phải là tiền đề cho các nghị quyết, quyết định góp vốn sau này. Việc ký thỏa thuận không bắt buộc phải thông qua HĐQT, mà theo điều lệ của PVN thì chỉ các nghị quyết, quyết định mới phải buộc phải thông qua HĐQT.

Đối với Nghị quyết 4266 ngày 16/5/2011 quyết định về việc góp vốn lần thứ ba (100 tỷ đồng) của PVN vào OceanBank, bị cáo Đinh La Thăng khai thời điểm đó đi công tác, bị cáo Thăng ủy quyền điều hành cho bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên HĐTV PVN) nhưng không ủy quyền cho Thắng ký bất kỳ nghị quyết nào. Bị cáo Thăng cho rằng, trong Điều lệ của PVN có quy định người được ủy quyền cũng không có trách nhiệm phải báo cáo lại cho bị cáo Thăng. Do đó, bị cáo Thăng khẳng định mình hoàn toàn không biết Nghị quyết 4266.

Tuy nhiên, đối chất tại tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Thắng cho biết, sau khi bị cáo Đinh La Thăng đi công tác về thì đã báo cáo trực tiếp với bị cáo Thăng. Về vấn đề này, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng bản thân có quá nhiều việc phải làm, ký nhiều nghị quyết nên không kiểm soát hết và cho biết “nếu biết đã cho dừng việc góp vốn này”.

Tòa tiếp tục cho bị cáo Đinh La Thăng đối chất với bà Nguyễn Thị Thủy Tiên (nguyên Thư ký HĐTV PVN). Bà Thủy Tiên cho biết đã chuyển Nghị quyết 4266 cho bà Bùi Hà Châu (nguyên chuyên viên giúp việc HĐTV PVN). Tại tòa, bà Bùi Hà Châu cho biết đã chuyển Nghị quyết 4266 lên bàn làm việc của bị cáo Đinh La Thăng. Sau đó, bà Châu đã nhận lại văn bản nghị quyết này, thể hiện bằng chữ “R” trên góc của văn bản.

Trước những nội dung đối chất trên, bị cáo Đinh La Thăng nhận trách nhiệm người đứng đầu, người ủy quyền. Tuy nhiên, bị cáo Thăng cho rằng sự việc diễn ra trong thời gian bị cáo đi công tác gần chục ngày, khi về thì có rất nhiều tài liệu được bị cáo phê duyệt nên không để ý đến nội dung văn bản.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn