Hà Nội

Xét xử đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á: Một số bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội

12-12-2018 10:20 | Pháp luật
google news

SKĐS - Ngày 11/12, TAND TP. HCM tiếp tục xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB).

Tại phiên tòa, luật sư và các bị cáo trong vụ án tiếp tục trình bày trước HĐXX quan điểm bào chữa.

Tại phiên tòa, sau phần trình bày bào chữa của luật sư, bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến (SN 1958, nguyên Phó Tổng giám đốc DAB) đã tự bào chữa cho mình. Theo bị cáo Xuyến, vào thời điểm 1996 - 1997, bà bắt đầu chuyển sang làm việc tại DAB, dù lúc đó đang là cán bộ trong cơ quan Nhà nước, với mức thu nhập khá. Bị cáo Xuyến cho biết sở dĩ chuyển sang làm việc tại DAB vì mong muốn cống hiến tốt hơn cho đất nước. Bởi làm trong tổ chức tài chính có thể giúp nhiều người có vốn làm ăn, trong điều kiện tín dụng đen lúc đó phát triển mạnh. Về lý do đứng tên cổ phần giúp bị cáo Trần Phương Bình, theo bị cáo Xuyến là do tin tưởng và xem ông Bình như người anh nên đưa tên của mẹ và người thân đứng tên cổ phần giúp ông Bình, không tính toán thiệt hơn, không đòi hỏi quyền lợi cho bản thân.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Trước khi kết thúc phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Xuyến thừa nhận sai phạm và mong HĐXX nhận xét khách quan. Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến tổng cộng 30 năm tù cho 2 tội danh như bị cáo Trần Phương Bình “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Đồng thời bị cáo Xuyến phải chịu trách nhiệm cá nhân về số tiền chiếm đoạt 40 tỷ đồng, liên đới chịu trách nhiệm chiếm đoạt và gây thiệt hại cho DABank số tiền hơn 1.574 đồng.

Bị cáo Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn Hội sở DAB) thừa nhận, mình có phần trách nhiệm trong việc chi lãi ngoài và thể hiện sự ăn năn, hối cải dù trước đó bị cáo kêu oan. Bị cáo cho biết, bản thân chỉ là người làm công ăn lương chứ không hưởng lợi gì từ hành vi trên, vì vậy mong HĐXX xem xét cho mình.

Bào chữa cho bị cáo Lan, luật sư không tranh luận về tội danh nhưng cho rằng mức án đề nghị từ 10-12 năm tù là quá nặng. Theo luật sư, về hành vi của bị cáo Lan giúp sức cho bị cáo Bình cố ý làm trái gây thiệt hại cho DAB trong việc kinh doanh ngoại hối, theo luật sư, bị cáo Lan chỉ là nhân viên thực hiện công việc theo quy trình có sẵn của DAB. Bị cáo Lan không ý thức được việc kinh doanh ngoại tệ trái phép và lập phiếu thu ngoại tệ là khống. Bị cáo không có động cơ, mục đích khi thực hiện hành vi lập phiếu thu, chỉ thực hiện vì tin tưởng mình đang làm đúng theo quy trình của DAB. Bị cáo Lan chỉ làm việc theo quy trình sẵn có tại ngân hàng là lập phiếu thu khi có quyết định nhập khẩu ngoại tệ và đề nghị thanh toán của Phòng Kinh doanh. Số tiền USD này sau đó được thủ quỹ thu đủ, như vậy phiếu thu này là có thực, không phải khống như quy kết. Còn nguồn ngoại tệ này có từ đâu thì theo quy trình DAB, bị cáo Lan với tư cách nhân viên Phòng Nguồn vốn không có nhiệm vụ phải xác minh làm rõ.

Bị cáo Lan không liên quan đến việc xuất vàng và tiền mặt mua USD bù âm quỹ tại DAB. Bởi lẽ hành vi cố ý làm trái của bị cáo Bình đã hoàn thành từ thời điểm năm 2005, khi xảy ra thua lỗ. Vì vậy, việc bị cáo Bình chỉ đạo lập hồ sơ nhập khống ngoại tệ và xuất quỹ vàng, tiền mặt để mua ngoại tệ bù quỹ chỉ là hành vi nhằm che giấu khoản lỗ này. Hành vi che giấu thực tế không gây thiệt hại cho DAB vì thiệt hại đã xảy ra trước đó. Theo luật sư, hành vi lập phiếu thu của bà Lan xảy ra sau thời điểm hậu quả thua lỗ xảy ra, tức thời điểm tội phạm hoàn thành đối với hành vi cố ý làm trái của ông Bình trong việc kinh doanh ngoại hối.

Theo cáo trạng, bị cáo Lan bị truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong việc kinh doanh ngoại hối trái phép và chi lãi suất ngoài trái phép. Tổng cộng gây thiệt hại cho DAB hơn 820 tỷ đồng nên phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền này.

Cũng tại phiên tòa, bị cáo Phạm Văn Phước - nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Lương thực Nam Định thừa nhận hành vi phạm tội. Ông Phước cũng thể hiện sự hối hận về việc mình đã làm và mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt. Đồng tình với thân chủ, luật sư của bị cáo Phước khẳng định ông không tư lợi, đồng thời cho biết gia đình đã khắc phục được 100 triệu đồng. Do vậy, luật sư đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm cho bị cáo.


T. Vinh
Ý kiến của bạn