Xét xử đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á: Kiến nghị điều tra nhiều cá nhân, tổ chức

10-12-2018 07:11 | Pháp luật
google news

SKĐS - Ngày 8/12, TAND TP. HCM phiên tòa xét xử Trần Phương Bình - cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á (DAB), Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) và 24 bị cáo tiếp tục với phần tranh luận.

Trước đó, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đã đọc phần luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Đề nghị bị cáo Trần Phương Bình mức án chung thân, Vũ “nhôm” 15-17 năm tù giam

Theo VKS, là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch HĐTD DAB, bị cáo Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho DAB hơn 3.600 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm ngày 31/12/2015, lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng. Trong hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của DAB số tiền hơn 2.000 tỷ đồng, các bị cáo được VKS xác định được hưởng lợi gồm Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phan Văn Anh Vũ. Trong đó, riêng việc mua hơn 74 triệu cổ phần bằng với các hành vi lập khống chứng từ, làm sai quy định của luật kế toán, điều vốn khống, thủ tục khống... các bị cáo đã chiếm đoạt khoảng 1.600 tỷ đồng

Đối với các hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại của DAB khoảng 1.600 tỷ đồng, Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến, Nguyễn Thị Ái Lan, Nguyễn Đức Vinh, Đỗ Thanh Hùng, Lê Kiên Giang... thực hiện hành vi xuất quỹ chi sai nguyên tắc để chi lãi ngoài huy động vốn, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về trần lãi suất; cố ý làm trái trong việc kinh doanh ngoại hối, kinh doanh vàng tài khoản không được phép...

Theo VKS, bị cáo Trần Phương Bình giữ vai trò chỉ đạo, bất chấp mọi thủ đoạn để hưởng lợi và đã kéo rất nhiều nhân viên khác vướng vòng lao lý. Bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến là đồng phạm với vai trò giúp sức tích cực, đã lợi dụng chỉ đạo của bị cáo Bình và cũng được hưởng lợi từ các hành vi sai trái này. Phan Văn Anh Vũ đồng phạm với Trần Phương Bình chiếm đoạt của DAB hơn 203 tỷ đồng của DAB. Tuy nhiên, do đã tác động gia đình khắc phục một phần hậu quả nên VKS đề nghị giảm một mức hình phạt đối với Phan Văn Anh Vũ.

Theo đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Trần Phương Bình mức án tù chung thân về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; 20 năm tù tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tổng hợp hình phạt tù chung thân. Nguyễn Thị Kim Xuyến bị đề nghị 30 năm tù giam cho hai tội danh trên. Đối với tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Phan Văn Anh Vũ bị đề nghị 15-17 năm tù giam. Các bị cáo khác bị đề nghị cao nhất là 18 năm tù giam, thấp nhất là 24 tháng tù treo. Các bị cáo được hưởng lợi phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho DAB.

Các bị cáo nghe đại diện VKS đọc bản luận tội và đề nghị mức án.

Các bị cáo nghe đại diện VKS đọc bản luận tội và đề nghị mức án.

Kiến nghị điều tra trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước

Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS đề nghị buộc bị cáo Trần Phương Bình phải bồi thường số tiền hơn 3.500 tỷ đồng cho DAB; Nguyễn Thị Kim Xuyến liên đới bồi thường hơn 1.500 tỷ đồng; Phan Văn Phước bồi thường 9,23 tỷ đồng; Nguyễn Hồng Ánh bồi thường 53 tỷ đồng. Các bị cáo phải bồi thường cả lãi suất phát sinh tính từ ngày khởi tố vụ án cho DAB. Ngoài ra, buộc Phan Văn Anh Vũ trong vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải bồi hoàn 13,4 triệu USD và 90,5 tỷ đồng cho DAB.

Đại diện VKS đề nghị tịch thu toàn bộ các tài sản, cổ phần, tiền đang bị kê biên phong tỏa trong vụ án đã xác định là của bị cáo Trần Phương Bình hoặc do các bị cáo khác đứng tên cho bị cáo Bình để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án; thu hồi các khoản tiền được xác định là vật chứng của vụ án để khắc phục hậu quả cho DAB.

Về phần kiến nghị, đại diện VKS cho rằng, căn cứ vào hồ sơ và kết quả thẩm vấn tại phiên tòa cần kiến nghị điều tra bà Võ Thị Kim Anh (nguyên Trưởng phòng Kế toán tại Hội sở DAB) có dấu hiệu về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; điều tra ông Trần Huy Nam (nguyên Giám đốc DAB - Chi nhánh Nam Định) có dấu hiệu đồng phạm với Phạm Văn Phước về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Đáng chú ý, đại diện VKS cho rằng cần điều tra làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cá nhân có liên quan của NHNN trong việc: Cơ quan này đã nhiều lần chấp nhận cho DAB tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng (năm 2007) lên 5.000 tỷ đồng (năm 2014) mà không phát hiện Trần Phương Bình đã dùng thủ đoạn lập các chứng từ thu khống, lập các hợp đồng tín dụng cho khách hàng vay khống (thực chất là công ty sân sau), sau đó tất toán khống để chiếm đoạt tiền của DAB để mua hơn 74 triệu cổ phần cho mình và mang tên người thân.

Điều tra làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cá nhân của Cơ quan thanh tra giám sát NHNN Chi nhánh TP.HCM khi đã 13 lần thanh tra kiểm tra nhưng không phát hiện Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới lập các hợp đồng tín dụng cho khách hàng vay khống tiền, vàng; hạch toán mua bán vàng khống; chi lãi ngoài; lập chứng từ điều vốn khống từ chi nhánh về hội sở và ngược lại. Bên cạnh đó, đại diện VKS cũng đề nghị điều tra làm rõ trách nhiệm của hai Công ty Kiểm toán độc lập trong việc kiểm toán kiểm quỹ mà không phát hiện hành vi điều chuyển vốn khống của Trần Phương Bình.


T. Vinh
Ý kiến của bạn