Hụt hẫng sau nhiều ngày chờ đợi phiên tòa
Sáng 10/8, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản về tội lừa dối khách hàng tại TAND TP Hà Nội, do còn một số nội dung chưa thể làm rõ tại phiên tòa nên HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án.
Ngay sau khi chủ tọa Lưu Cảnh Ngọc tuyên bố bế mạc phiên xét xử, nhiều cư dân sống tại chung cư CT6C tham dự phiên tòa với tư cách bị hại tỏ ra bất ngờ và thất vọng với thông tin trên.
Đa số cư dân có mặt cho biết đã theo đuổi đòi quyền lợi chính đáng suốt 10 năm qua và rất kỳ vọng vào phiên tòa hôm nay (10/8). Tuy nhiên, sau phần đọc cáo trạng hơn 1 tiếng của kiểm sát viên, phần xét hỏi diễn ra khá chóng vánh thì HĐXX tuyên bố trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án.
Nhiều người dân tỏ ra bức xúc khi HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án ông Lê Thanh Thản bị cáo buộc lừa dối khách hàng.
Anh Nguyễn Thế Chung, cư dân tại căn hộ 1803 tòa CT6C chia sẻ: "Hôm nay chúng tôi không đồng ý với phiên xét xử của tòa, hơn 10 năm chúng tôi đi kiện mất rất nhiều thời gian và chi phí cơ hội... Nếu cần thiết chúng tôi sẽ kiện tiếp lên TAND tối cao".
Trong khi đó, một cư dân sở hữu 2 căn hộ tại tòa CT6C tỏ ra bức xúc: "Tòa án hôm nay thiếu tôn trọng cư dân, chúng tôi đến để phát biểu ý kiến, nguyện vọng của chúng tôi. Sổ đỏ không cấp được thì phải cho chúng tôi quyền công dân chứ (?!)".
Nguyện vọng được bồi thường thỏa đáng để ổn định cuộc sống
Sáng ngày 10/8, ngay từ sáng sớm, nhiều người dân hiện đang sinh sống tại Chung cư CT2 Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) đã đến để theo dõi phiên xét xử.
Nhiều người đến đây với mong muốn sớm được nghe phán quyết của tòa trong việc xác định đền bụ thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống. Đa số ý kiến ghi nhận, người dân mong muốn chính quyền có thể cấp sổ đỏ đối với căn hộ mà họ đang sinh sống. Cùng với đó là các chi phí mà họ đã bỏ ra trong hơn 10 năm qua khi theo đuổi vụ kiện.
Mong muốn của người dân tại phiên tòa xét xử Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh.
Nhiều người cho rằng, họ đã quá mệt mỏi khi phải "chạy theo" vụ kiện này suốt 10 năm qua. Nhà không có sổ đỏ đồng nghĩa với mất đi nhiều quyền lợi: Không thể sở hữu tài sản của chính mình, đương nhiên không thể thế chấp vay ngân hàng, không thể đăng ký hộ khẩu thường trú, con cái không được đi học đúng tuyến tại nơi sinh sống hay hàng loạt các bất tiện khác. Do đó, không ít người chờ đợi vào phiên tòa hôm nay mọi việc sẽ được giải quyết.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, ông Trần Văn Tích - người sở hữu căn hộ có diện tích rộng nhất tòa CT6C (hơn 94m2) cho biết: "Đầu tiên là chúng tôi mong muốn được xem xét cấp sổ đỏ đối với căn hộ. Trường hợp không được thì tính đến phương án bồi thường thỏa đáng. Đó là hoàn trả lại số tiền chúng tôi đã thanh toán mua căn hộ, thêm vào đó là phần trượt giá bất động sản, thiệt hại về tinh thần,...".
Anh Phạm Ngọc Quyền, hiện sống tại căn hộ 1402 chung cư CT6C chia sẻ: "Là người quê ở Nam Định lên đây sinh sống nên mong muốn an cư lập nghiệp. Mình mua bất động sản thì cũng muốn có quyền sở hữu bất động sản đó. Nếu mình muốn đầu tư có sổ đỏ mới vay vốn ngân hàng được, sau đó mới có vốn để làm ăn.
Ngoài ra, chỗ mình thì có những căn hộ được đăng ký hộ khẩu thường trú có căn thì không được. Do cơ quan xác định đây là căn hộ sai phạm trong quá trình xây dựng nên với những người mới mua cũng không đăng ký hộ khẩu thường trú được nữa. Khổ hơn, muốn đăng ký cho con học đúng tuyến cũng không được".
Theo ghi nhận của PV, với hàng trăm bị hại được xác định theo cáo trạng của VKSND TP Hà Nội, mong muốn giải quyết vấn đề bồi thường cũng được nêu ra với nhiều ý kiến khác nhau. Có bị hại mong muốn tính giá căn hộ theo giá trị thị trường hiện tại lấy theo các khu vực lân cận, có người lấy căn cứ theo tham khảo "cò đất" và thông tin bán căn hộ tại tòa CT6C trên mạng xã hội, có người lấy căn cứ giá căn hộ ở huyện Thanh Trì, trong khi đó có những bị hại chỉ mong muốn được nhận lại số tiền mà họ đã bỏ ra để mua căn hộ ban đầu.
Có thể thấy, việc theo đuổi đòi quyền lợi chính đáng của hàng trăm hộ dân sinh sống tại chung cư CT6C vẫn sẽ còn tiếp diễn, ít nhất cho đến lúc kết thúc việc điều tra bổ sung và phiên tòa tiếp theo được mở lại. Hoặc cũng có thể sớm hơn là tìm được tiếng nói chung với bị cáo về phương án đền bù thiệt hại.
Trả lời trước tòa, bị cáo Lê Thanh Thản cho biết công ty sẽ tiến hành đàm phán với người dân trên tinh thần hợp tình hợp lý nhất. Đồng thời, trình bày ba phương án khắc phục hậu quả.
Thứ nhất, Công ty Bemes sẽ có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội có phương án cấp sổ đỏ cho các căn hộ của cư dân.
Thứ hai, Công ty Bemes sẽ trao đổi thỏa thuận với các cư dân về việc đưa họ xuống ở tại Khu chung cư Thanh Hà, Cienco5 (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội).
Thứ ba, Công ty Bemes sẽ mua lại căn hộ của các cư dân.