Hà Nội

Xét xử các bị cáo vụ sửa điểm thi THPT Quốc gia 2018 ở Hà Giang: Làm rõ hành vi giúp nâng điểm cho 93 thí sinh

19-10-2019 07:46 | Pháp luật
google news

SKĐS - Sáng 15/10, phiên tòa xét xử 5 bị cáo vụ sửa điểm thi THPT Quốc gia 2018 ở Hà Giang sang ngày làm việc thứ 2.

Mở đầu, HĐXX, đại diện VKS và luật sư tiếp tục thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) để làm rõ hành vi giúp nâng điểm cho 93 thí sinh. Các “nhân vật bí ẩn” cũng dần hé lộ qua 2 ngày xét xử...

Nâng điểm vì “tình cảm” và “tự nguyện”...

Bị cáo Hoài nhiều lần khẳng định bản thân chỉ nhận lời giúp nâng điểm thi cho 93 thí sinh là do “tình cảm bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm”.Cựu Trưởng phòng Khảo thí khẳng định không hề nhận vật chất hay thỏa thuận, trao đổi hứa hẹn nào khác khi nhận các bản danh sách thí sinh cần sửa điểm thi.

Đại diện VKS băn khoăn về việc vì sao Hoài chỉ quen biết một nửa trong số 47 người nhờ nâng điểm cho 93 thí sinh thì Hoài khai rằng do quen biết người nhờ vả chứ không vì bất cứ lợi ích vật chất nào.

Sau khi kết thúc xét hỏi Nguyễn Thanh Hoài, HĐXX chuyển sang thẩm vấn bị cáo Phạm Văn Khuông (cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang). Theo cáo buộc, ông Khuông không tham gia trong Hội đồng thi nhưng ông ta đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho con mang số báo danh 05000284. Sau đó, thí sinh này được nâng 13,3 điểm.

Ông Khuông trình bày ngày 27/6, ông gọi bị cáo Hoài rồi báo “anh sợ con anh trượt tốt nghiệp”. Hoài gật đầu bảo “em hiểu”. Sau đó, tôi cũng không liên hệ gì với các bị cáo khác. Trước truy vấn của chủ tọa: “Vậy bị cáo có nhờ Hoài nâng điểm không?”, bị cáo Khuông khai không đề nghị nâng điểm môn nào mà “chỉ nhờ chung chung vậy thôi” và “Việc nâng đó là anh Hoài tự nguyện”.

Toàn cảnh phiên toà.

Toàn cảnh phiên toà.

Nâng điểm khởi nguồn từ việc 5 cán bộ, lãnh đạo thuộc Sở GD&ĐT Hà Giang nhờ

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài thừa nhận bản thân là người chủ mưu can thiệp sửa chữa nâng điểm cho các thí sinh ở Hà Giang. Ý định can thiệp nâng điểm khởi nguồn từ việc 5 cán bộ, lãnh đạo thuộc Sở GD&ĐT Hà Giang nhờ bị cáo nâng điểm cho con em họ trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Nhận được đề nghị, Nguyễn Thanh Hoài trao đổi với cấp dưới là Vũ Trọng Lương. Sau khi bị cáo Lương kiểm tra kỹ và phản hồi có thể can thiệp, sửa bài, nâng điểm, Nguyễn Thanh Hoài 3 lần đưa cho Lương thông tin các thí sinh cần nâng điểm.

Theo lời khai, bị cáo Triệu Thị Chính đã đưa mẩu giấy khổ A4, chữ đánh máy có danh sách kèm theo các thông tin số báo danh, địa điểm thi về 13 thí sinh nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm. Bị cáo Chính nói đây là con em lãnh đạo và đồng nghiệp, anh xem xét nâng điểm môn Văn cho các thí sinh này.

Nguyễn Thanh Hoài thừa nhận, nếu bị cáo Lương không giúp, bị cáo không thể nâng điểm được cho các thí sinh. Vì bị cáo không được tập huấn về kỹ thuật. Ngoài kỹ thuật viên, không ai giúp được việc sửa chữa, nâng điểm bài thi. Sở chỉ có 2 người là bị cáo Lương và Lê Thị Như Quỳnh là kỹ thuật viên được tập huấn kỹ thuật và trong tổ chấm bài trắc nghiệm.

Trước đó, trong phiên xét xử chiều ngày 14/10, HĐXX xác định trong quá trình điều tra có thu được 1 mẩu giấy có ghi “Lão Phật gia nhờ” kèm theo mã số báo danh của một thí sinh. HĐXX hỏi bị cáo Hoài về danh tính của “Lão Phật gia” là ai? Trả lời HĐXX, bị cáo Hoài khai “Lão Phật gia là bà Tống Thị Bê - Chủ tịch Công đoàn Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, đã nghỉ hưu từ năm 2012”. Theo bị cáo biết, mẩu giấy này có từ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do “Lão Phật gia”  nhờ xem điểm, không phải trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. “Trước đây, trong phòng khảo thí, nhiều anh em biết tên gọi này. Tuy nhiên, mã số trong mẩu giấy không phải là mã số báo danh của kỳ thi THPT Quốc gia 2018”, bị cáo Hoài khai tại tòa.

Phiên toà sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang dự kiến diễn ra trong 3 ngày: 14, 15, 16/10. Các bị cáo gồm: Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương - nguyên Trưởng và Phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Triệu Thị Chính - nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, quy định tại Điều 358 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Phạm Văn Khuông - nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang và Lê Thị Dung - nguyên Phó Đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang bị truy tố về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, quy định tại Điều 366 Bộ luật Hình sự.

Các cơ quan tố tụng xác định 5 bị cáo nêu trên đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, thực hiện hành vi sửa bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh. Trong đó, thí sinh được nâng điểm cao nhất là 29,95 điểm với 4 môn, người thấp nhất 2,2 điểm đối với 1 môn.

HĐXX đã công khai danh tính của một số phụ huynh nhờ nâng điểm cho con cháu, đáng chú ý bao gồm: Triệu Thị Giang (em gái ông Triệu Tài Vinh) nhờ nâng điểm cho cháu; chị Phượng (Phó Chủ tịch huyện Vị Xuyên); Triệu Văn Nam; Vũ Thị Kim Chung; Nguyễn Văn Thành (Công an TP. Hà Giang)...Ngoài ra, bị cáo Hoài còn khai thêm một số tên phụ huynh nhờ nâng điểm là: ông Phạm Văn Khuông (cựu Phó Giám đốc Sở) nhờ nâng điểm cho con; La Thị Thúy Chinh (Trưởng phòng Tổ chức cán bộ) và Nguyễn Thị Kim Tuyến nhờ nâng điểm thi cho con...


Bình An - Minh Long
Ý kiến của bạn