Dự thảo kế hoạch tuyển sinh đại học năm 2023 được Bộ GD&ĐT xây dựng chi tiết để cơ sở đào tạo, thí sinh và các bên liên quan triển khai đồng bộ, chủ động xây dựng các kế hoạch cụ thể của đơn vị, cá nhân; Đảm bảo công tác tuyển sinh năm 2023 diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế và các văn bản liên quan; tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và cơ sở đào tạo.
Điểm mới về thời gian xét tuyển đại học năm 2023
Năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến giữ ổn định công tác tuyển sinh đại học như năm trước, không ban hành quy chế tuyển sinh mới. Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh trực tuyến, trên hệ thống chung.
Điểm mới về thời gian xét tuyển đại học năm nay, lịch xét tuyển đại học dự kiến sớm hơn năm ngoái. Theo đó, thí sinh diện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển nộp hồ sơ trước 30/6, nhận kết quả trước 5/7 và xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước 17h ngày 15/8. Với các phương thức xét tuyển sớm, các trường hoàn thành và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống từ 4/7.
Từ ngày 5/7 đến 25/7, tất cả thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Sau đó, thí sinh có 11 ngày để nộp lệ phí xét tuyển, từ 26/7, nhận kết quả (điểm chuẩn) ngày 14/8 và xác nhận nhập học đợt 1 trước 17h ngày 30/8.
Riêng khối ngành đào tạo sức khỏe, giáo viên, Bộ sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hôm 20/7. Từ đó, các trường đào tạo ngành này đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn).
Như vậy, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay chỉ còn hai tuần, trong khi năm 2022 là một tháng. Thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học cũng sớm hơn một tháng so với mốc 17/9 và 30/9 của năm ngoái.
Lý giải việc rút ngắn thời gian, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lịch thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào tháng 7. Năm nay khi cuộc sống đã quay trở lại trạng thái bình thường nên kỳ thi cũng được tổ chức sớm hơn. Kéo theo đó, lịch tuyển sinh của các trường đại học cũng được đẩy lên sớm hơn để ngay trong đầu tháng 9 có thể cho sinh viên nhập học.
Tuyển sinh không chỉ là việc riêng của mỗi trường đại học
Tại hội nghị tuyển sinh năm 2023 vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 3/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, hàng năm, công tác tuyển sinh luôn là nhiệm vụ quan trọng, là chủ thể quan tâm của toàn xã hội. Mỗi năm, tuyển sinh đại học, cao đẳng tác động trực tiếp, hệ trọng tới trước hết gần 1 triệu học sinh lớp 12 và cả 2 triệu học sinh lớp 10, 11; cùng với từng đó số gia đình - chiếm ít nhất khoảng 5% dân số.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, việc gần 600.000 học sinh mỗi năm vào học trường nào, ngành nào là một trong những yếu tố quyết định tương lai không chỉ của bản thân từng học sinh và gia đình, mà còn là tương lai của đất nước, toàn xã hội.
Mỗi học sinh, gia đình đều mong muốn đạt sự lựa chọn tốt nhất, sự lựa chọn tối ưu theo nguyện vọng, năng lực và điều kiện, trong kỳ tuyển sinh thuận lợi, tin cậy, công bằng và minh bạch.
Mỗi thầy, cô dạy học THPT đều mong muốn học trò của mình, lớp học của mình có nhiều em đỗ đạt vào các trường tốp trên. Các nhà trường và địa phương đều mong muốn tỉ lệ cao học sinh của mình trúng tuyển vào đại học, cao đẳng.
Mỗi trường đại học đều mong muốn tuyển được nhiều sinh viên giỏi, vào đủ chỉ tiêu các ngành học. Bởi vì khả năng thu hút thí sinh vào học trước hết cũng là một chỉ số quan trọng thể hiện uy tín, chất lượng của một trường đại học.
Nhấn mạnh, kết quả tuyển sinh cũng là một chỉ số quan trọng về việc phát triển bền vững của một trường đại học; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trao đổi, tuyển sinh tốt sẽ tạo ra hiệu quả hoạt động tốt cho nhà trường. Có được hiệu quả hoạt động tốt, chúng ta có cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại giá trị, lợi ích cho người học và cho xã hội.
Đối với toàn xã hội, việc các lĩnh vực đào tạo, các ngành nghề được sinh viên lựa chọn, sẽ tác động tới phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Cùng với phát triển khoa học công nghệ, đóng góp cho việc tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế, xã hội, đất nước.
Vì vậy, tuyển sinh không chỉ là việc riêng của mỗi trường đại học mà là sân chơi chung của các trường đại học trong hệ thống, là trách nhiệm của toàn ngành, không chỉ là của hệ thống giáo dục đại học.
Theo Bộ GD&ĐT, năm 2022, trong hơn 521.000 thí sinh trúng tuyển đại học, gần 83,4% xác nhận nhập học. Trong 20 phương thức xét tuyển, gần 48% thí sinh trúng tuyển bằng xét điểm thi tốt nghiệp; hơn 37% bằng học bạ; gần 2% từ điểm thi đánh giá năng lực, tư duy. Tỷ lệ trúng tuyển bằng phương thức sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như TOEFL, IELTS chiếm khoảng 0,9%.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6/2023. Trong đó ngày 27/6 thí sinh làm thủ tục dự thi. Ngày 28 và 29/6 tổ chức coi thi. Bộ cũng dành ra ngày 30/6 để dự phòng.