Hà Nội

Xét tuyển bổ sung: Trầy trật tuyển sinh vẫn không có người học

22-10-2022 11:31 | Thời sự
google news

SKĐS - Đến thời điểm này, dù thực hiện xét tuyển bổ sung đến hai đợt nhưng không ít ngành ở nhiều trường đại học chỉ tuyển được vài thí sinh, thậm chí có ngành lấy điểm thấp vẫn không có thí sinh trúng tuyển, phải thông báo tiếp tục tuyển sinh đợt 3.

4 trường đại học đầu tiên dừng tăng học phí năm học 2022-20234 trường đại học đầu tiên dừng tăng học phí năm học 2022-2023

SKĐS - Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những trường đại học đầu tiên quyết định dừng tăng học phí năm học 2022 - 2023.

Tính đến thời điểm đầu tháng 10/2022, số lượng thí sinh xác nhận nhập học đạt 464.000, tương đương trên 82% trên tổng số thí sinh trúng tuyển. Đặc biệt, có tới 75% số cơ sở đào tạo có tỷ lệ nhập học vượt 80%, trong khi chỉ có 6% số cơ sở đào tạo có tỷ lệ nhập học dưới 50%. Với những cơ sở đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu sau xét tuyển đợt 1 được tiếp tục tuyển sinh các đợt bổ sung căn cứ theo số lượng chỉ tiêu còn lại (sau khi đã trừ số lượng chỉ tiêu theo nội dung tại quyết định xử lý vi phạm hành chính - nếu có).

Tuy nhiên, cũng có những ngành được dự đoán dù tuyển bổ sung cũng khó đủ chỉ tiêu nên nhà trường quyết định dừng mở ngành năm nay như ngành Khoa học vật liệu của Đại học Quy Nhơn có 2 thí sinh trúng tuyển, nhà trường đã vận động thí sinh chuyển sang ngành khác.

Xét tuyển bổ sung: Trầy trật tuyển sinh vẫn không có người học - Ảnh 2.

Nhiều trường xét tuyển bổ sung nhưng kết quả vẫn "giậm chân tại chỗ", không tuyển được thí sinh nào cho một số ngành. Ảnh minh họa

Đối với Đại học Tân Trào, các ngành Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế đầu tư, Tâm lý học không có thí sinh nào trúng tuyển đợt 1. Trường xét tuyển bổ sung nhưng kết quả vẫn không tuyển được thí sinh nào cho các ngành này. Một số ngành khác cũng có thí sinh trúng tuyển đếm trên đầu ngón tay như Chính trị học, Lâm sinh, Sư phạm Sinh học, Chăn nuôi, Quản lý văn hóa, Khoa học cây trồng, Công tác xã hội, Quản lý đất đai.

Đại học Tây Nguyên có 4 ngành không có thí sinh nào trúng tuyển gồm Sinh học, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Công nghệ sau thu hoạch, Quản lý tài nguyên rừng. Nhiều ngành khác có số thí sinh trúng tuyển đợt 1 rất ít như ngành Lâm sinh, đợt 1 có 3 thí sinh đến nhập học. Hay khối ngành Nông lâm nghiệp, chăn nuôi có 6 hồ sơ nhập học. Khá hơn một chút, ngành Khoa học cây trồng có 17 thí sinh đến nhập học. Mới đây, Hội đồng Tuyển sinh Đại học Tây Nguyên thông báo tiếp tục tuyển sinh đợt 3 năm 2022 với 513 chỉ tiêu cho 22 ngành.

Tại Đại học Hà Tĩnh, các ngành Kinh tế nông nghiệp, Khoa học cây trồng, Kỹ thuật xây dựng xét tuyển nhiều phương thức nhưng không có thí sinh trúng tuyển, một vài ngành chỉ có 1-2 thí sinh.

Tại Trường Đại học Đà Lạt, một số ngành chỉ có 1 - 2 thí sinh trúng tuyển như công nghệ sau thu hoạch (1 thí sinh), ngành sinh học: 2 thí sinh, ngành vật lý học có 2 thí sinh, ngành công nghệ kỹ thuật môi trường: 5 em, ngành lịch sử tuyển được 5 thí sinh, ngành Việt Nam học có 9 thí sinh, ngành kỹ thuật hạt nhân: 7 thí sinh.

Ở nhiều trường đại học khác như Quảng Nam, Quảng Bình, Phú Yên, Kiên Giang, Khánh Hòa, một số ngành có thí sinh trúng tuyển nhiều nhưng cũng vài ngành chỉ lác đác chưa đến 10 thí sinh.

Thực trạng khó tuyển sinh ở một số ngành, một số trường diễn ra đã lâu. Thời gian gần đây, các trường càng gặp nhiều khó khăn hơn khi nhiều thí sinh không lựa chọn đại học để tiếp tục học tập, lập nghiệp.

Theo các chuyên gia giáo dục, để hạn chế tình trạng "trắng" thí sinh tại một số ngành như hiện nay thì chính các nhà trường phải có kế hoạch tuyên truyền hoặc công tác hướng nghiệp hiệu quả hơn. Mặt khác, việc hướng nghiệp trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0 phải thật sự toàn diện, đầy đủ để thí sinh cũng như phụ huynh có cái nhìn tích cực, đầy đủ hơn về một số ngành nghề có tính đặc thù.

Lý giải nguyên nhân giáo dục đại học không còn hấp dẫn thế hệ trẻLý giải nguyên nhân giáo dục đại học không còn hấp dẫn thế hệ trẻ

SKĐS - Theo đánh giá của các chuyên gia, tỉ lệ nhập học đại học của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực.



Đỗ Vi
Ý kiến của bạn