Xét tặng danh hiệu nghệ nhân - Còn nhiều băn khoăn

13-07-2014 21:20 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tưởng chừng có nghị định về xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân thì phấn khởi, tươi vui mới phải, sao lại có gì đáng để băn khoăn và thách thức đối với việc xét tặng này?

Tưởng chừng có nghị định về xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân thì phấn khởi, tươi vui mới phải, sao lại có gì đáng để băn khoăn và thách thức đối với việc xét tặng này? Nhưng rõ ràng, băn khoăn gợn lên từ chính những nội dung trong nghị định.

Dư luận đang đưa ra nhiều góp ý, phản biện xung quanh những gì mà Nghị định 62/2014/NĐ-CP Quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” (NNND), “Nghệ nhân ưu tú” (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể vừa đưa ra. Xem chừng mong muốn tích cực và nhân văn trong việc xét tặng, đãi ngộ những người xuất sắc trong việc hành nghề, lưu truyền, phát huy vốn cổ khó có thể bù lấp được cho những gì còn hổng, còn chưa hợp lý trong quan điểm, cách thức thực hiện việc xét tặng này.

Các nghệ nhân ca Huế và nhã nhạc cung đình Huế.

Băn khoăn có thể đặt ra chính từ việc xây dựng hồ sơ của các nghệ nhân. Theo nghị định thì hồ sơ gồm có bản kê khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu cùng các tài liệu chứng minh tri thức, kỹ năng và những đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Các tài liệu này gồm: băng, đĩa hình, ảnh mô tả tri thức và kỹ năng nắm giữ. Cùng với đó, hồ sơ còn có bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng nhận hoặc quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, giải thưởng, bằng khen và các tài liệu khác liên quan.

Thực tế, trong quá trình hành nghề, truyền dạy, bảo tồn vốn cổ, không phải nghệ nhân nào cũng có điều kiện tham gia các cuộc thi, liên hoan, các hội nghị, hội thảo, các dự án sưu tầm, bảo tồn để có cơ hội được khen thưởng. Cũng như nghệ nhân thường hoạt động, hành nghề trong đời sống dân gian, vốn đã “tự thân vận động”, lại không có cơ quan, đơn vị chủ quản nên cũng khó lòng có được sự bình xét, đánh giá để ghi nhận những đóng góp, cống hiến của họ.

Và nếu coi các bản sao, chứng thực trên không phải là yêu cầu bắt buộc, nghĩa là có thì nộp, không có thì thôi, ngay việc thực hiện ghi băng, đĩa hình, chụp ảnh mô tả tri thức và kỹ năng nắm giữ cũng đã là đòi hỏi khó đối với các “ứng cử viên” của danh hiệu NNND, NNƯT. Nghị định chỉ yêu cầu băng, đĩa chung chung mà không cụ thể về thời lượng. Hơn nữa, để đảm bảo được sự chân thực, chặt chẽ về con người và tư liệu thì việc ghi hình, chụp ảnh mô tả tri thức và kỹ năng nắm giữ của nghệ nhân phải được thực hiện bởi những tay máy có kỹ thuật, có chuyên môn. Việc này gần như không tưởng đối với các nghệ nhân và người nhà của nghệ nhân. Chẳng lẽ họ lại phải tự bỏ tiền thuê máy hoặc thuê kỹ thuật viên để ghi hình, chụp ảnh? Như thế thì thật không ổn!

Sự khó hiểu khác còn nằm ở việc sẽ có hai danh hiệu được xét tặng là NNND và NNƯT. Theo cách quy định hai cấp danh hiệu như vậy thì phải chăng đợt xét tặng đầu tiên hiện cũng chưa biết khi nào diễn ra, sẽ chỉ có danh hiệu NNƯT được trao, rồi ít năm nữa, danh hiệu NNND sẽ được xét trên số NNƯT đã được phong tặng? Hay trong đợt xét tặng đầu tiên, đồng thời với danh hiệu NNƯT thì danh hiệu NNND sẽ được xét đặc cách cho một số trường hợp? Nghị định còn có quy định về thành phần hội đồng xét tặng danh hiệu, ngoài đại diện các cơ quan, tổ chức còn có một số NNND và NNƯT. Như vậy, kỳ xét tặng đầu tiên thì lấy đâu ra NNND, NNƯT để ngồi vào ghế hội đồng? Quy định không rõ ràng, thiếu chặt chẽ rất dễ làm nảy sinh những băn khoăn như vậy. Và vì sao cần phải có đến những hai cấp danh hiệu cho nghệ nhân?

Ngoài ra, trong hội đồng, theo nghị định còn có nhà khoa học có uy tín, am hiểu chuyên sâu về di sản văn hóa phi vật thể liên quan. Nhưng nhà khoa học sẽ có vai trò quyết định như thế nào trong hội đồng? Tổ chức xét chọn là để trao tặng danh hiệu cho nghệ nhân xứng đáng, có tri thức, kỹ năng, có chuyên môn, đúng là phải am hiểu thì mới xét chọn được. Vậy tiếng nói khoa học chiếm bao nhiêu phần trăm trong hội đồng?

Còn phải kể thêm đến hạn chế trong chế độ đãi ngộ nghệ nhân sau khi được phong tặng danh hiệu. Theo nghị định thì nghệ nhân sẽ được nhận huy hiệu, giấy chứng nhận của Chủ tịch nước, tiền thưởng cùng danh hiệu. Còn việc trợ cấp sinh hoạt hàng tháng theo quy định của Chính phủ sẽ được thực hiện với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Nghị định chỉ dừng lại ở chế độ đãi ngộ như vừa nêu. Vậy có gì khó khăn lắm chăng trong việc áp dụng chế độ bảo hiểm y tế, khám bệnh định kỳ cho nghệ nhân  cũng như nghị định yêu cầu nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu không ngừng hoàn thiện tri thức và kỹ năng, đồng thời tích cực truyền dạy, phổ biến tri thức và kỹ năng, vậy, việc hoàn thiện và truyền dạy ấy sẽ được tạo điều kiện thuận lợi như thế nào?

Những băn khoăn trên cũng chính là e ngại về những thách thức không nhỏ khi thực hiện công tác xây dựng, tiếp nhận hồ sơ, tổ chức xét, chọn, phong tặng và đãi ngộ các nghệ nhân. Sự hưởng ứng của các nghệ nhân, sự đồng thuận của giới chuyên môn đối với chính sách xét tặng và đãi ngộ sẽ còn phụ thuộc vào việc triển khai chính sách đó hợp lý và thỏa đáng như thế nào.

Bài và ảnh: Hoàng Thi


Ý kiến của bạn