Xét nghiệm ung thư chỉ với 1 mẫu máu

14-12-2014 08:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Startup Miroculus đã phát triển một hệ thống sàng lọc cho hàng chục bệnh nhân ung thư trong vòng 90 phút.

Startup Miroculus đã phát triển một hệ thống sàng lọc cho hàng chục bệnh nhân ung thư trong vòng 90 phút.

Những người ở độ tuổi nhất định hoặc có một số yếu tố nguy cơ cần phải thường xuyên khám sàng lọc ung thư. Đàn ông trên 50 tuổi thường phải kiểm tra tuyến tiền liệt, những người da trắng có nhiều nốt ruồi cần được kiểm tra hàng năm và những người có tiền sử gia đình có người bị ung thư cũng nên tiến hành các xét nghiệm di truyền. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu một người không có triệu chứng rõ ràng hoặc không có các yếu tố nguy cơ? Trong nhiều trường hợp, ung thư là nỗi bất hạnh đối với cả bệnh nhân và bác sĩ. Trường hợp xấu nhất là chỉ được phát hiện ung thư khi bệnh đã đến giai đoạn di căn (giai đoạn 3 và giai đoạn 4), khi khối u lan đến hạch bạch huyết lân cận, các mô và cơ quan hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

​Sàng lọc ung thư qua mẫu máu.

Rất may, việc phát hiện ung thư có thể sớm trở nên đơn giản khi sàng lọc trở thành một phần của kiểm tra sức khỏe hàng năm, cùng với sàng lọc bệnh đái tháo đường và cholesterol cao.

Miroculus hiện là một mẫu thử nghiệm, sẽ sàng lọc cho hàng chục loại ung thư bằng cách tìm các dấu ấn sinh học microRNA trong mẫu máu.

Nhiều nhà nghiên cứu bao gồm cả đồng sáng lập Miroculus Fay Christodoulou, trước đó đã cho biết microRNA – các phân tử nhỏ kiểm soát cách biểu hiện gen của con người và chi phối protein trong cơ thể - là những chỉ báo sinh học có thể cho biết một số loại ung thư như u lympho, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi.

Không giống các phương pháp sàng lọc ung thư xâm lấn và kéo dài khác như chụp phim và sinh thiết, bác sĩ có thể lấy một mẫu microRNA từ máu và sử dụng nó để phát hiện ung thư ở những bệnh nhân không có triệu chứng. Về bản chất, sự hiện diện của một hoặc một tập hợp microRNA (bộ gen con người có hơn 2.000 gen) như một dấu hiệu của bệnh.

Mặc dù có xét nghiệm microRNA nhưng chi phí cao cho việc đầu tư trang thiết bị, đào tạo cán bộ và thời gian chờ kết quả xét nghiệm dài. Ví dụ như một xét nghiệm ung thư phổi tốn gần 6.400 đô-la Mỹ và mất 7 ngày mới nhận được kết quả. Nhưng khi Miroculus ra mắt Miriam, thiết bị sẽ có giá khoảng 510 đô-la Mỹ và điều dưỡng viên cũng có thể thực hiện được. Mỗi xét nghiệm sẽ có giá ít nhất là 150 đô-la Mỹ và cho kết quả trong vòng 90 phút.

Theo Giám đốc kỹ thuật Jorge Soto, Miriam đại diện cho sự chuyển đổi quan trọng trong nghiên cứu microRNA. Có rất nhiều bằng chứng khoa học về sự hữu ích của microRNA nhưng không nhiều trên lâm sàng. Chúng ta đang khởi đầu một làn sóng mới cho các nghiên cứu về ứng dụng trên lâm sàng.

Các Miroculus làm việc theo 3 bước sau: lấy mẫu, thử phản ứng và phân tích. Đầu tiên, máy hoặc bác sĩ sẽ sử dụng một bộ dụng cụ lắp đặt sẵn để tách chiết ARN từ 1ml mẫu máu. Sau đó tiến hành tách thành 96 ô nhỏ trên 1 tấm bảng, đây gọi là xét nghiệm sinh học. Mỗi một ô sẽ được xử lý trước bằng hỗn hợp hóa sinh riêng được thiết kế để phản ứng với một loại microRNA đặc biệt. Sau đó đặt các tấm bảng trong một thiết bị độc lập tránh tiếp xúc với ánh sáng và giữ chúng ở nhiệt độ thích hợp để kích hoạt phản ứng. Nếu một ô phát sáng, xác nhận có sự hiện diện của microRNA.

Công nghệ này đặt một điện thoại thông minh trên nắp thiết bị để cho máy ảnh của chúng có thể ghi lại hình ảnh bên trong (các phiên bản sau của Miriam sẽ có máy tính trên tấm bảng). Trong suốt 60 phút, các máy ảnh chụp một loạt hình ảnh của các ô nhỏ và theo dõi những thay đổi bao gồm ô nào phát sáng, tần suất và cường độ xuất hiện. Dữ liệu được gửi tới máy chủ điện toán đám mây của Miroculus để phân tích. Nó so sánh những kết quả với dữ liệu hiện có để xác định xem mẫu hiện diện có thể là của loại ung thư nào không.

Cho đến nay, nhóm nghiên cứu đã có thể phát hiện ung thư phổi, ung thư vú và ung thư tụy ở chuột. Các nhà nghiên cứu cũng sẽ tham gia một thử nghiệm lâm sàng ở Đức bao gồm 200 bệnh nhân ung thư vú.

Miroculus cũng gặp phải sự cạnh tranh. Một nghiên cứu tương tự ở Nhật Bản với sự tham gia của Trung tâm Ung thư quốc gia Nhật Bản với mục đích mang lại một sản phẩm tương tự trong vòng 5 năm. Công việc của nhóm nghiên cứu là phân tích mẫu máu của 6.500 bệnh nhân để phát hiện ra các đặc điểm microRNA của 13 loại ung thư.

Dù các phương pháp này đầy hứa hẹn, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng chúng ta cần nhiều dữ liệu hơn nữa để làm cho việc chẩn đoán microRNA đạt độ chính xác cao như chương trình Miroculus. Điều đơn giản như cảm lạnh thông thường hoặc dùng 1 viên aspirin có thể ảnh hưởng đến sự hiện diện của microRNA trong máu. Do đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu tham chiếu của Miroculus quan trọng như độ chính xác của chính xét nghiệm sinh học.

(Theo Smith)

BS. Mai Hương

 

 


Ý kiến của bạn