Hà Nội

Xét nghiệm sinh học phân tử góp phần chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu

05-07-2023 11:35 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại Việt Nam, Chương trình chống Lao quốc gia đã đưa vào sử dụng 320 máy xét nghiệm phân tử nhanh tại 180 cơ sở y tế ở 63 tỉnh thành phố. Phương pháp xét nghiệm nhanh chóng, dễ tiếp cận này là một trong những nỗ lực nhằm chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.

Tại Hội thảo khoa học với chủ đề: "Đừng chậm trễ: Chiến thắng bệnh Lao với xét nghiệm sinh học phân tử nhanh", TS.TBCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia cho biết: Đại dịch COVID-19 đã có tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị lao trong những năm vừa qua. Toàn bộ  những tiến độ đã đạt được tính đến năm 2019 đã bị chậm lại, đình trệ, hoặc là hoàn toàn đảo ngược, mục tiêu thanh toán bệnh lao toàn cầu đã bị chệch hướng. Số ca lao được phát hiện trong năm 2020 và 2021 đã bị sụt giảm, điều đó cho thấy rằng số bệnh nhân chưa được phát hiện và điều trị đã tăng lên đáng kể, dẫn đến tăng số ca tử vong do lao và mức độ lây truyền trong cộng đồng mạnh hơn".

Xét nghiệm sinh học phân tử góp phần chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu   - Ảnh 1.

TS.TBCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia phát biểu tại hội thảo

PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, trong năm 2022, Chương trình chống Lao quốc gia đã triển khai 478 chiến dịch phát hiện tích cực, chủ động bệnh lao. Tổng số người được sàng lọc bằng phát hiện chủ động trong năm 2022 là hơn 1,2 triệu người. "Số phát hiện chủ động này làm tăng số người được phát hiện bệnh lao tại Việt Nam, từ 78.000 ca bệnh lao của năm 2021 lên hơn 130.000 ca bệnh lao của năm 2022", PGS.TS Nguyễn Bình Hòa nói.

Xét nghiệm sinh học phân tử góp phần chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu   - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương tại hội thảo khoa học.

Một trong những phương pháp góp phần phát hiện sớm bệnh lao là xét nghiệm sinh học phân tử. Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia cho rằng: "Xét nghiệm GenXpert là phương pháp xét nghiệm nhanh chóng, dễ tiếp cận, thời gian xét nghiệm ngắn để bệnh nhân có thể tiếp cận điều trị kịp thời. Đó là một trong những nỗ lực chính nhằm chấm dứt bệnh lao toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo thay thế xét nghiệm soi kính trực tiếp bằng xét nghiệm phân tử nhanh nhằm cải thiện độ nhạy trong phát hiện vi khuẩn lao".

"Hiện nay tại Việt Nam, Chương trình chống Lao quốc gia đã đưa vào sử dụng hơn 320 hệ thống máy GeneXpert tại 180 cơ sở y tế trên 63 tỉnh thành để mở rộng mạng lưới tiếp cận, chẩn đoán sớm những bệnh nhân lao và lao kháng thuốc  trong cộng đồng", TS.TBCC Đinh Văn Lượng cho biết thêm. Chương trình chống Lao quốc gia phấn đấu đạt khoảng 450 hệ thống máy xét nghiệm trên cả nước trong thời gian tới.

Xét nghiệm sinh học phân tử góp phần chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu   - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự Hội thảo "Đừng chậm trễ: Chiến thắng bệnh Lao với xét nghiệm sinh học phân tử nhanh".

Xét nghiệm sinh học phân tử là một bước đột phá quan trọng trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh lao. Bởi kỹ thuật đơn giản, dễ tiếp cận, có độ nhạy, độ đặc hiệu cao trong việc phát hiện vi khuẩn lao và tính kháng thuốc, mang lại giá trị chẩn đoán chính xác, và đặc biệt là rút ngắn đáng kể thời gian trả kết quả so với các xét nghiệm truyền thống trước đây như xét nghiệm soi kính trực tiếp hoặc nuôi cấy vi khuẩn.

Năm 2010, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo sử dụng kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử Xpert MTB/RIF trong chẩn đoán lao và lao kháng thuốc, đặc biệt là thay thế xét nghiệm soi kính trực tiếp tại các phòng xét nghiệm tuyến cơ sở. Tại Việt Nam, kỹ thuật xét nghiệm Xpert MTB/RIF đã được thực hiện thông qua hệ thống máy Genexpert từ năm 2012 và lần lượt được mở rộng áp dụng cho toàn bộ người nghi lao có hình ảnh X quang bất thường trên toàn quốc.  Phương pháp này đã và đang phát huy hiệu quả cao, phát hiện nhanh bệnh nhân lao, lao đa kháng và siêu kháng thuốc theo chiến lược "2X" (Xquang-Xpert).

Ngày 5/7/2023, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung Ương, Chương trình Chống lao Quốc gia chức buổi hội thảo khoa học với chủ đề: "Đừng chậm trễ: Chiến thắng bệnh Lao với xét nghiệm sinh học phân tử nhanh" để tăng cường công tác chia sẻ, cập nhật những thông tin khoa học mới nhất liên quan đến các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong chẩn đoán và điều trị bệnh lao.

Buổi hội thảo có sự tham dự của các đại biểu, tổ chức trong nước và quốc tế cùng hơn 700 nhân viên y tế đang công tác trong ngành lao trên toàn quốc qua hình thức tham dự trực tiếp và trực tuyến. Tại hội thảo, các tham luận đã cung cấp các thông tin hữu ích về tình hình bệnh lao trên thế giới và ở Việt Nam, các hướng dẫn chẩn đoán và các phác đồ điều trị mới nhất được áp dụng cũng như các chiến lược, các hoạt động cần thiết để giúp Việt Nam chiến thắng bệnh lao vào năm 2035.

Tại Hội thảo "Đừng chậm trễ: Chiến thắng bệnh Lao với xét nghiệm sinh học phân tử nhanh" các chuyên gia đã thống nhất quan điểm chỉ có phát hiện sớm, đặc biệt phát hiện lao chủ động sẽ không chỉ cứu sống người bệnh mà còn ngăn chặn nguồn lây lan cho cộng đồng.

Thông điệp của niềm hy vọng: 'Việt Nam chiến thắng bệnh lao'Thông điệp của niềm hy vọng: "Việt Nam chiến thắng bệnh lao"

SKĐS - "Việt Nam chiến thắng bệnh lao" là chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao năm 2023 của Việt Nam, thể hiện quyết tâm của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam trong "cuộc chiến" đẩy lùi bệnh lao.


Hải Yến
Ý kiến của bạn