Chỉ khi chẩn đoán bệnh đúng bác sĩ mới điều trị bệnh hiệu quả. Để chẩn đoán đúng, bác sĩ thường phải thực hiện 2 việc: chẩn đoán lâm sàng và chỉ định làm xét nghiệm (còn gọi là xét nghiệm y khoa hay xét nghiệm cận lâm sàng). Chẩn đoán lâm sàng là bác sĩ thăm khám trực tiếp để xem các dấu hiệu hoặc triệu chứng biểu lộ từ cơ thể người bệnh như: xem thân nhiệt, huyết áp, nhịp tim, nhịp thở... Còn chỉ định làm xét nghiệm có nghĩa là bác sĩ ra y lệnh cho người bệnh được lấy máu hay nước tiểu (hai dịch sinh học thường được sử dụng nhiều nhất) để xét nghiệm. Khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ đọc và nhận định kết quả để xem bệnh nhân có thật sự bị bệnh, tình trạng như thế nào. Kết quả xét nghiệm có các thông tin mà giới chuyên môn (bác sĩ, dược sĩ) nhờ đã được đào tạo có thể đọc được.
Xét nghiệm đường huyết
Trong phiếu xét nghiệm đường huyết được ghi GLUCOSE, tức ghi hàm lượng hay nồng độ glucose có trong máu.
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh không lây nhiễm, do sự thiếu insulin hoặc có insulin nhưng không nhạy cảm, đưa đến sự tăng đường huyết mạn tính. Để biết có bị hay không ĐTĐ, phải làm xét nghiệm máu đo nồng độ đường glucose trong máu. Là nồng độ nên đơn vị tính glucose trong máu là mg/dl (số mg glucose trong 100 mililít máu) hay mmol/l (số milimol glucose trong 1 lít máu). Lưu ý trị số tính theo 2 loại đơn vị là khác nhau. Như đối với người bình thường không bị ĐTĐ, xét nghiệm đường huyết lúc đói sẽ là <126mg/dl (nhỏ hơn 126mg/dl) hay <7mmol/l. Số 126mg/100ml được gọi là trị số giới hạn đường huyết, nếu lớn hơn là bị bệnh. Tuy nhiên, trong phiếu xét nghiệm người ta không ghi trị số giới hạn mà ghi khoảng trị số đối chiếu (hay khoảng giá trị tham khảo), như đường huyết là 70 - 110mg/dl và kết quả xét nghiệm của người được đo sẽ được đối chiếu để xem có rối loạn hay không. Thí dụ, kết quả xét nghiệm đường huyết là 100mg/dl, so với 70 - 100mg/dl nằm giữa khoảng nên là bình thường. Nếu kết quả đo >110mg/dl (lớn hơn 110 mg/dl) là có rối loạn tăng đường huyết, bằng hoặc trên 126mg/dl là đã bị ĐTĐ. Nếu kết quả đo < 70mg/dl (nhỏ hơn 70mg/dl) là có rối loạn hạ đường huyết, như kết quả đo 53mg/dl là có thể bị hôn mê do hạ đường huyết.
Máu hay nước tiểu là hai dịch sinh học thường được sử dụng nhiều nhất để xét nghiệmCần lưu ý, khoảng trị số đối chiếu ở các bệnh viện khác nhau có thể hơi khác nhau bởi vì có nhiều phương pháp khác nhau được dùng ở bệnh viện để đo xét nghiệm đường huyết.
Vì trị số đường huyết bình thường được xác định vào lúc bụng đói, để có kết quả xét nghiệm đường huyết chính xác, người được đo cần nhịn đói 4 - 6 giờ trước khi lấy máu làm xét nghiệm hoặc không ăn sáng sau một đêm ngủ dậy.
Xét nghiệm mỡ trong máu
Trong máu có mỡ hay còn gọi lipid, bình thường lipid chứa trong máu với hàm lượng vừa phải, nếu khác hơn là bị rối loạn lipid huyết. Rối loạn lipid huyết (hay nhiều người gọi là rối loạn mỡ máu) là tình trạng khi hàm lượng chất béo như cholesterol, triglycerid ở trong máu vượt quá giới hạn bình thường.
Ta cần biết, chất béo như cholesterol, triglycerid không tan trong nước tức không tan trong máu, vì vậy, chất béo phải kết hợp với một protein (chất đạm) tạo thành chất gần như tan trong máu, di chuyển dễ dàng trong máu gọi là lipoprotein. Như cholesterol kết hợp với lipoprotein tạo thành các chất có tỉ trọng khác nhau. Trong xét nghiệm, người ta quan tâm đến hai loại cholesterol kết hợp với lipoprotein. Đó là cholesterol kết hợp với lipoprotein có tỉ trọng thấp, viết tắt là LDL-c (Low Density Lipoprotein- Cholesterol) và cholesterol kết hợp với protein có tỉ trọng cao, viết tắt là HDL-c (High Density Lipoprotein- Cholesterol). LDL-c được xem là cholesterol “xấu” vì nó vận chuyển cholesterol từ gan đi khắp nơi, thứ này quá thừa sẽ gây xơ vữa động mạch, huyết khối tắc mạch. Còn HDL-c được xem là cholesterol “tốt” vì nó vận chuyển cholesterol từ các mô ngoại biên về gan, làm chất béo trong máu giảm xuống.
Trong phiếu xét nghiệm, mỡ trong máu được ghi 4 tiêu chí: cholesterol toàn phần (cholesterol hoặc cholesterol TP), triglycerid, LDL-c, HDL-c. Chỉ số đối chiếu (giá trị tham khảo) của mỡ trong máu như sau:
Cholesterol TP: 150 - 200mg/dl hoặc < 200mg/dl (thí dụ kết quả đo 162mg/dl là tốt, 240mg/dl là không tốt).
Triglycerid: 25 - 160 mg/dl (thí dụ kết quả đo 112mg/dL là tốt, 200mg/dl là không tốt).
LDL-c: 90 - 150mg/dl hoặc < 150 mg/dl (thí dụ kết quả đo 93mg/dL là tốt, 160 mg/dl là không tốt).
HDL-c:> 40mg/dl (thí dụ kết quả đo 47 mg/dL là tốt, 35mg/dl là không tốt).
Xét nghiệm men gan
Men (enzyme) là chất sinh học có bản chất protein (chất đạm) có tác dụng xúc tác phản ứng hóa học, phản ứng chuyển hóa các chất trong tế bào. Trong tế bào gan chứa nhiều loại men gọi là men gan. Khi tế bào gan bị tổn thương (như bị viêm gan) các men gan sẽ phóng thích vào máu làm nồng độ men gan tăng lên so với mức bình thường. Đo men gan có thể biết được tình trạng tổn thương gan. Hai men gan thường dùng trong xét nghiệm là thuộc loại men transaminase (men chuyển vận amin giữa chất đạm và đường) có tên như sau:
SGOT (Serum Glutamic Oxaloacetic Transaminase) còn gọi là AST (Aspartat aminotransferase).
SGPT (Serum Glutamic Pyruvic Transaminase) còn gọi là ALT (Alanin aminotransferase).
Trị số đối chiếu (giá trị tham khảo) của men gan:
SGOT/ALT: 5 - 48 U/L (U/L: đơn vị /1 lít máu, kết quả đo 32 U/L là tốt).
SGPT/AST: 5 - 49 U/L (kết quả đo 32 U/L là tốt).
Trong viêm gan, SGOT/ALT và SGPT/AST tăng gấp 2 - 10 lần bình thường.
Xét nghiệm acid uric trong máu
Ta cần biết, acid uric là sản phẩm cuối cùng của chuyển hóa chất dinh dưỡng trong cơ thể (chuyển hóa của hợp chất có tên purin), nếu acid uric sinh ra không nhiều quá sẽ được đào thải chủ yếu qua nước tiểu. Khi acid uric trong máu (gọi là acid uric huyết) tăng ở mức không nhiều quá (từ 7 đến 9mg/dl), khi đó được gọi là chứng tăng acid uric huyết không triệu chứng, không cần điều trị bằng thuốc mà chỉ cần thực hiện chế độ ăn phù hợp. Khi acid uric huyết đo được trên 9mg/dl, acid uric là chất ít tan sẽ kết tinh thành tinh thể muối urat đọng lại trong sụn, khớp đến mức gây đau đớn có khi là dữ dội ở các khớp gọi là cơn gút cấp, khi đó phải dùng thuốc trị gút.
Trị số đối chiếu (giá trị tham khảo) của acid uric trong máu: 2 - 7mg/dl hay 120 - 420mmol/l.
PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC