Xét nghiệm ngộ độc chì cho 400 người dân làng Đông Mai

16-05-2015 19:51 | Thời sự
google news

SKĐS - 40 bác sỹ của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, Trung tâm Chống độc và BV Nhi TW đã đến trường cấp 2 của xã từ sớm để chuẩn bị công tác khám, lấy mẫu máu xét nghiệm ngộ độc chì cho gần 400 em nhỏ và người dân làng tái chế chì Đông Mai

Ngày 16-17/5, gần 400 em nhỏ và người dân đang làm công việc tái chế chì thủ công tại làng Đông Mai- xã Chỉ Đạo- huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã được khám để lấy mẫu máu xét nghiệm xác định mức độ nhiễm độc chì

Đoàn cán bộ y tế gồm 40 bác sỹ của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) và Bệnh viện Nhi trung ương đã không quản ngại thời tiết mưa to của sáng thứ 7 cuối tuần đến trường cấp 2 của xã từ sớm để chuẩn bị công tác khám, lấy mẫu máu xét nghiệm cho gần 400 em nhỏ và người dân thôn Đông Mai để làm cơ sở để đánh giá chính xác mức độ nhiễm độc chì .

Được biết, 10 ngày sau kết quả xét nghiệm mức độ nhiễm độc chì trong máu của người dân thông Đông Mai sẽ có. Kết quả này là cơ sở để UBND tỉnh Hưng Yên và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tẩy độc chì cho các em và người dân làng nghề tái chế chì Đông Mai

Các bác sĩ đang khám sức khỏe cho trẻ em làng tái chế chì Đông Mai

Các bác sĩ đang khám sức khỏe cho trẻ em làng tái chế chì Đông Mai

Người dân thôn Đông Mai mấy chục năm nay làm nghề tái chế thủ công chì, họ thường mua bình ắc quy hỏng về phá bình lấy lõi chì, bán lại cho các nhà máy sản xuất ắc quy, làm mạ kẽm. Ngay từ năm 2007-2008, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) đã tiến hành nghiên cứu về mức độ ô nhiễm môi trường tại xã Chỉ Đạo. Kết quả cho thấy mức độ ô nhiễm chì trong không khí vượt tiêu chuẩn gần 3,5 lần, có nơi tới 10 lần. Nhiều loại cá, rau... nuôi trồng cũng nhiễm chì vượt mức cho phép 4,6 lần. Đáng lo ngại nhất là rất nhiều cháu bé ở Đông Mai đang bị nhiễm độc chì với các mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Xe lưu động của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cùng các y bác sĩ tiến hành khám và 
lấy mẫu xét nghiệm mức độ ngộ độc chì của người dân làng Đông Mai

Xe lưu động của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cùng các y bác sĩ tiến hành khám và lấy mẫu xét nghiệm mức độ ngộ độc chì của người dân làng Đông Mai

Kết quả xét nghiệm sàng lọc 109 trẻ nhỏ ở làng Đông Mai của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) năm 2012 đã chứng minh thêm những hiểm họa của việc tái chế chì gây ra cho sức khỏe người làng Đông Mai qua số liệu 100% các em đều mang chì trong máu. Trong số đó có tới hơn 30 em có lượng chì vượt ngưỡng 4-5 lần, cần được thải độc. Đáng chú ý, có những em có lượng chì trong máu cao gấp 6-7 lần cho phép, ở mức nguy hiểm, cần được thải độc gấp. Thậm chí, có những trẻ mới 2-3 tuổi, gia đình không làm nghề tái chế chì những cũng có lượng chì trong máu rất cao...

Theo PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, trên thế giới mỗi năm có 600.000 trẻ em bị khuyết tật trí tuệ từ tiếp xúc với chì; 99% trẻ bị ảnh hưởng bởi phơi nhiễm chì mức độ cao là thuộc các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Tại Việt Nam hiện chưa có thống kê đầy đủ về tình trạng này nhưng qua những ca bệnh trong mấy năm vừa qua, nhiều trẻ nhiễm độc chì bị co giật chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến trí tuệ.

Người làng tái chế chì Đông Mai đang phải đối mặt với những nguy cơ về sức khỏe do nghề tái chề chì
Ảnh Internet

Người làng tái chế chì Đông Mai đang phải đối mặt với những nguy cơ về sức khỏe do nghề tái chề chì Ảnh Internet

Trẻ bị nhiễm độc chì thường có những biểu hiện bất thường về tinh thần, thể lực và trí tuệ. Nếu trẻ nhiễm độc ở mức độ nhẹ thì thường khó tính, dễ cáu bẳn, hay quấy, khóc hoặc bướng bỉnh, nghịch ngợm, không chịu nghe lời. Ở mức độ nặng hơn thì có thể bị liệt cơ, mềm nhũn chân tay, thiếu máu, co giật và hôn mê. Đối với người lớn nhiễm độc chì thường chán ăn, mất ngủ, đau đầu, thiếu máu, suy giảm sức khỏe, suy giảm trí nhớ.

TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho rằng, điều trị thải độc chì hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng không bền vững. Cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ, sau khi điều trị thải độc xong, trẻ lại quay về sống ở môi trường ô nhiễm để rồi lại tái nhiễm. Do đó, ngành y tế khuyến nghị người dân không nên vì lợi ích kinh tế mà không quan tâm đến sức khỏe; đồng thời, phải có quy hoạch lại làng tái chế chì

Thái Bình

 


Ý kiến của bạn