Hà Nội

Xét nghiệm máu xua tan nỗi lo cơn đau tim

12-10-2015 16:19 | Y học 360
google news

Các nhà nghiên cứu cho biết chỉ bằng một xét nghiệm máu đơn giản có thể xác định chính xác những bệnh nhân có nguy cơ bị cơn đau tim dù rất thấp. Gần 2/3 số bệnh nhân cấp cứu vì bị đau ngực và lo sợ ngừng tim nhờ vậy có thể xuất viện một cách an toàn.

Theo các tác giả của nghiên cứu - được tài trợ bởi trường ĐH Edinburgh và Quỹ Tim mạch Anh - thì việc thực hiện phương pháp này sẽ làm giảm số ca nhập viện và mang lại nhiều lợi ích cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế.

Thông thường, khi các bệnh nhân khai là bị đau ngực, các bác sĩ sẽ chẩn đoán nhồi máu cơ tim (đau tim) dựa trên các bằng chứng về tổn thương cơ tim. Cụ thể hơn, các bác sĩ sẽ xét nghiệm máu để đo một protein (hay chất) có tên là troponin được giải phóng vào máu từ các cơ tim bị tổn thương. Theo Hội Hóa lâm sàng Mỹ, hàm lượng troponin cao hoặc thậm chí chỉ tăng nhẹ có thể báo hiệu tổn thương ở tim.

Khi hàm lượng troponin cao hoặc nếu hàng loạt các xét nghiệm thực hiện trong vài giờ cho thấy hàm lượng tăng, các bác sĩ sẽ coi đây là một bằng chứng cho thấy bệnh nhân bị đau tim hoặc mắc bệnh tim khác.

Thông thường, các bác sĩ phòng cấp cứu thực hiện xét nghiệm trên những người bị đau ngực khi họ mới nhập viện và làm lại sau 12 tiếng.

Gần đây, một xét nghiệm troponin nhạy hơn, có thể đo hàm lượng troponin chính xác hơn, đã được giới thiệu. Điều nquan trọng là xét nghiệm mới này chỉ cần được thực hiện 1 lần duy nhất. Do đó nghiên cứu đã tìm hiểu xem xét nghiệm nhạy hơn này có chẩn đoán và tiên lượng đau tim chính xác hơn không.

Khi tiến hành nghiên cứu ở một số bệnh viện ở Scotland và Mỹ, nhóm nghiên cứu đã đo hàm lượng troponin máu sử dụng xét nghiệm độ nhạy cao trên 6.304 bệnh nhân nghi bị đau tim.

Nồng độ troponin huyết tương thấp đã xác định 2/3 bệnh nhân có nguy cơ bệnh tim thấp có thể xuất viện. Theo các nhà nghiên cứu xét nghiệm độ nhạy cao này có độ chính xác 99,6%.

Các triệu chứng của đau tim gồm khó chịu hoặc đau ngực (bệnh nhân thường cảm thấy như ngực bị bóp nghẹt), đau phần thân trên, đau bụng, thở dốc, lo âu, choáng váng, đổ mồ hôi, buồn nôn và nôn. Theo Hội Tim mạch Mỹ, phần lớn phụ nữ thường có những biểu hiện đau ngực hoặc khó chịu như nam giới, nhưng họ dễ bị các triệu chứng khác như thở dốc, nôn/buồn nôn và đau lưng hoặc đau hàm hơn.

BS Cẩm Tú

Theo MSN

 

 


Ý kiến của bạn