Hà Nội

Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán sớm Alzheimer

04-07-2019 10:21 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học cho thấy xét nghiệm máu có thể phát hiện chính xác mức độ protein beta-amyloid ở tất cả các giai đoạn trong bệnh Alzheimer và có thể sử dụng trong chăm sóc lâm sàng

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học cho thấy xét nghiệm máu có thể phát hiện chính xác mức độ protein beta-amyloid ở tất cả các giai đoạn trong bệnh Alzheimer và có thể sử dụng trong chăm sóc lâm sàng.

Ở người bệnh Alzheimer, trước khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh thì sự thay đổi ở não người bệnh có thể xảy ra từ hàng thập kỷ trước đó. Trên thực tế, một số nghiên cứu gần đây đã cho biết, một số thay đổi sinh hóa trong não có thể xảy ra đến 34 năm trước khi khởi phát triệu chứng. Vì vậy, việc phát hiện bệnh Alzheimer sớm có thể giúp những người bị ảnh hưởng lên kế hoạch phù hợp và bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt. Việc bắt đầu điều trị sớm sẽ giúp tối đa hóa hiệu quả của liệu pháp.

Trước đó, các nhà khoa học Thụy Điển đã phát triển một thử nghiệm phát hiện protein beta-amyloid từ các mẫu máu bằng công nghệ cảm biến hồng ngoại. Việc phát hiện protein này trong não là đặc điểm nổi bật của bệnh Alzheimer. Nghiên cứu tiếp theo các nhà khoa học đã xét nghiệm máu để kiểm tra sự thay đổi trong một loại protein khác có thể theo dõi tiến triển của Alzheimer và cho biết liệu thuốc có hoạt động hay không.

Giờ đây trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học nghiên cứu tính hiệu quả của "xét nghiệm miễn dịch hoàn toàn tự động" để phát hiện nồng độ beta-amyloid trong quần thể những người mắc bệnh Alzheimer, những người bị suy giảm nhận thức nhẹ và những người không bị suy giảm nhận thức nhẹ.

Tiến sĩ Sebastian Palmqvist - phó giáo sư nghiên cứu bộ nhớ lâm sàng tại Đại học Lund và là bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Skåne - là tác giả chính của bài nghiên cứu cùng đồng nghiệp đã thực hiện hai nghiên cứu cắt ngang điều tra tính chính xác của xét nghiệm ở 842 người tham gia (265 người trong số họ bị suy giảm nhận thức nhẹ, là tiền thân của chứng mất trí nhớ ) và 237 người tham gia (109 người trong số họ bị suy giảm nhận thức nhẹ và 94 người trong số họ đã mắc bệnh Alzheimer).

Kết quả cho thấy, xét nghiệm máu có thể dự đoán chính xác tình trạng beta-amyloid ở não trong tất cả các giai đoạn của bệnh Alzheimer. Các nhà khoa học  hướng tới việc sử dụng xét nghiệm này trong chăm sóc lâm sàng thông thường trên toàn thế giới.

Tiến sĩ Palmqvist cho biết, các nghiên cứu trước đây về phương pháp sử dụng xét nghiệm máu không cho kết quả đặc biệt tốt; chỉ có thể thấy sự khác biệt nhỏ giữa người mắc bệnh Alzheimer và người già khỏe mạnh. Nhưng với nghiên cứu mới này sẽ sớm giúp các bác sĩ lâm sàng sàng lọc những người tham gia thử nghiệm thuốc cho bệnh Alzheimer và giúp các chuyên gia chăm sóc sức khỏe chẩn đoán chính xác hơn và sớm hơn, do đó cải thiện khả năng tiếp cận điều trị của người bệnh.

Bệnh Alzheimer là một nguyên nhân của chứng giảm trí nhớ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ, khiến người bệnh gặp trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày. Alzheimer ảnh hưởng đến trí nhớ, ngôn ngữ và tư duy. Bệnh tiến triển chậm và thường bắt đầu với triệu chứng đãng trí nhẹ. Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân thường bị tổn thương não nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây bệnh Alzheimer vẫn chưa được xác định rõ. Khi bị Alzheimer, các tế bào não lưu trữ và xử lý thông tin bắt đầu suy yếu và chết. Ngoài ra, các protein bất thường được tạo ra, tạo mảng bám và tích tụ xung quanh và bên trong các tế bào gây cản trở truyền thông tin.

Trung bình người bệnh chỉ có thể sống được từ 8 – 10 năm kể từ khi mắc bệnh này. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp có thể sống lâu hơn nếu được phát hiện và điều trị đúng cách. Tùy vào mỗi người, mà bệnh có thể diễn tiến nhanh hay chậm. Dù bệnh này thường không do yếu tố di truyền, nhưng nếu có thành viên trong gia đình mắc bệnh, bạn vẫn có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.


Bích Ngọc
Ý kiến của bạn