Xét nghiệm HIV thời điểm nào cho kết quả chính xác?

30-09-2023 11:20 | Y học 360

SKĐS - Xét nghiệm HIV là cách duy nhất để biết chính xác mình có bị nhiễm HIV hay không. Vậy, ai là người cần đi xét nghiệm và thời điểm nào cho kết quả chính xác nhất?

3 lợi ích từ việc xét nghiệm HIV sớm3 lợi ích từ việc xét nghiệm HIV sớm

SKĐS – Khi có các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, cần làm xét nghiệm HIV để biết tình trạng nhiễm của mình, tiếp cận điều trị ARV sớm...

1. Những ai nên đi xét nghiệm HIV?

Theo Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS của Bộ Y tế (Quyết định số 5465/QĐ-BYT ngày 20/11/2019), các trường hợp cần được tư vấn xét nghiệm HIV gồm:

- Người có hành vi nguy cơ nhiễm HIV: Người tiêm chích ma túy, bán dâm, quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới, người có quan hệ tình dục không an toàn với người sử dụng ma túy.

- Người mắc một số bệnh như lao, bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan C.

- Người bệnh được khám lâm sàng và cận lâm sàng, nhưng không phát hiện được nguyên nhân gây bệnh hoặc có các triệu chứng gợi ý nhiễm HIV.

- Phụ nữ mang thai.

- Vợ/chồng/con của người nhiễm HIV; anh chị em của trẻ nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV.

- Các trường hợp khác có nhu cầu...

Xét nghiệm HIV thời điểm nào cho kết quả chính xác? - Ảnh 2.

Xét nghiệm HIV là cách duy nhất để biết chính xác mình có bị nhiễm HIV hay không.

2. Các hình thức xét nghiệm

Hiện nay ở Việt Nam chủ yếu có 2 hình thức xét nghiệm: Xét nghiệm kháng thể (dùng để sàng lọc và chẩn đoán HIV ở người lớn) và xét nghiệm tìm ra kháng nguyên (PCR) dùng để chẩn đoán nhiễm HIV ở trẻ em.

Dù ở hình thức xét nghiệm HIV nào cũng cần phải tuân thủ 5 nguyên tắc của Bộ Y tế đã ban hành: Đồng thuận - Bảo mật - Tư vấn - Chính xác - Kết nối với chăm sóc, điều trị.

- Đồng thuận: Khách hàng cần được thông báo khi xét nghiệm HIV và chỉ thực hiện xét nghiệm khi khách hàng đã đồng ý (trừ trường hợp xét nghiệm HIV bắt buộc).

Xét nghiệm HIV thời điểm nào cho kết quả chính xác? - Ảnh 3.

Chỉ xét nghiệm HIV khi khách hàng đã đồng ý.

- Bảo mật: Luôn đảm bảo bí mật thông tin của người được tư vấn và xét nghiệm HIV.

- Tư vấn: Các trường hợp làm xét nghiệm HIV đều phải được cung cấp đầy đủ thông tin trước xét nghiệm và tư vấn sau xét nghiệm.

- Chính xác: Các cơ sở xét nghiệm thực hiện nghiêm ngặt quy trình thực hành chuẩn về xét nghiệm HIV và áp dụng phương cách xét nghiệm quốc gia, đảm bảo tính chính xác của kết quả xét nghiệm.

- Kết nối với chăm sóc, điều trị và dự phòng: Với người đã chẩn đoán khẳng định nhiễm HIV cần được kết nối ngay với chăm sóc, điều trị và dự phòng. Với người không nhiễm HIV nhưng vẫn có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cần được kết nối với can thiệp dự phòng để không nhiễm HIV.

3. Đâu là thời điểm xét nghiệm HIV cho kết quả chính xác?

Thực tế, rất khó để xác định một người có bị nhiễm HIV hay không sau khi tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể của người nhiễm HIV. Giai đoạn từ lúc virus xâm nhập đến lúc có kết quả xét nghiệm dương tính gọi là giai đoạn cửa sổ. Một người có kết quả xét nghiệm âm tính với HIV trong giai đoạn cửa sổ vẫn có thể đã bị nhiễm bệnh.

Theo các chuyên gia, hiện nay có rất nhiều sinh phẩm chẩn đoán nhiễm HIV sớm. Có sinh phẩm cho kết quả chính xác trong vòng 14-20 ngày sau khi tiếp xúc với máu hoặc dịch của người nhiễm HIV. Tuy nhiên, các xét nghiệm hiện nay có thể chẩn đoán chính xác một người có nhiễm HIV hay không trong vòng 4-6 tuần sau khi có hành vi nguy cơ lây nhiễm. Cho kết quả chính xác 100% là 45 ngày.

Chính vì thế, nếu là người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, sau 45 ngày kể từ ngày có hành vi lây nhiễm, hãy đến các cơ sở y tế uy tín, các nhóm cộng đồng để được xét nghiệm. Ngoài ra, có thể đăng ký nhận sinh phẩm tự xét nghiệm HIV tại nhà qua trang web tuxetnghiem.vn.

Sau khi xét nghiệm, nếu kết quả âm tính nhưng vẫn có những hành vi không an toàn, nhất là quan hệ tình dục không an toàn, nên dùng thuốc điều trị trước phơi nhiễm (PrEP) để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV. Những trường hợp dương tính với HIV sẽ được tư vấn điều trị bằng thuốc ARV (thuốc kháng HIV). Thuốc làm ức chế sự nhân lên của HIV và bảo vệ hệ miễn dịch của cơ thể trước những căn bệnh khác.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Điều trị sớm ARV.

Nguyễn Châu
Ý kiến của bạn