Xét nghiệm HIV sớm cho mẹ loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con

25-10-2023 06:00 | Y tế
google news

SKĐS - Xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con kịp thời giúp giảm thiểu nguy cơ trẻ sinh ra bị mắc bệnh. Thậm chí phụ nữ có thai hoàn toàn có thể sinh ra những đứa trẻ không có HIV.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm riêng tại khu vực Tây Thái Bình Dương có khoảng   1.400 trẻ bị nhiễm HIV.  Đến nay, nhiễm HIV hoàn toàn không còn là căn bệnh "vô phương cứu chữa", phụ nữ mang thai nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con không nhiễm HIV. Điều đó chỉ có thể có có được thông qua các can thiệp sẵn có và đơn giản như xét nghiệm sàng lọc, quản lý và điều trị dự phòng cho phụ nữ có thai.

Phụ nữ có thai nên xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt

Xét nghiệm HIV cho phụ nữ có thai là một xét nghiệm quan trọng giúp phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai. Việc phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và con. Lợi ích của xét nghiệm HIV cho phụ nữ có thai bao gồm:

  • Giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con: Khi phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus sớm và hiệu quả, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể giảm xuống dưới 1%, thậm chí là 0%.
  • Tăng cường sức khỏe cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV: Điều trị bằng thuốc kháng virus có thể giúp phụ nữ mang thai nhiễm HIV khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng khác và tăng khả năng sống sót cho cả mẹ và con.
  • Giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình: Điều trị bằng thuốc kháng HIV có thể giúp giảm chi phí điều trị cho cả mẹ và con.
Xét nghiệm HIV sớm cho mẹ loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con   - Ảnh 1.

TS.BS Cao Thị Thanh Thuỷ, Trung tâm Y khoa số 1 Tôn Thất Tùng, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội.

TS.BS Cao Thị Thanh Thuỷ, Trung tâm Y khoa số 1 Tôn Thất Tùng, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho biết, phụ nữ mang thai nên xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt, những xét nghiệm này hiện đều được bảo hiểm y tế chi trả.

Bộ Y tế đã ra Thông tư hướng dẫn quy định về việc xét nghiệm HIV đối với phụ nữ mang thai. Theo đó,  phụ nữ mang thai chưa biết tình trạng nhiễm HIV và đồng ý làm xét nghiệm HIV được chỉ định xét nghiệm HIV trong những lần khám thai định kỳ hoặc khi chuyển dạ, sinh con theo hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai của Bộ Y tế. Cụ thể:

  • Xét nghiệm HIV lần thứ nhất càng sớm càng tốt.
  • Xét nghiệm HIV lần thứ hai cho các trường hợp có hành vi nguy cơ cao quy định tại Khoản 6 Điều 2 Luật Phòng chống HIV/AIDS số 64/2006/QH11 như sau:

+ Có hành vi nguy cơ cao trong vòng 3 tháng trước khi xét nghiệm HIV lần thứ nhất;

+ Có hành vi nguy cơ cao sau khi được xét nghiệm HIV lần thứ nhất.

Xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai được thực hiện ở hầu khắp các tỉnh, kể cả vùng khó khăn

Tuy nhiên, ở vùng sâu vùng xa, việc đi lại của người dân rất khó khăn, việc tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV còn nhiều hạn chế. Các bà mẹ mang thai ở các khu vực này bên cạnh thiếu hiểu biết về HIV/AIDS, họ còn có tâm lý e ngại đi xét nghiệm. Họ lo sợ rằng kết quả xét nghiệm HIV sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và gia đình.

Về vấn đề này, TS. BS Cao Thị Thanh Thủy khuyên, đối với phụ nữ mang thai muốn biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, chị em có thể đến các cơ sở y tế gần nhất.  Tất cả các cơ sở y tế công từ tuyến quận/huyện, cơ sở y tế tư nhân đều có thể xét nghiệm HIV.

Xét nghiệm HIV sớm cho mẹ loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con   - Ảnh 2.

Phụ nữ mang thai nên đến các cơ sở y tế để xét nghiệm sớm HIV.

TS. BS Cao Thị Thanh Thủy  cho biết thêm, hiện nay Chính phủ đã phê duyệt Dự án số 7, theo đó tất cả phụ nữ mang thai ở những khu vực miền núi, vùng khó khăn sẽ được xét nghiệm HIV, viêm gan B và giang mai miễn phí. Phụ nữ mang thai  khu vực miền núi, dân tộc thiểu số có thể xét nghiệm HIV ngay tại  trạm y tế xã, ở những nơi không có điều kiện sẽ chuyển mẫu lên tuyến tỉnh để xét nghiệm. Dự án này hướng tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con theo kế hoạch hành động loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con giai đoạn 2018- 2030.

TS.BS Cao Thị Thanh Thuỷ  cho rằng, có nhiều phương pháp xét nghiệm HIV. Phương pháp xét nghiệm HIV hiện nay là xét nghiệm huyết thanh học. Bản chất của loại xét nghiệm này là để phát hiện sự hiện diện của kháng thể kháng HIV và hoặc kháng nguyên HIV trong máu.

"Hiện nay có 2 kỹ thuật chủ yếu để phát hiện HIV gồm:  xét nghiệm nhanh, đơn giản và phương pháp thứ 2 dùng kỹ thuật miễn dịch đánh dấu  ELISA, hóa pháp quang, điện hóa phát quang.

Ngoài ra còn có những kỹ thuật khác để xét nghiệm HIV như Western blot hoặc phát hiện kháng nguyên P24", TS. BS Cao Thị Thanh Thủy nói.

Nhiều hoạt động góp phần giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang conNhiều hoạt động góp phần giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con

SKĐS - Hướng tới mục tiêu loại trừ loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030, ngành Y tế tỉnh Quảng Trị tiếp tục triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn thông qua nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.


Hải Yến
Ý kiến của bạn