1. Vì sao phụ nữ mang thai cần xét nghiệm đường huyết?
Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa insulin khiến glucose trong máu tăng cao. Nếu đường máu tăng cao kéo dài không được kiểm soát cùng một số yếu tố nguy cơ khác sẽ dẫn đến xuất hiện biến chứng ở nhiều cơ quan trong cơ thể.
Phụ nữ mang thai là một trong số nhóm người có nguy cơ mắc bệnh. Đái tháo đường thai kỳ là hậu quả của sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai. Nhau thai sản xuất ra các hormone làm cho các tế bào của phụ nữ mang thai ít nhạy cảm hơn với tác động của insulin. Điều này có thể gây ra lượng đường trong máu cao khi mang thai.
Những phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ nếu có một trong các yếu tố sau: Thừa cân, lần mang thai trước bị đái tháo đường, đã sinh con có cân nặng trên 4kg, mắc hội chứng buồng trứng đa nang, có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường type 2…
Đái tháo đường thai kỳ nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến các nguy cơ xấu cho sức khỏe của bà mẹ và em bé như: sinh non, sinh con có cân nặng cao hơn bình thường, lượng đường trong máu thấp, vàng da, thai chết lưu… Thai phụ có thể bị các biến chứng như huyết áp cao gây tiền sản giật hoặc đái tháo đường type 2.
Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ nữ mang thai cần thực hiện xét nghiệm dung nạp đường huyết chẩn đoán phát hiện đái tháo đường thai kỳ để có biện pháp theo dõi, can thiệp kịp thời.
2. Xét nghiệm đường huyết trong giai đoạn nào của thai kỳ?
Để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm dung nạp đường huyết để kiểm tra lượng đường trong máu. Nếu thai phụ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ ở mức trung bình thì có thể sẽ được kiểm tra ở giai đoạn giữa tuần thứ 24 - 28 của thai kỳ.
Đối với các trường hợp có nguy cơ cao như: tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường; béo phì; có tình trạng bệnh lý liên quan đến sự phát triển của bệnh đái tháo đường như hội chứng chuyển hóa hoặc hội chứng buồng trứng đa nang… bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định thai phụ nên kiểm tra sớm hơn.
Theo BS. Lê Quang Dương, chuyên gia về sức khỏe sinh sản, Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF) khuyến khích các bác sĩ sàng lọc phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường type 2 khi bắt đầu mang thai. Nếu có các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường type 2, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra tình trạng của thai phụ trong lần khám tiền sản đầu tiên.
Bác sĩ có thể sẽ chẩn đoán thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ nếu có bất kỳ giá trị đường huyết nào sau đây:
- Mức đường huyết lúc đói lớn hơn hoặc bằng 92 mg/dL
- Mức đường huyết trong 1 giờ lớn hơn hoặc bằng 180 mg/dL
- Mức đường huyết trong 2 giờ lớn hơn hoặc bằng 153 mg/dL
Vì vậy, nếu có thể, bạn nên đi khám sức khỏe sớm trước khi mang thai để bác sĩ kiểm tra nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ cùng với sức khỏe tổng thể. Khi mang thai, bác sĩ sẽ kiểm tra bệnh đái tháo đường thai kỳ như một phần của quá trình chăm sóc trước khi sinh.
Nếu được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, thai phụ cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn, nhất là trong 3 tháng cuối, bác sĩ sẽ theo dõi lượng đường trong máu của thai phụ và sức khỏe của thai nhi.
3. Xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ ở đâu?
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh đái tháo đường và đái tháo đường thai kỳ được thực hiện rộng rãi tại nhiều cơ sở y tế đa khoa, chuyên khoa nội tiết, sản phụ khoa…
Tại một số cơ sở y tế chuyên sản phụ khoa, xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ có thể nằm trong gói khám thai trọn gói. Chi phí xét nghiệm dao động trong khoảng 200.000đ-300.000đ.
Thai phụ nên lựa chọn xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ tại cơ sở y tế uy tín, bác sĩ có kinh nghiệm trong khám, sàng lọc và chăm sóc sức khỏe thai kỳ để đảm bảo an toàn nhất cho sức khỏe của mẹ và em bé.
Xem thêm video đang được quan tâm
Dự báo xuất hiện đợt cao điểm rét đậm vào tháng 1/2023