BV. Hùng Vương là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam trang bị hệ thống đọc tự động hình ảnh tế bào cổ tử cung.
BS.CKII. Huỳnh Xuân Nghiêm (Phó giám đốc BV. Hùng Vương) cho biết xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung mới bằng cách đọc hình ảnh tế bào tự động ThinPrep là sự kết hợp giữa công nghệ hình ảnh hiện đại và kinh nghiệm của con người.
Theo BS. Nghiêm, tại TP.HCM cũng như cả nước, một vài kỹ thuật xét nghiệm tầm soát ung thử cổ tử cung hiện nay độ nhạy ít hoặc độ đặc hiệu không cao hoặc độ nhạy cao nhưng độ đặc hiệu không đáp ứng được cho bác sĩ khi khám lâm sàng cho thấy có thể đây là một trường hợp ung thư nhưng xét nghiệm lại không cho ra ung thư.
“Kỹ thuật mới giúp tăng độ nhạy cũng như độ đặc hiệu trong tầm soát ung thư cổ tử cung, giảm 39% tỉ lệ âm tính giả so với phương pháp đọc thông thường. Thiết bị này có khả năng quét toàn bộ hình ảnh tế bào trên tiêu bản, định vị ra 22 vùng khả nghi nhất dựa trên công nghệ hình ảnh và thuật toán tích hợp trong phần mềm, gọi là đọc lần 1. Sau đó các nhà tế bào học sẽ đọc 22 vùng được chọn đó và đưa ra kết luận cuối cùng gọi là đọc lần 2.
Công nghệ Dual Review (đọc 2 lần) mang lại cho người bệnh kết quả chẩn đoán chính xác nhất, tăng tỉ lệ phát hiện các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung lên 38%. Trên tiêu bản chỉ có 1 tế bào bất thường máy cũng có khả năng phát hiện ra và định vị lại. Thời gian tầm soát bằng phương pháp này có thể kéo dài 3 - 5 năm với giá một lần xét nghiệm là 600.000 - 700.000 đồng”, BS. Nghiêm giải thích thêm.
Theo đó, kết quả xét nghiệm còn giúp bác sĩ tầm soát và tiên lượng được khoảng bao lâu bệnh nhân có thể bị ung thư cổ tử cung; đồng thời định hướng các xét nghiệm hoặc kỹ thuật điều trị tiếp theo sau đó. Đặc biệt, kỹ thuật mới là vũ khí hỗ trợ bác sĩ tư vấn cho các trường hợp nhiễm HPV (virút gây u nhú ở người), nhất là týp nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung 16 và 18, bao lâu virút gây tổn thương ở cổ tử cung mà bằng mắt thường hoặc qua kỹ thuật soi thông thường không thể phát hiện được.
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ, đặc biệt ở các nước nghèo, đang phát triển, với tử suất cao 5,2/100.000. Theo thống kê của Globocal, trên thế giới trung bình mỗi năm có khoảng 527.000 ca mắc ung thư cổ tử cung mới, 90% nằm ở các nước đang phát triển, với 65.000 trường hợp tử vong. Còn tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 5.000 ca mới, và hơn 2.400 ca tử vong
BS. Khiêm khẳng định, ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm, và thậm chí có thể ngăn ngừa được.
Tầm soát ung thư cổ tử cung nên bắt đầu làm từ độ tuổi 21 ở phụ nữ. Phụ nữ từ trong độ tuổi 21 - 29 cần làm xét nghiệm tế bào học bằng cách phết tế bào cổ tử cung - âm đạo (PAP truyền thống), và làm mỗi 3 năm 1 lần. Đối với phụ nữ lớn hơn 25 tuổi, xét nghiệm tế bào học và xét nghiệm bộ đôi (PAP HPV test) vẫn được khuyến nghị như một chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung.